Để bảo vệ rừng thì cần những con người tâm huyết nhất, kỷ luật nhất và trọng danh dự...
Trạm Kiểm lâm Đắk Na nằm lọt thỏm giữa vùng lõi của VQG (tỉnh Đắk Lắk) với gần 10 cán bộ kiểm lâm. Trong căn nhà lụp xụp chừng 20 m2, chúng tôi không khỏi tò mò với một khung hình được đóng trang trọng với dòng chữ: "Nơi đây chúng ta cần những con người tâm huyết nhất, kỷ luật nhất và trọng danh dự". Dưới hàng chữ này là câu nói của Albert Einstein: "Thế giới này sẽ không bị hủy hoại bởi những kẻ tàn phá nhưng sẽ bị hủy hoại bởi những kẻ thấy sự tàn phá đó mà không hành động".
Đi bộ, đạp xe tuần tra rừng
Nói về những dòng chữ này, ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yók Đôn, cho biết trong thời gian làm giám đốc, ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã yêu cầu các trạm kiểm lâm phải viết hai dòng chữ lên tường ở nơi làm việc. Nó mang ý nghĩa nhắc nhở, giáo dục lực lượng kiểm lâm phải tuân thủ kỷ luật, nâng cao lòng tự trọng, tuyệt đối không bắt tay với lâm tặc, thờ ơ trước cảnh rừng "chảy máu".
Theo ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc VQG Yók Đôn, tháng 7-2015, ông Tùng được điều về làm giám đốc VQG. Khác với các lãnh đạo trước, ông Tùng đã bỏ ra khoảng 2 tháng tới các trạm để tìm hiểu công tác quản lý bảo vệ rừng, cuộc sống của cán bộ nhân viên trong vườn. Ông có rất nhiều buổi nói chuyện với nhân viên để giáo dục tư tưởng, nhận thức, nâng cao năng lực nghiệp vụ. Trong công việc, ông luôn ân cần, tạo mọi điều kiện để nhân viên có chỗ ăn ở tốt nhất giữa núi rừng nhưng nếu kiểm lâm nào vi phạm thì kiên quyết kỷ luật nặng.
Cũng theo ông Hiệp, từ khi ông Tùng về, công tác quản lý bảo vệ rừng có những chuyển biến tích cực. Trước tình hình lâm tặc chủ yếu phá rừng nhỏ lẻ, sử dụng xe máy độ chế hoặc gùi vác gỗ ra khỏi rừng, ông Tùng yêu cầu kiểm lâm phải đi tuần tra bằng xe đạp hoặc đi bộ, tránh tình trạng lâm tặc nghe tiếng xe, dừng khai thác gỗ, tẩu thoát. Xe máy chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp như tổ chức vây bắt lâm tặc. Cá nhân ông Tùng trừ những ngày phải đi họp, còn lại cùng đi bộ, đi xe đạp tuần tra rừng với kiểm lâm hoặc đi độc lập.
"Nếu như lãnh đạo trước đề ra mỗi giai đoạn phải giảm 20% số vụ vi phạm, số gỗ bị đốn hạ thì ông Tùng đề ra phải giảm 30%. Trong 2 năm ông Tùng làm giám đốc, với sự hỗ trợ và hợp tác của chính quyền địa phương và sự tích cực của toàn vườn, lần đầu tiên sau nhiều năm có số vụ vi phạm giảm. Cụ thể năm 2015 giảm 30% so với 2014, năm 2016 giảm 31% so với năm 2015, năm 2017 giảm 33% so với 2016" - ông Hiệp cho biết.
Mềm dẻo nhưng không nhân nhượng
Trước khi về VQG Yók Đôn, ông Tùng có thời gian dài làm về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các loài hoang dã và quản lý các khu rừng đặc dụng. Với kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, ông Tùng muốn được làm việc và cống hiến tại hiện trường, đồng thời có cơ hội để trải nghiệm và học hỏi từ thực tiễn nên đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp cho chuyển công tác về địa phương.
Theo ông Tùng, khi về VQG Yók Đôn, lực lượng kiểm lâm ở đây đã được kiện toàn một bước nhưng tình trạng mất rừng vẫn diễn ra hằng ngày. Qua tìm hiểu thực tế, ông thấy vẫn còn một số cán bộ kiểm lâm chưa nhiệt tình với công việc, chây lười, thiếu trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện tiêu cực. Để từng bước chấn chỉnh, ông đã thực hiện một số hoạt động: Giáo dục ý thức trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm bằng tình cảm của mình và luôn động viên anh em cố gắng vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao; luân chuyển cán bộ giữa các trạm, chốt; xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tăng cường sự phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương.
Chia sẻ về những thành công trong công tác quản lý bảo vệ rừng, ông Tùng cho rằng ngoài vấn đề tăng cường trách nhiệm, kỷ luật của kiểm lâm thì phải cảm hóa được lâm tặc, dựa vào dân và chính quyền. Ông Tùng kể trong quá trình tuần tra, nhiều lần bắt được người dân vào rừng gùi gỗ trái phép. Mặc dù là hành vi vi phạm nhưng ông đã bỏ qua để nói chuyện, phân tích, cảm hóa họ. Sau này, không những có nhiều người đã bỏ nghề lâm tặc mà chính họ còn thông tin cho ông biết về những hành vi vi phạm của lâm tặc chuyên nghiệp.
Đối với các đầu nậu gỗ lậu, sau một thời gian tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, dù bị một số đối tượng gọi điện lăng mạ, dọa nạt ông và gia đình nhưng ông quyết không chùng tay.
Ông Huỳnh Nghĩa Hiệp nhớ lại: Trong thời gian làm việc tại vườn, ông Tùng đã không ngại khó khăn, thường xuyên trực tiếp cùng anh em kiểm lâm tuần tra, mật phục xuyên đêm trong rừng, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Ông đã 3 lần bị nạn dẫn đến gây đứt dây chằng, rạn xương đầu gối trong quá trình tuần tra, truy bắt lâm tặc.
Chung tay bảo vệ tài nguyên vô giá Theo ông Đỗ Quang Tùng, VQG Yók Đôn không chỉ là nơi chứa đựng những giá trị đa dạng sinh học, sinh cảnh tự nhiên và những tài nguyên thiên nhiên vô giá mà còn là linh hồn, giá trị văn hóa của đồng bào địa phương. "Do vậy, tôi vẫn luôn mong muốn các ngành, các cấp và chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ cho VQG phát huy những thành quả đã đạt được, hỗ trợ nguồn lực cho đồng bào vùng đệm phát triển dân sinh kinh tế, giảm gánh nặng vào vườn" - ông Tùng bày tỏ. |
Xâu xé rừng Yók Đôn: Tấn công tứ phía Dân di cư lấn từ ngoài vào, lâm tặc chọn vùng lõi để triệt hạ khiến rừng Yók Đôn ngày càng thu hẹp, tàn tạ |
Vườn Quốc gia Yók Đôn bị xâu xé thế nào? Với tài nguyên phong phú, nhiều loại gỗ quý hiếm, Vườn Quốc gia Yók Đôn luôn là "miếng mồi ngon" của lâm tặc. |
Triệt phá xưởng gỗ lậu khủng trong Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk - Đắk Nông): Chủ xưởng Phượng “râu” là ai? Lán trại cùng các bãi tập kết gỗ của Phan Hữu Phượng (48 tuổi, tức Phượng “râu”, trú Đắk Nông) - nằm sát Đồn biên ... |
CAO NGUYÊN - HOÀNG THANH