Anh H. vô cùng bức xúc khi các đối tượng lại dùng sức khoẻ của con anh ra để lừa đảo, theo anh H. đây là hành vi vô nhân tính.
Anh T.M.H. là phụ huynh có con đang học tại một trường quốc tế trên địa bàn TP. Thủ Đức. Ngày 3/3, anh nhận được cuộc điện thoại của đối tượng lạ yêu cầu chuyển tiền gấp để cứu con anh đang nguy kịch. Sau khi chuyển 70 triệu đồng, anh mới biết mình bị lừa.
Đến hôm nay, anh T.M.H vẫn chưa hết bàng hoàng về việc mình nhận được cuộc điện thoại lạ yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu cho con đang bị tai nạn.
Nhớ lại sự việc, anh H. vẫn còn cảm thấy vô cùng bức xúc khi những đối tượng này lại đi lừa đảo trên sức khoẻ của những đứa trẻ. Theo anh H., đây là hành vi vô nhân tính.
Anh H. thuật lại, vào khoảng 9h30' sáng 3/3, trong lúc 2 vợ chồng anh đang làm việc ở nhà thì nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Khi nghe máy, anh được người đầu dây bên kia giới thiệu là giáo viên bộ môn của lớp con anh H. thông báo con anh đã bị té cầu thang chấn thương sọ não.
Chưa hết bàng hoàng, anh H. tiếp tục nghe “thầy giáo” thông báo bé đang cần mổ gấp để cấp cứu và cần người ký giấy để phẫu thuật. “Thầy giáo” này cũng không quên yêu cầu anh H. phải chuyển khoản trước để tạm ứng cho ca phẫu thuật.
Quá lo lắng cho con, nên anh H. đã chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản mà “thầy giáo” yêu cầu để lo viện phí cho con. Sau đó, anh H. tức tốc chạy đến bệnh viện nhưng trên đường đi anh tiếp tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn của “thầy giáo” hối thúc, chuyển thêm tiền để con anh lên ca mổ.
Sau đó, gia đình anh H. đã chuyển thêm số tiền 50 triệu đồng cho đối tượng này. Nhưng khi anh H. đến bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM hỏi thông tin mới ngã ngửa đã bị lừa.
Đối tượng lừa đảo kể vanh vách tên họ, trường lớp của con nạn nhân
Kể lại với PV Báo Giao thông, chị Đ.T.T.H. cho biết chị có con đang học tại một ngôi trường quốc tế trên đường Cộng Hoà. Khoảng hơn 10h sáng 6/3, chị bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ.
Khi nghe máy chị H. được một người đàn ông tự giới thiệu là nhân viên của bệnh viện thông báo con chị bị tai nạn phải cấp cứu gấp. Trong lúc chị H. đang bấn loạn lo lắng, đối tượng nhanh chóng chuyển điện thoại cho một người khác. Để tăng thêm sự “tin tưởng” nhân vật thứ 2 này tự xưng là giám đốc bệnh viện.
Vị “giám đốc” này tiếp tục nói với giọng gấp gáp về tình trạng con của chị H., cần phải mổ gấp, phải làm thủ tục nhập viện, truyền máu... nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.
Các đối tượng tiếp tục “chuyển vai” khi người đàn ông thứ 3 xuất hiện qua điện thoại, người này tự xưng là giáo viên của trường. “Cả 3 người này nói chuyện rất nhanh và không cho mình kịp hỏi bất cứ điều gì hết”, chị H. kể lại.
Tiếp đến, đối tượng yêu cầu chị H. phải chuyển tiền để bệnh viện mổ và không quên nhấn mạnh tình trạng con chị H. đang rất nguy kịch. Sau đó, người đàn ông đầu giây bên kia tiếp tục nói: “Tôi sẽ chuyển tin nhắn có số tài khoản để chị chuyển tiền” sau đó cúp máy.
Rất may, chị H. đã nhớ lại trước đây con chị cũng từng bị tai nạn gãy tay trong trường. Nhà trường đã chủ động liên hệ và chỉ báo thông tin tình trạng của cháu và bệnh viện nơi cháu được chuyển vào, không có chuyện bệnh viện hối thúc chuyển tiền.
Sinh nghi nên chị H. quyết định không chuyển tiền. Nhưng chỉ 5 phút sau đối tượng đã tiếp tục gọi lại cho chị để thúc giục. Lúc này chị H. bình tĩnh nói: “Tôi đã biết mấy anh lừa đảo, tôi đã gọi công an rồi, công an sẽ gọi cho mấy anh liền”.
Bất ngờ trước câu trả lời của chị H., đối tượng lớn tiếng: “Con chị đang nguy cấp mà chị còn giỡn được nữa hả” rồi cúp máy.
Cẩn trọng với những cuộc gọi lạ
Nhiều phụ huynh thắc mắc là tại sao đối tượng có thể biết rõ họ tên của con mình, học lớp nào, trường nào? Vậy các đối tượng lừa đảo lấy những thông tin chính xác này từ đâu?
Trước tình trạng này, ngày 6/3, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM đã có văn bản cảnh báo về việc nhiều phụ huynh bị các đối tượng xấu lợi dụng, thông tin về tình trạng sức khoẻ của con mình để lừa đảo. Sở cũng yêu cầu các trường chấn chỉnh lại công tác liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, để khi có tình huống gì, phụ huynh có thể liên lạc với nhà trường, cô giáo chủ nhiệm.
Về những thông tin cá nhân của các em học sinh bị các đối tượng xấu lợi dụng, Sở sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng để điều tra. Hiện công an TP.HCM đã công bố đường dây nóng để phụ huynh có thể gọi đến phản ánh khi nhận được các cuộc điện thoại tương tự.
Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM cho rằng, các phụ huynh cần tỉnh táo và cẩn trọng trước những thông tin từ các số điện thoại lạ gọi tới.
Khi xảy ra bất kỳ một vụ tai nạn nào, kể cả tai nạn trong trường học hay tai nạn giao thông, khi bệnh nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu, các bác sỹ đều tập trung công việc ưu tiên nhất là cấp cứu nạn nhân, dù nạn nhân đó có tiền hay không có tiền. Không có chuyện bệnh viện yêu cầu gia đình phải chuyển tiền rồi mới cấp cứu.
Khi có những thông tin cá nhân của nạn nhân, bệnh viện và các cơ quan chức năng bằng những kênh thông tin khác nhau sẽ liên hệ với thân nhân. Nếu các cháu là học sinh, qua kênh nhà trường, cô giáo chủ nhiệm để liên hệ phụ huynh một cách nhanh nhất, tin tưởng nhất. "Phụ huynh không nên nóng vội, tin tưởng và những đối tượng lừa đảo để mất tiền không đáng có", ông Phúc nói.