Từ vụ lộ đề thi môn Sinh học, nhiều nghi vấn đang đặt ra, liệu còn những ai liên đới, và ai phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng này?

Sai phạm cần xử lý dứt điểm

Từ tháng 7/2021, một nhóm giáo viên, giảng viên, chuyên gia môn sinh đã có văn bản gửi lãnh đạo các cấp và cơ quan có thẩm quyền, phản ánh những lo lắng, bức xúc về nghi vấn lộ đề thi môn Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Sau gần một năm tố giác, vụ việc lộ đề thi môn Sinh học mới có kết quả.

Nhiều người cho rằng, ngoài việc phối hợp theo yêu cầu của Bộ Công an, dường như Bộ

Giáo dục và Đào tạo chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý cao nhất trong ngành giáo dục - đào tạo và phản ứng sự việc rất chậm.

Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết: “Tôi có quan tâm đến vấn đề sai phạm trong xây dựng ngân hàng đề thi môn Sinh học năm 2021. Theo đánh giá của cá nhân tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự chậm trễ trong xử lý, giải quyết”.

Cũng theo bà Nga, đáng nói, việc này, nếu như không có sự vào cuộc rất quyết liệt của các đại biểu Quốc hội thì chưa chắc đã được xử lý đến nơi đến chốn. Bà Nga cho hay, sau khi phát hiện sự bất thường của đề thi môn Sinh, có một số giáo viên ở Hà Nội có ý kiến, đã gửi ý kiến kiến nghị lên Bộ. Tuy nhiên, sau một thời gian không có kết quả, các giáo viên tiếp tục gửi ý kiến kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội.

"Nhờ có sự vào cuộc, lên tiếng của các đại biểu Quốc hội và đề nghị cơ quan chức năng phải có sự xem xét, vào cuộc trả lời cho nhân dân, thì tất cả mọi việc mới dần được hé lộ và sáng tỏ" - vị đại biểu này nói.

01
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

“Thậm chí, tôi thấy cử tri cũng đã phản ánh rất gay gắt về việc, hết năm học này đến năm học khác, hết kỳ thi này đến kỳ thi khác, mà chưa có một câu trả lời dứt điểm cho sai phạm từ những kỳ thi trước, chưa thấy cá nhân, tổ chức nào bị xử lý thì rất bức xúc. Chúng ta đang chuẩn bị đứng trước một kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, mà sai phạm chưa được xử lý dứt điểm thì niềm tin của phụ huynh, niềm tin của cử tri cũng ít nhiều bị ảnh hưởng” - bà Nga nhấn mạnh.

Từ vụ việc này cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, ngân hàng đề thi bị can thiệp, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thi của thí sinh, đặc biệt khối B trong năm qua. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nga cho rằng, hiện chưa có câu trả lời cuối cùng cho vụ việc, mới bắt đầu khởi tố. Nhưng, đã khởi tố bắt tạm giam một số đối tượng thì có sự bất bình thường, vi phạm.

“Có sự vi phạm thì trong việc ra đề thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Đặc biệt, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT còn được sử dụng làm kết quả xét tuyển đại học. Một em đỗ “oan” thì trượt oan. Như vậy, cơ hội của những học sinh học thật, thi thật đôi khi lại bị đánh mất vì những gian lận nào đó” – bà Nga nhấn mạnh.

Và với việc để liên tiếp xảy ra những sai phạm, như vụ gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang và một số tỉnh phía Bắc những năm trước, bà Nga đặt câu hỏi, phải chăng, sẽ có những “kẽ hở” có thể lợi dụng được. “Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần xử lý một cách triệt để, đủ sức răn đe trong sự việc này” - bà Nga cho hay.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, khi vụ việc xảy ra, quan trọng nhất thái độ ứng xử của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào? Có nghiêm túc không, có quyết liệt không, có bao che không và có xử lý đến cùng không? Trong giáo dục, không ai chấp nhận việc để xảy ra những gian dối như thế tồn tại, cho nên phải xử lý đến cùng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thực tế cho thấy, sai phạm trong vụ lộ đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không phải là vụ việc hy hữu, trước đó đã có những vụ việc tương tự xảy ra như, vụ gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang và một số tỉnh phía Bắc những năm trước. Bởi vậy, hành vi vi phạm của hai cựu giáo viên cần phải bị xử lý kịp thời, nghiêm minh nhằm mục đích răn đe. Mặc dù vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, song nghi vấn của dư luận đặt ra: Ngoài hai đối tượng này, liệu còn những ai liên đới, và sau cùng ai phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng này?

