Không chỉ đến khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, dưới tác động của các lệnh cấm vận từ Mỹ và NATO, một số quốc gia châu Phi rơi vào cảnh gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và khí gas mà rất lâu trước đó, người dân ở Somali và Cộng hòa Dân chủ Congo đã sử dụng loại năng lượng truyền thống: Phá rừng lấy gỗ đốt than…
- EU dự định dùng khí đốt châu Phi thay thế năng lượng Nga
- Nạn vaccine giả ở Châu Phi
- Trung Quốc bác bỏ các buộc lôi kéo châu Phi vào bẫy nợ
1. Những ngày này, nếu đi qua các đường phố ở thủ đô Mogadishu, Somali, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những “chợ than” tấp nập người mua kẻ bán. Khi giá khí gas tăng cao do nguồn cung khan hiếm, phần lớn dân cư ở Mogadishu chuyển sang dùng than làm chất đốt mà chẳng cần quan tâm đến việc than là sản phẩm của sự phá rừng.
Ở quận Wanlaweyn thuộc vùng Lower Shabelle, cách Mogadishu 90 km về phía Tây Bắc, nơi được xem là “trung tâm than”, cung cấp cho thị trường bình quân mỗi ngày 200 tấn. Hậu quả là dọc theo bờ sông Shabelle, trước đây là rừng thì chỉ sau 6 tháng, hầu như không còn một cái cây nào. Trên mặt đất, gỗ được xếp thành từng đống lớn, gần đó là những lò hầm than nhìn như những tổ mối. Abdilatif Hussein Omar, Giám đốc điều hành của tổ chức Action for Environment - Hành động vì môi trường - hoạt động ở vùng Sừng châu Phi cho biết: “Thoạt đầu, dân hầm than đốt những thân gỗ lớn. Khi gỗ hết, những cành củi nhỏ cũng bị đốt luôn”.
Mowlid Jama từng là nông dân nhưng đã chuyển sang khai thác gỗ sau khi dầu mỏ và khí gas không còn dễ dàng mua được như trước tháng 2-2022. Theo Jama thì ngoài anh ra, còn có 10 đến 15 lâm tặc cũng làm như anh, nghĩa là chặt cây trong các khu rừng ở Lower Shabelle. Khi đã đủ số lượng cho một xe tải, gỗ sẽ được vận chuyển đến vùng ngoại ô Mogadishu, nơi những lò hầm biến nó thành than rồi tiếp theo, các chủ vựa chuyển nó ra thị trường. Một lâm tặc khác là Hassan Omar cho biết có thể mất cả ngày để đốn một cái cây: “Chúng thường có tuổi đời khoảng một thế kỷ. Nếu như trước đây, chỉ cần đi vài km là đã thấy rừng nhưng bây giờ, tôi phải đi 50 đến 60 km nếu tính từ Wanlaweyn vì tất cả những cây lớn ở đó đã bị đốn hạ. Trong tương lai, tôi sẽ còn đi sâu hơn nữa”.
Từ năm 2017 đến nay, Somali gặp phải nạn hạn hán nghiêm trọng nên sự tàn phá và khôi phục rừng như một cái vòng luẩn quẩn. Do không có mưa nên những cây con không còn có thể mọc được trong lúc những cây lớn ngày càng bị chặt nhiều hơn. Hệ quả là đất đai bị sa mạc hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân và vật nuôi dựa vào đất để sinh tồn. Lâm tặc Hassan Omar nói: “Khu vực Lower Shabelle đầy biến động, là một trong nhiều vùng của đất nước nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ Somali. Vì thế, nhóm “thánh chiến” al-Shabaab, chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Somali mới thực sự là chủ ở nơi này”.
Để có tiền hoạt động, ngoài sự trợ giúp của al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác, al-Shabaab tiến hành “thu thuế rừng” với lâm tặc. Nhiều lâm tặc đã nhận được các cuộc gọi đe dọa từ al-Shabaab, ra lệnh cho họ chỉ được khai thác gỗ ở khu vực này nhưng tuyệt đối không được khai thác ở khu vực khác bởi đơn giản những khu vực ấy là nơi ẩn náu của các tay súng thánh chiến. Việc chặt hạ toàn bộ cây cối sẽ khiến chiến binh al-Shabaab phơi lưng ra, làm mồi cho pháo binh và máy bay của quân chính phủ. Gised Warsame, chủ thầu gỗ hầm than nói: “Không chỉ người chặt gỗ, tài xế xe tải vận chuyển gỗ cũng phải đối mặt với mối đe dọa từ al-Shabaab. Một tài xế của chúng tôi là Dahir Abdalla đã bị al-Shabaab bắt giam vài ngày vì họ nghi ngờ anh ta gian lận khối lượng. Chỉ đến khi chúng tôi bù tiền vào cái khối lượng do al-Shabaab vẽ ra thì Dahir Abdalla mới được tha”. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến tranh Mỹ (ISW) cho thấy chỉ riêng năm 2021, al-Shabaab đã kiếm được từ 9,5 triệu đến 17.5 triệu USD từ việc thu phí lâm tặc, xe vận chuyển, lò đốt than và các chợ than nằm trong vùng kiểm soát của họ.
