Đã có 844 vụ lộ, mất bị mật Nhà nước được phát hiện từ năm 2001, gồm cả các tài liệu về biên giới, biển đảo.
Theo nội dung tờ trình dự thảo luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được Chính phủ trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội chiều 10/8, tính từ năm 2001 tới nay, đã có 844 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước.
Trong số đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước hay các tranh chấp về biên giới, biển đảo.
Bảo vệ bí mật Nhà nước là công tác cần kíp. |
Bên cạnh đó, Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.
Một trong các hạn chế là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa cụ thể dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân còn chủ quan, mất cảnh giác, làm giảm chất lượng, hiệu quả của công tác này.
Chính phủ cũng nhận định, bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá Việt Nam. Để thực hiện các mục tiêu này thì hoạt động tình báo, gián điệp để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật nhà nước được đặc biệt chú ý.
Trước tình hình phức tạp nêu trên, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước nên việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết - tờ trình nêu rõ.
Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được bố cục thành 5 chương, 41 điều.
So với Pháp lệnh hiện hành, dự thảo Luật có một số nội dung mới như: Xác định rõ hơn về hình thức, nội dung và tiêu chí của khái niệm bí mật Nhà nước.
Dự Luật bổ sung các quy định về nguyên tắc bảo vệ bí mật Nhà nước, các hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung tiêu chí xác định cấp độ mật của bí mật Nhà nước, phạm vi bí mật Nhà nước, trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước, thẩm quyền quyết định danh mục bí mật Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Bên cạnh đó, các quy định về hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước cũng được bổ sung nhiều nội dung mới.
Phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. |
Tại phiên họp chiều 10/8, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật.
Theo đó, đa số ý kiến của Thường trực UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, đồng thời cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo.
Liên quan đến các nội dung của dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo, nhưng cần bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tại phiên họp, đã có 14 ý kiến tham gia thảo luận, tập trung vào các nội dung như: Khái niệm bí mật Nhà nước; phân loại bí mật Nhà nước; phạm vi bí mật Nhà nước; danh mục bí mật Nhà nước; hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước, giải mật; tiêu hủy bí mật Nhà nước; khu vực cấm, địa điểm cấm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong bảo vệ bí mật Nhà nước; trách nhiệm giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; đồng thời khẳng định, về cơ bản UBTVQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước nhằm phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp 2013, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở, nền tảng pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, đầy đủ cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.