Ở góc độ pháp lý, trao đổi với Báo Công Thương về vụ việc trên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, trong vụ án này, bà Phạm Thị My là tổ trưởng tổ ra đề, còn ông Bùi Văn Sâm là thành viên tổ thẩm định đề môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Chính những hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề của bà My và ông Sâm đã dẫn đến những sai phạm trong kỳ thi này.

“Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ đặt ra đối với hai người đã bị khởi tố trên mà còn liên đới tới những người tham gia quá trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, từ khâu lựa chọn, nhập liệu, xuất đề thi thô cho đến những cá nhân có liên quan khác” - luật sư Tiền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo luật sư Tiền: "Một phần trách nhiệm trong vụ việc trên cũng thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đã chủ quan, sơ suất trong khâu xây dựng và kiểm tra ngân hàng câu hỏi thi và xây dựng đề thi chính thức".

01-1
Sau khi kỳ thi tốt nghiệp trung học năm 2021 diễn ra, theo phản ánh của một số giáo viên, bài tổng ôn môn Sinh của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) cho học sinh trước ngày thi giống hơn 90% so với đề thi chính thức môn Sinh học.

Điều đáng nói, ngay sau khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố 2 bị can trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới phát thông báo thông tin về việc vi phạm trong quá trình xây dựng đề thi môn Sinh học, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Cụ thể, công văn Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận, trong quá trình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ đã ghi nhận một số yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Rút kinh nghiệm đối với sự việc này, trong thời gian từ tháng 10/2021 tới nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tổ chức kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị rà soát quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi, phần mềm hỗ trợ ra đề thi bảo đảm chặt chẽ, khách quan, hiệu quả” - văn bản nêu.

Nhiều ý kiến cho rằng, với một sự việc xảy ra “tày đình” trong môi trường mô phạm như vậy, cần làm sáng tỏ những sai phạm của từng đối tượng, từng “lỗ hổng” để tìm cách khắc phục, đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho những kỳ thi tiếp theo. Theo đó, luật sư Tiền cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xem xét, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, xử lý dứt điểm những cá nhân vi phạm.

“Thậm chí, những “con sâu làm rầu nồi canh” nên bị cho ra khỏi ngành chứ không thể dừng lại ở mức chỉ “rút kinh nghiệm”. Nếu không xử lý vụ việc, truy ra gốc rễ vấn đề, thì chỉ xử lý được “phần ngọn” vì không biết còn bao nhiêu “Phạm Thị My”, “Bùi Văn Sâm”, bao nhiêu vụ sai phạm còn xảy ra về vấn đề thi cử nữa”.

Để tìm hiểu thêm về quy trình lựa chọn cán bộ tham gia xây dựng đề thi, theo thông tin từ đại diện Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Vụ việc này không liên quan đến trường, vì vụ việc xảy ra khi hai cán bộ này đã nghỉ hưu, nhà trường không có trách nhiệm quản lý.

"Về quy trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy người tham gia công tác ra đề thường sẽ không hỏi ý kiến của trường. Nếu người đó đang đương chức thì sẽ có văn bản mật gửi tới trường thông báo, chỉ định người tham gia" - vị đại diện Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay.

Được biết, hai cựu giáo viên này là những người có tên tuổi, uy tín về mặt chuyên môn, còn tần suất tham gia tổ công tác ra đề nhiều hay ít thì vị này không biết, vì đó là quy trình mật. Ngay cả văn bản mật về trường, cũng chỉ có Hiệu trưởng biết.

Như vậy, có thể thấy, việc lựa chọn người tham gia hội đồng ra đề luôn theo quy trình bảo mật, vấn đề đặt ra ở đây là, vậy “lỗ hổng” nào để xảy ra sai phạm? Đề cập về việc này, đại diện Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, về quy trình quy chế của Bộ ban hành, việc ra đề 3 chung được thực hiện khá bài bản trong nhiều năm liền. Với quy trình quy chế chặt chẽ, song trong quá trình làm, có thể người ta thạo ở đâu đó nên sẽ lách, cũng giống như luật, luật nào cũng có kẽ hở để lách, và khi vấn đề gì xảy ra thì lại “vá”.

Mới đây, bà Phạm Thị My và ông Bùi Văn Sâm (nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mức án cao nhất mà hai bị can phải đối diện là phạt tù lên đến 15 năm. Bên cạnh đó, bà My, ông Sơn còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Đỗ Nga / congthuong.vn