Với chủ vựa than, các khoản tiền nói trên đã làm tăng chi phí hoạt động. Hai chủ vựa là Amina Mohamed và Saynab Hersi từ chối đi sâu vào chi tiết về số tiền họ trả cho al-Shabaab vì tính nhạy cảm của vấn đề, nhưng nói rằng họ phải đối mặt với việc đánh thuế hai lần - một là của chính phủ khi các chuyến xe chở gỗ đi qua các thành phố, thị trấn và hai là al-Shabaab khi đi qua vùng nông thôn nhưng họ vẫn có lãi. Yasmin Salad, người đã kinh doanh than được 8 năm cho biết lợi nhuận của cô trong tháng 6 năm nay là 1,8 triệu shilling Somali (3.600 USD) cho 510 bao than. Cứ mỗi bao, cô bán cho các đại lý với giá 11.700 shilling.
Và khi việc khai thác những cây gỗ lớn bắt đầu gặp nhiều khó khăn, các chủ vựa nghĩ ra một phương pháp mới. Sau khi hầm than từ những cành củi nhỏ, họ nghiền nát nó rồi trộn với đất sét theo một tỉ lệ nhất định. Tiếp theo, họ lăn nó thành những quả bóng nhỏ, phơi nắng cho khô để bán cho những người không đủ tiền mua than gỗ. Trong 3 năm qua, Nzigire Ntavuna, 39 tuổi, đã làm những quả bóng này ở ngoại ô Mogadishu. Anh nói: “Nó là chất đốt rẻ tiền nhất hiện nay ở Somali. Chỉ với 1USD, bạn có thể nấu ăn cho cả gia đình 6 người trong 2 ngày”.
2. Với hơn 155 triệu hecta rừng, lưu vực Congo là rừng nhiệt đới lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Amazon, Nam Mỹ, phần lớn nằm trong lãnh thổ Cộng hòa dân chủ Congo (DRC). Thế nhưng chỉ riêng năm 2020, DRC mất 490.000 ha rừng nguyên sinh, trong đó tỉnh Tshopo là tỉnh mất rừng nhiều nhất với 1/4 lượng gỗ, củi, được dùng để hầm than. Nhóm phóng viên của trang tin “Africa Today - châu Phi ngày nay” cho biết tại công viên quốc gia Kahuzi-Biega, hàng trăm lò hầm than lúc nào cũng bốc khói nghi ngút, cả ngày lẫn đêm. Lâm tặc, người đốt than, người vận chuyển, chủ vựa than…, ai cũng phải hối lộ cho quân đội chính phủ để dễ dàng hoạt động. Tại thành phố Bukavu bên bờ hồ Kivu giáp với quốc gia láng giềng Rwanda, một bao tải than loại 50kg được bán với giá 9USD nên cũng dễ hiểu vì sao nó là nguồn lợi lớn bởi lẽ 90% dân số DRC sử dụng than củi để nấu ăn hàng ngày. Chỉ riêng thủ đô Kinshasa, năm 2021 nơi này đã tiêu thụ 4,8 triệu m3 than, còn thành phố Kisangani là 200.000 m3 nên khi những thân gỗ lớn đã bị chặt hết, lâm tặc đào luôn cả gốc và hầu như không bỏ sót cái rễ nào.
