Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới hôm 22/12 chỉ trích chương trình tiêm vaccine COVID-19 tăng cường trong bối cảnh các nước nghèo chưa có đủ vaccine.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Các chương trình tiêm tăng cường quy mô lớn có khả năng làm kéo dài đại dịch, bằng cách chuyển hướng nguồn cung cấp sang các quốc gia đã có độ bao phủ vaccine cao, tạo cơ hội cho virus lây lan và đột biến nhiều hơn”.
Bình luận từ WHO được đưa ra khi các quan chức y tế ở Mỹ thúc đẩy việc tiêm vaccine tăng cường cho tất cả người dân trên 16 tuổi, trong bối cảnh số ca bệnh do chủng Omicron gia tăng. Israel hôm 21/12 thông báo họ sẽ cung cấp liều vaccine thứ tư cho những người trên 60 tuổi.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. |
Giám đốc CDC Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết: “Chúng tôi muốn mọi người có thể tụ tập trong những ngày nghỉ lễ. Và tất nhiên, việc tập hợp an toàn yêu cầu việc được tiêm phòng, lý tưởng nhất là đã tiêm liều tăng cường và đảm bảo rằng tất cả những người bạn tụ tập cùng cũng như vậy”.
Trong khi đó, theo ông Tedros, hiện tại, phần lớn các ca nhập viện và tử vong do COVID là ở những người không được tiêm chủng, không phải những người được tiêm chủng mà chưa tiêm nhắc lại.
Ông nói: “Không quốc gia nào có thể tiêm tăng cường để thoát khỏi đại dịch".
Các chuyên gia y tế toàn cầu cho biết sự xuất hiện của Omicron gắn liền với sự bất bình đẳng về vaccine. Omicron được cho là xuất hiện từ một bệnh nhân HIV ở Nam Phi, nơi chỉ có 26% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Virus này đột biến đặc biệt tốt ở những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, vì nó có thể sống một thời gian dài và tìm ra cách tồn tại tốt hơn bên trong vật chủ con người.
WHO ước tính chỉ một nửa số quốc gia thành viên có thể tiêm vaccine COVID-19 cho ít nhất 40% dân số của họ vào cuối năm nay “do nguồn cung toàn cầu bị méo mó”, ông Tedros nói.
Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp về y tế của WHO, cho biết bất bình đẳng về vaccine là “sự bất công khủng khiếp nhất trong năm 2021”.