Vương quốc Anh đang đối mặt với nguy cơ về một cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào cuối tuần qua với các bộ trưởng chính phủ, nhân viên y tế và các nhà quản lý nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực, đối phó với tình trạng quá tải của hệ thống y tế khiến hàng nghìn bệnh nhân mắc kẹt bên ngoài các bệnh viện.

Xe cứu thương đợi bên ngoài Bệnh viện Hoàng gia London (Anh).

Trong một bệnh viện ở miền Bắc nước Anh, một cụ bà 92 tuổi ốm yếu nằm trên xe đẩy chờ 33 giờ để được đưa lên giường bệnh. Đây chỉ là một trong số hàng chục câu chuyện được báo chí Anh đưa tin trong những tuần gần đây, khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này rơi vào tình trạng quá tải.

NHS, vốn là niềm tự hào của nước Anh, cung cấp các dịch vụ y tế mà mọi người có thể sử dụng mà không phải trả toàn bộ chi phí dịch vụ. Tuy nhiên, NHS đang phải đối mặt với vô số áp lực, bao gồm nhu cầu chăm sóc của người dân ngày càng tăng sau khi các hạn chế về đại dịch Covid-19 được nới lỏng; sự gia tăng bệnh nhân nhiễm cúm và các loại vi rút mùa đông khác và tình trạng thiếu nhân viên do kiệt sức...

Các y tá và đội cứu thương đã tổ chức các cuộc đình công, một phần của làn sóng đình công lớn nhất của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Tuổi thọ trung bình tăng và dân số già, rồi mức độ lây nhiễm cao của bệnh cúm..., tất cả đang làm trầm trọng thêm vấn đề về tình trạng thiếu nhân sự y tế tại Anh. Trong khi đó, hàng dài xe cứu thương bị mắc kẹt bên ngoài bệnh viện với những bệnh nhân không thể nhập viện, thậm chí những người trong tình trạng sức khỏe khẩn cấp vẫn phải chờ đợi hàng giờ để chờ xe cứu thương đến.

Theo NHS, 20% số bệnh nhân sử dụng xe cứu thương ở Anh tuần trước phải chờ hơn 1 giờ mới được chuyển vào phòng cấp cứu, trong khi hàng chục nghìn người chờ hơn 12 giờ mới được chữa trị tại bệnh viện. NHS đã liên tục bị cắt giảm ngân sách trong hơn một thập kỷ, trước khi đại dịch Covid-19 khiến tình hình thêm căng thẳng.

Các lãnh đạo của NHS lý giải tình trạng hoạt động tồi tệ hiện nay là do NHS cùng lúc phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng, gồm đại dịch Covid-19, dịch cúm mùa và áp lực đối với các dịch vụ khẩn cấp. Tháng 10-2022 được cho là tháng cao điểm nhất về số bệnh nhân phải sử dụng dịch vụ y tế khẩn cấp, ở mức 2,1 triệu bệnh nhân. Với công suất sử dụng giường trong các bệnh viện lên tới 94%, NHS bị tê liệt do không thể gửi bệnh nhân đang hồi phục đến nơi khác...

Khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc cơ bản, kịp thời của dịch vụ y tế ngày càng suy giảm cũng làm dấy lên các cuộc tranh luận trong nội bộ Chính phủ Anh về việc có cấp thêm kinh phí cho NHS hay không khi cơ quan này đang đối mặt khả năng thiếu ngân sách khoảng 7 tỷ bảng Anh vào năm tới.

Giám đốc điều hành của NHS Matthew Taylor cho biết: “Cuộc khủng hoảng này đã hình thành từ một thập kỷ và chúng ta đang phải trả giá đắt cho nhiều năm không hành động và suy giảm thiếu kiểm soát”.

Cuộc họp khẩn cấp cuối tuần qua do Thủ tướng Rishi Sunak chủ trì đã tập trung vào 4 vấn đề chính: Giảm thiểu sự chậm trễ trong việc xuất viện cho bệnh nhân; cải thiện hiệu suất dịch vụ khám chữa khẩn cấp (A&E) và xe cứu thương; cắt giảm thời gian chờ đợi và giảm bớt áp lực cho các bác sĩ gia đình. Bộ trưởng Y tế Anh Steve Barclay cam đoan “sẽ thực hiện các bước tiếp theo để cải thiện hệ thống y tế”.

Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên của năm 2023, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố, giảm áp lực trước mắt và cải thiện dài hạn NHS là một trong 5 cam kết chính của ông đối với các vấn đề cấp bách nhất của nước Anh.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1052673/vuong-quoc-anh-nguy-co-khung-hoang-y-te

THÙY DƯƠNG / HNM.com.vn