Ở DRC, ngành công nghiệp than củi (gọi là “makala”) phần lớn đã đáp ứng nhu cầu năng lượng bởi lẽ chỉ 9% dân số được sử dụng điện và khí gas. Rất nhiều các doanh nghiệp như tiệm bánh mì, nhà máy bia, nhà hàng ăn uống, lò gạch và lò rèn cũng phải phụ thuộc vào củi hoặc than để hoạt động. Trước đó, năm 1995, khoảng 6.000 người thuộc bộ tộc Batwa, sinh sống bằng cách săn bắt hái lượm trong công viên quốc gia Kahuzi-Biega đã bị cưỡng chế rời khỏi vùng đất tổ tiên họ khi vườn quốc gia mở rộng. Bị gạt ra ngoài lề và không có phương tiện kiếm sống, một số người Batwa đã quay trở lại vào năm 2018, chặt cây hầm than đồng thời lấy đất trồng trọt. Ngoài việc bị kiểm lâm và quân đội đánh đập, bạo lực tình dục, người Batwa còn phải đóng thuế cho lực lượng dân quân hoạt động trong công viên. Hiện tại nơi này sản xuất được 1.000 quả bóng than mỗi ngày rồi bán với giá 20 quả/ 1USD. Tuy nhiên đã có những khó khăn trong việc vận chuyển những quả bóng than đến Bukavu, nơi người Batwa có thể bán với giá gấp đôi nhưng họ không thể chen chân vào thị trường than củi bất hợp pháp do các băng nhóm tội phạm nắm giữ.
Xa hơn về phía Bắc, 56% than củi sử dụng ở thành phố Goma được sản xuất bất hợp pháp trong vườn quốc gia Virunga. Tại đây, Quỹ Động vật hoang dã thế giới WWF đã và đang hỗ trợ sản xuất hàng nghìn bếp than tiết kiệm năng lượng và máy phát điện chạy bằng khí biogas nhằm mục đích khôi phục rừng. WWF cho biết họ đã trồng khoảng 20 triệu cây phát triển nhanh kể từ năm 2007 để lấy than và gỗ nhưng điều này chỉ làm giảm tỷ lệ phá rừng ở Virunga là 2,2%. Nhiều lâm tặc cho biết “dù gọi là cây phát triển nhanh” nhưng phải sau 3 năm mới có thể hầm than, còn lấy gỗ làm đồ vật thì cần thêm 2 năm nữa trong khi “chúng tôi không thể nhịn đói, uống nước lã suốt 3 năm được”.
Vẫn theo WWF, một số quan chức có quyền lực là người hưởng lợi rất nhiều trong việc buôn bán than củi ở DRC. Họ đã sử dụng tài nguyên quốc gia như một con heo đất cá nhân để bỏ tiền tiết kiệm. Thierry Lusenge, Giám đốc WWF tại Congo nói: “Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề này thì trong 10 năm nữa, khi đề cập đến Congo, chúng ta sẽ không nhắc về rừng mà nhắc về những đồn điền cà phê, ca cao, cọ... 10 năm nữa, rừng Congo sẽ chỉ còn là một khái niệm trong ký ức”.
Tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu- COP 26 tổ chức ở Glasgow, Anh, hơn 100 nhà lãnh đạo trên thế giới đã cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng vào năm 2030. Bên cạnh đó, 1,5 tỷ USD sẽ được dành cho cho lưu vực Congo với 500 triệu USD cho 5 năm đầu tiên. Sau khi ký thỏa thuận, lãnh đạo DRC là ông Felix Tshisekedi cho biết, an ninh lương thực và hành động đối phó với khủng hoảng khí hậu sẽ được thực hiện thông qua nông nghiệp bền vững, chủ yếu ở các thảo nguyên không có rừng. Nhưng trong khi các kế hoạch đang được thực hiện để xóa bỏ nạn phá rừng thì vẫn có những lo ngại rằng các nỗ lực ngăn chặn khai thác gỗ bất hợp pháp sẽ không đạt được kế hoạch bởi lẽ nhu cầu về than ở Congo vẫn còn ở mức cao.
Cho đến nay, sản lượng than có nguồn gốc từ gỗ, củi ở châu Phi chiếm 2/3 sản lượng than gỗ toàn cầu. Hiện tại, hơn 2,5 tỉ người trên toàn thế giới vẫn phải phụ thuộc vào nguồn năng lượng sinh khối, bao gồm củi, than, phân động vật để nấu ăn hoặc chế biến thực phẩm. Nếu như trước năm 2000, 61% diện tích đất ở DRC được bao phủ bởi rừng nguyên sinh thì đến năm 2020, hơn 30.000km2 rừng - rộng hơn quốc gia Puecto Rico ở Nam Mỹ đã biến mất.
Tiến sĩ Lubutu, chuyên gia về biến đổi khí hậu thuộc Ủy ban Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết bình quân một gia đình ở Congo tiêu thụ từ 100 đến 150kg than/ tháng tùy vào số lượng người nhiều hay ít. Điều ấy có nghĩa là họ phải mất từ 10 đến 18USD cho chất đốt bởi lẽ thu nhập của một gia đình chỉ khoảng 50 đến 100USD. Ông nói: “Vì thế, phá rừng để lấy than, củi vẫn là vấn đề nan giải…”.
https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/vong-luan-quan-o-chau-phi-i664326/