Dù thị trường có nhịp tăng hơn 65 điểm liên tục, thanh khoản vẫn theo chiều hướng đi xuống với sự thận trọng tăng cao.
Chốt phiên giao dịch 4/6, VN-Index tăng gần 21 điểm (tương đương 2,11%) lên 1.014 điểm. VN30-Index, chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng tăng gần 28 điểm lên 997 điểm. Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính là HNX-Index và UPCOM-Index đều tăng với tỷ lệ lần lượt là 2,22% và 1,52%.
VN-Index đã ghi nhận phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp với tổng quy mô tăng hơn 65 điểm, lần đầu tái lập mốc 1.000 điểm kể từ khi mất mốc này ngày 22/5.
Tuy nhiên, bất chấp đà tăng mạnh và việc tái lập mốc 1.000, thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục đi xuống chỉ còn 166 triệu cổ phiếu, giảm gần 20% so với phiên cuối cùng tháng 5. Tổng giá trị giao dịch của sàn HoSE đạt gần 5.100 tỷ đồng, chỉ bằng 85% so với hai phiên tăng điểm trước đó.
| |
VN-Index trở lại mốc 1.000 điểm. |
Sau khi giảm nhẹ hơn 2 điểm đầu phiên, VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh và đạt mốc cao nhất trong phiên trước khi đóng cửa. Cộng với hai phiên tăng mạnh trước đó, VN-Index đã tăng tổng cộng hơn 65 điểm chỉ sau ba phiên giao dịch.
Động lực chính cho phiên hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip), bằng chứng là VN30-Index tăng cao hơn 30% so với mức tăng của VN-Index. Trong rổ VN30, chỉ có 5 cổ phiếu giảm, trái ngược với đà tăng của 24 cổ phiếu với 2 cổ phiếu tăng trần.
Đóng góp mạnh nhất vào mức tăng chung của thị trường là cổ phiếu VNM của Vinamilk. Kết phiên 4/6, VNM tăng 6.800 đồng, tương đương 4,04% và đóng góp hơn 2 điểm vào đà tăng của VN-Index. Cổ phiếu VJC của Vietjet tăng trần lên 170.300 đồng, góp hơn 1 điểm vào mức tăng chung của thị trường. Bộ đôi cổ phiếu VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes cùng giữ sắc xanh với tổng đóng góp gần một điểm vào VN-Index.
Nhóm ngân hàng cũng gây được nhiều bất ngờ trong phiên hôm nay khi đồng loạt tăng mạnh. Ngoại trừ cổ phiếu TCB giảm sàn trong phiên đầu tiên giao dịch, 16 cổ phiếu còn lại đều giữ sắc xanh tới cuối phiên, trong đó STB của Sacombank và VPB của VPBank tăng trần trắng bảng bên bán.
Nhóm vốn hóa trung bình (midcap) và vốn hóa thấp (penny) cũng có sự đồng thuận với đà tăng tại một số cổ phiếu chủ chốt, như DXG, CEO, HDG, HBC hay PAN...
Tuy nhiên, thanh khoản tiếp tục là vấn đề của thị trường khi khối lượng giao dịch suy giảm bất chấp đà tăng mạnh. Khối lượng cổ phiếu giao dịch trong phiên hôm nay cũng là mức thấp nhất trong 3 phiên tăng điểm gần đây, trong khi thanh khoản sàn HoSE giảm gần 15%.
Đà tăng mạnh và liên tục của thị trường đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng từ 15 đến 20% so với mức đáy ngắn hạn. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn ngần ngại trong việc mua đuổi giá cao do lo sợ những nhịp điều chỉnh. Với việc tái lập mốc tâm lý 1.000 điểm của VN-Index, triển vọng phục hồi của thị trường đang được mở ra. Dù vậy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đang khiến sự chắc chắn của xu hướng đảo chiều vẫn còn bỏ ngỏ.
Minh Sơn
Nhiều đại gia thu hàng nghìn tỷ trong ngày chứng khoán đạt đỉnh 20 năm Trong ngày hôm nay (2/4), khi thị trường chứng khoán Việt Nam vượt đỉnh lịch sử hơn 20 năm, nhiều đại gia đã thu về ... |
Chứng khoán lại lao dốc Diễn biến phiên giao dịch đầu tuần đang tái hiện khi VN-Index giảm gần 5% sau 30 phút mở cửa thị trường. |
Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất 50 điểm sau 30 phút Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index mất luôn 50 điểm ... |
Chứng khoán Việt bốc hơi 15 tỷ USD trong 2 phiên giao dịch Chỉ trong 2 phiên giao dịch hôm qua và sáng nay, chỉ số VN-Index đã giảm tới hơn 122 điểm, xuống dưới mốc 984 điểm ... |