Sáng 26-12, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần tranh luận. Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát (VKS) nhân dân Cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm đối với kháng cáo của các bị cáo cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Bị cáo Hoàng Văn Hưng khai lý do nhận 800.000 USD để "chạy án"
- Hôm nay xử phúc thẩm vụ chuyến bay giải cứu: 21 bị cáo hầu toà
Theo đại diện VKS, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi phạm tội.
Bị cáo Phạm Trung Kiên tại phiên tòa phúc thẩm. |
Từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10,4 tỉ đồng.
23 bị cáo là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226,7 tỉ đồng; 4 bị cáo môi giới hối lộ số tiền hơn 74,4 tỉ đồng và 2 bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 24,5 tỉ đồng.
Tháng 7-2023, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau phiên tòa này, có 23 bị cáo và 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo.
Liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo, người liên quan là bà Đào Thị Thanh (vợ bị cáo Trần Văn Dự - cựu cán bộ công an) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho chồng là bị cáo Trần Văn Dự. Thế nhưng, theo quy định của pháp luật, người liên quan chỉ được kháng cáo những nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình. Do vậy, xác định bà Thanh không được kháng cáo cho bị cáo Trần Văn Dự.
Trước phiên tòa phúc thẩm, có 2 bị cáo là Ngô Quang Tuấn (cựu cán bộ Bộ GTVT) và Nguyễn Anh Tuấn (cựu lãnh đạo Công an Hà Nội) rút đơn kháng cáo. Như vậy, đến phiên tòa phúc thẩm chỉ còn 21 bị cáo và 2 người liên quan kháng cáo.
Theo VKS, ở nhóm tội “Nhận hối lộ”, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế) có nhiệm vụ tiếp nhận, trình lãnh đạo bộ này duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khi thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay hoặc từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng mỗi hành khách. Đối với khách lẻ, chi phí này là từ 7-15 triệu đồng/người.
Từ tháng 2-2021 đến tháng 12-2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ với tổng số tiền 42,6 tỉ đồng.
Căn cứ vai trò, nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, việc bị cáo đã khắc phục 42,2 tỉ đồng, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án chung thân, buộc bị cáo chịu hình phạt bổ sung 100 triệu đồng. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Kiên đã nộp khắc phục hết toàn bộ số tiền phải truy thu cũng như hình phạt bổ sung và án phí.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Kiên trình bày thêm một số tình tiết mới như đã khắc phục hết hậu quả vụ án, bố mẹ là thương binh, đã già yếu, bị cáo tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện…
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng bị cáo có hành vi mặc cả, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đã nhận số tiền hối lộ đặc biệt lớn, phạm tội nhiều lần. Bản án sơ thẩm đã xét hết các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo, thể hiện rõ nét sự khoan hồng. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo.
Đối với đề nghị giải tỏa kê biên các tài sản là căn hộ chung cư ở Hà Nội và thửa đất ở Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận, VKS đề nghị tòa chấp thuận cho bị cáo vì đã thi hành xong nghĩa vụ.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 7-2023, bị cáo Phạm Trung Kiên bị tuyên phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”.