Sau 1 tuần hoãn phiên sơ thẩm, ngày 15.5, TAND TP.Hoà Bình chính thức mở phiên sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan đến tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình vào ngày 29.5.2017.
3 bị cáo tại phiên toà sơ thẩm ngày 15.5. Ảnh: ANH PHÚ
Dự kiến, phiên toà sơ thẩm diễn ra trong 4 ngày. Ngày đầu tiên, mặc dù các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cho rằng thiếu nhiều nhân chứng quan trọng, phiên sơ thẩm không thể diễn ra nhưng hội đồng xét xử đã không đồng ý.
Nóng từ phòng xử án
Gần 1 năm xảy ra tai biến chạy thận, phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án hình sự mới diễn ra. Một phiên toà thu hút được nhiều người quan tâm. Đó là lý do ngay từ sáng sớm, các bị cáo, luật sư tham gia bào chữa, người nhà nạn nhân mang theo di ảnh nạn nhân cùng người dân đã đến kín phòng xử án.
Một nhân chứng được nhiều người quan tâm và cho rằng cần có mặt tại phiên toà là ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình - đã có đơn xin vắng mặt. Lý do vắng mặt của ông Trương Quý Dương không được đưa ra.
Cả 3 bị cáo đều có mặt đầy đủ, đúng giờ. Tất cả các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo đều có mặt tại phiên tòa. Trong cáo trạng, Viện KSND tỉnh Hoà Bình cho rằng, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với cả ông Trương Quý Dương lẫn Cty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. Tuy nhiên, các luật sư gay gắt yêu cầu có mặt các nhân chứng quan trọng để phiên toà sơ thẩm được diễn ra khách quan.
Luật sư Lê Văn Thiệp - tham gia bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương - đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét triệu tập ông Trương Quý Dương đến tòa để làm rõ trách nhiệm của ông Dương, trong đó có việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế. “Việc vắng mặt của ông Trương Quý Dương gây khó khăn cho quá trình xét xử, bởi ông Dương liên quan đến nhiều tình tiết quan trọng của vụ án này” - luật sư Thiệp nói.
Luật sư Trần Vũ Hải - bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc - cũng đề nghị toà triệu tập ông Trương Quý Dương. Lý do các luật sư đưa ra yêu cầu trên do quá trình điều tra cho thấy, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là người trực tiếp ký kết hợp đồng số 315/BVĐK T-TS với Cty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn trị giá 99.360.800 đồng vào ngày 25.5.2017 và cũng trong ngày 25.5.2017, Cty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn lại ký hợp đồng số 05/2017/TS/TA với Cty TNHH xử lý nước Trâm Anh; thực chất là chuyển nhượng lại hợp đồng 315/BVĐK T-TS với giá trị rẻ hơn (70.257.000đồng). Theo đó, Cty TNHH xử lý nước Trâm Anh là Cty chuyên xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp tham gia sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Sự cố xảy ra do nước dùng lọc thận nhiễm hoá chất dẫn đến cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận.
Cũng theo các luật sư, ngoài ông Trương Quý Dương, cần triệu tập cả ông Đỗ Tuấn Anh - Giám đốc Cty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Lý do không hoãn phiên toà
Ngoài ra, luật sư Trần Hồng Phúc - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương - cho rằng: Trong quá trình điều tra cho thấy, hiện trường vụ án đã có sự thay đổi, liên quan rất lớn đến trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt liên quan đến ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn.
Luật sư Phúc cho biết, hiện đang có 2 nguồn lời khai, lộ nhiều mâu thuẫn. Trong đó, lời khai của Bùi Mạnh Quốc cho biết, sau khi xảy ra sự cố, Đỗ Anh Tuấn đã chỉ đạo Quốc tiệt trùng lại bằng nước Javen để xoá dấu vết hiện trường.
Trong khi đó, qua lời khai ông Hoàng Đình Khiếu - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà bình - và lời khai của ông Trương Quý Dương đều xác định, sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo bệnh viện đã hỏi ý kiến chuyên môn đại diện Bệnh viện Bạch Mai và đều cho ý kiến tẩy rửa lại đường ống.
Ngoài ra, tai biến chạy thận xảy ra trong khoảng thời gian từ 8h15 - 8h30 ngày 29.5, đến 12h, bắt đầu có bệnh nhân tử vong nhưng phải đến 16h, mới được báo đến cơ quan điều tra.
Do nhiều nhân chứng quan trọng vắng mặt, các luật sư đề nghị hoãn phiên toà cho đến khi triệu tập đủ các nhân chứng quan trọng. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND tỉnh Hoà Bình đề nghị tiếp tục xét xử. Sau khi hội ý, HĐXX thông báo không đồng ý hoãn phiên xử.
Chủ toạ phiên toà cho biết, trường hợp ông Trương Quý Dương, toà đã triệu tập lần thứ 2 vẫn vắng, “việc này toà sẽ xem xét, làm rõ các tình tiết liên quan”.
Trong ngày đầu tiên, HĐXX còn tiến hành xét hỏi 3 bị cáo. Cuối ngày xét xử đầu tiên, dù thời tiết khá nóng nhưng đông đảo người dân quan tâm vụ việc vẫn ở lại theo dõi phiên toà.
3 bị cáo gồm Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Cty TNHH xử lý nước Trâm Anh). Bị cáo Quốc bị Viện KSND TP.Hòa Bình truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 1999. Bị cáo Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình). Bị cáo Hoàng Công Lương (SN 1986, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”
Hoàng Công Lương khai gì tại tòa sau sự cố 8 người chết khi chạy thận? Hoàng Công Lương khai anh ta chỉ làm nhiệm vụ của bác sĩ điều trị, không liên quan đến việc bàn giao, sửa chữa máy ... |
Nam bác sĩ hầu tòa trong vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong Sáng nay, phiên tòa xét xử ba người liên quan sự cố y khoa khiến 8 bệnh nhân tử vong được mở tại TAND thành ... |
Luật sư yêu cầu triệu tập ông Trương Quý Dương đến tòa Các luật sư đồng loạt yêu cầu tòa án triệu tập ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, đến ... |