Cùng với việc tuân thủ nghiêm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các nước ASEAN cũng như Trung Quốc cần thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC), văn bản pháp lý không chỉ tiếp nối mà quan trọng hơn mang tính ràng buộc pháp lý để giải quyết những căng thẳng, tranh chấp chủ quyền tại vùng biển chiến lược với cả hai bên này.
- Sát cánh ủng hộ ASEAN trong vấn đề Biển Đông
- Việt Nam khẳng định tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông
Tiếp tục tuân thủ DOC ở Biển Đông
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phối hợp với một số viện nghiên cứu của Trung Quốc tổ chức Hội thảo kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) (2002-2022) theo hình thức trực tuyến vào ngày 25-7 với sự tham dự hội thảo có một số Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, đặc biệt là những người đã từng tham gia ký DOC năm 2002 cũng như các học giả đến từ Trung Quốc và các nước ASEAN.
Trong phát biểu tại Hội thảo, các vị Bộ trưởng và đại biểu ASEAN đều khẳng định vai trò quan trọng của DOC, cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả DOC, duy trì môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đều khẳng định sức sống của các nguyên tắc và cam kết trong DOC như tôn trọng và tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc, UNCLOS 1982, Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), giải quyết hòa bình tranh chấp, 5 nguyên tắc chung sống hòa bình… Các vị Bộ trưởng cho rằng, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả DOC, duy trì môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC - một trong những cam kết trong khuôn khổ DOC.
Các nguyên Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhắc lại sự cần thiết và tiến trình đi đến ký kết DOC năm 2002, văn bản đầu tiên và là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc về Biển Đông; khẳng định ý nghĩa và vai trò của DOC đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực. Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh, DOC là văn bản quan trọng đầu tiên được ký kết giữa ASEAN với một nước đối tác, góp phần vào việc thúc đẩy hòa bình, tin cậy và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc; tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của các bên đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng khẳng định, thành quả đàm phán văn bản mang tính ràng buộc pháp lý quan trọng COC cho đến nay là khá tích cực, thực chất. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đàm phán tiếp tục có tiến triển, ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực, hợp tác nhiều hơn nữa trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, nhất là cần tự kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, tôn trọng quyền và lợi ích của các bên phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Cần sớm nối lại đàm phán hoàn tất COC
Biển Đông từ lâu đã tồn tại những tranh chấp chủ quyền phức tạp giữa “5 nước 6 bên” (gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan - Trung Quốc). Những căng thẳng, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là nhân tố đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác không chỉ ở khu vực mà tầm mức toàn cầu. Chính vì thế, các thành viên ASEAN đã sớm có nhiều nỗ lực trong việc tìm những công cụ thiết thực để bảo đảm an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Ngay từ đầu những năm 1990, những ý tưởng đầu tiên về DOC đã được ASEAN ấp ủ và chuẩn bị ở cấp chuyên viên rồi tiến hành đàm phán chính thức với Trung Quốc. Tuy nhiên, phải hơn 10 năm sau, đến năm 2002, Trung Quốc mới đặt bút ký với ASEAN văn bản này. Và phải chờ thêm gần 9 năm nữa, Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC mới được thông qua vào năm 2011.
Điều đó cho thấy, việc đưa Trung Quốc tham gia vào các văn bản pháp lý liên quan đến Biển Đông là rất phức tạp. Một trong những trở ngại nổi lên hiện nay là yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò” của Trung Quốc mà theo đó đơn phương đòi chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông.
Do DOC không mang tính ràng buộc pháp lý nên sau khi văn bản này có hiệu lực, căng thẳng ở Biển Đông không những không lắng dịu mà có những thời điểm còn gia tăng thêm với nguyên nhân chủ yếu bởi hành động quân sự hóa của Trung Quốc, ráo riết bồi đắp, cải tạo trái phép các thực thể ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Do đó, ASEAN một lần nữa lại chủ động xúc tiến xây dựng, tiến hành đàm phán với Trung Quốc để hình thành văn bản mang tính ràng buộc pháp lý là COC nhằm ngăn ngừa, xử lý hiệu quả hơn các hành vi gây căng thẳng, gây hấn ở Biển Đông.
Sau thời gian dài thuyết phục trên nhiều diễn đàn, phải đến năm 2013, Trung Quốc mới đồng ý bắt đầu đàm phán với ASEAN về COC. Và cũng phải trải qua một quá trình dài, không dễ dàng, tới tháng 3-2018, ASEAN và Trung Quốc mới hoàn tất được giai đoạn đàm phán COC đầu tiên và dự kiến tiến hành giai đoạn hai đàm phán về bộ quy tắc này từ đầu năm 2020. Là một sự tiếp nối của DOC, COC được kỳ vọng là bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về mặt pháp lý với các bên liên quan, qua đó giúp ngăn ngừa các hành vi gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 vào cuối tháng 12-2019, ASEAN và Trung Quốc đã lên kế hoạch tổ chức vòng đàm phán đầu tiên của giai đoạn 2 đàm phán về COC tại Brunei vào tháng 2-2020. Tiếp đó, dự kiến là các vòng đàm phán tại Philippines vào tháng 5, tại Indonesia vào tháng 8 và tại Trung Quốc vào tháng 10-2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm đình hoãn những kế hoạch này.
Đại dịch Covid-19 là lý do khiến các cuộc đàm phán về COC chưa diễn ra như kế hoạch, song Trung Quốc chẳng những không bị đại dịch này cản trở mà còn gia tăng bất thường các hoạt động quân sự hóa nguy hiểm ở Biển Đông, đi ngược hoàn toàn với DOC và tinh thần COC đang được hình thành, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Trong nỗ lực buộc Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, không có các hành vi nguy hiểm đe dọa tự do hàng hải, hòa bình và an ninh ở Biển Đông, các nước ASEAN trong Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 diễn ra tháng 6-2020 ở Hà Nội đã nhấn mạnh việc cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới một COC giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS.
Nay khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, cần sớm nối lại cuộc đàm phán về bộ quy tắc này, qua đó góp phần kiềm chế hành động quân sự hóa Biển Đông, tạo ra một nền tảng pháp lý cho giải quyết tranh chấp, thiết lập trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực.