Theo Chủ tịch UBND xã Trà Leng, mọi công tác tìm kiếm, cứu nạn người dân trong vụ sạt lở đang được thực hiện rất khẩn trương. Tuy nhiên, khối lượng đất đá, nhà cửa bị vùi lấp quá lớn, việc tìm kiếm được thực hiện thủ công với dụng cụ thô sơ nên gặp nhiều khó khăn.

Vụ sạt lở ở xã Trà Leng: 'Tôi thấy bà con nằm đó mà không làm gì được' - Ảnh 1

Lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Ảnh: Báo Giao thông

Liên quan đến vụ sạt lở đất vùi lấp 11 hộ dân với 53 người ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đến 23h ngày 29/10, hơn 400 cán bộ chiến sĩ Quân khu 5 gồm lực lượng công binh, thông tin, lực lượng vũ trang địa phương... vẫn đang khẩn trương tiếp cận hiện trường vụ sạt lở để có thể đưa xe cơ giới vào hiện trường trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại vẫn được lực lượng tại chỗ triển khai tích cực.

Trước đó, có 33 người đã được cứu sống (trong số này có 16 người bị thương). Theo thông tin ban đầu, những người may mắn sống sót là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết. Hiện, tất cả các nạn nhân bị thương đã được chuyển đến trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện để chữa trị.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, mọi công tác tìm kiếm, cứu nạn người dân được thực hiện rất khẩn trương. Tuy nhiên, khối lượng đất đá, bùn đất, cây cối, nhà cửa bị vùi lấp quá lớn, có vị trí chất cao 3 - 7m, trong khi đó việc tìm kiếm được thực hiện bằng tay, với dụng cụ thô sơ, thủ công nên gặp vô vàn khó khăn.

Cũng theo lời ông Cường, trước đó, vào 8h ngày 28/10, ông nhận được điện thoại thông báo từ Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng (hiện vẫn đang mất tích cùng 13 người khác) cho biết tình hình mưa lũ ở khu vực thôn 1 trên địa bàn xã diễn biến phức tạp.

Khoảng 2 giờ sau, đất đá từ phía đỉnh núi, thượng nguồn sông Lăng đổ về như thác. Người dân được thông báo di dời về trụ sở UBND xã Trà Leng trú ẩn.

Trong khi người dân đang chuẩn bị đồ dùng cá nhân để di dời khỏi làng thì bất ngờ những khối đất đá khổng lồ ập xuống. Trong chớp mắt, tất cả nhà cửa 11 hộ dân bị vùi lấp.

Có mặt tại hiện trường, già làng Nguyễn Ngọc Anh (thôn 1, xã Trà Dơn) vẫn không tin những gì vừa xảy ra. Sau nghe tin sạt lở ở thôn 1 xã Trà Leng, già Anh cùng hơn 50 người tức tốc đến hiện trường. Hơn 5 lần đoàn người kéo nhau đi rồi phải quay về do sạt lở, hết dùng thuyền rồi đi bộ, mất hơn nửa ngày mới vào đến nơi.

“Tôi thấy bà con nằm đó mà không làm gì được, cây cối, bùn đất… chôn vùi hết, nước cuốn đi hết. 4 người đang nằm trong bùn đất, cố gắng lôi ra được 2 người nhưng họ đã chết. Còn 2 người còn lại, tận mắt tôi nhìn thấy họ bị cuốn đi… ”, già Anh bàng hoàng nhớ lại.

Tại cuộc họp khẩn tại Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Bắc Trà My, nhiều phương án được đưa ra. Các chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 885 do Trung tá Nguyễn Phước Trung, phó Trung đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy được lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Cùng với vật dụng quân tư trang, lương thực, thuốc men, nồi niêu chén bát được mang theo để sẵn sàng cho cuộc tìm kiếm dài ngày trong rừng.

Ông Hồ Quang Bửu cho biết: Có 3 phương án đưa ra gồm đường bộ, đường không và đường thủy. Tuy nhiên phương án chính là khắc phục sạt lở, mở đường để bộ đội hành quân.

Sạt lở vùi lấp cả làng: Nghẹn ngào cảnh cô giáo nhòe lệ trên giấy khen học trò Sạt lở vùi lấp cả làng: Nghẹn ngào cảnh cô giáo nhòe lệ trên giấy khen học trò
Ngày kinh hoàng của người dân Trà Leng Ngày kinh hoàng của người dân Trà Leng
Thử trưởng Bộ GTVT xuyên đêm chỉ huy thông tuyến vào khu sạt lở ở Trà Leng Thử trưởng Bộ GTVT xuyên đêm chỉ huy thông tuyến vào khu sạt lở ở Trà Leng

/ www.doisongphapluat.com