ĐBQH cảnh báo, việc tăng quyền cho Chủ tịch đặc khu Phú Quốc trong thu hồi đất có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, gây hậu quả nguy hiểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng về kế hoạch tổ chức, xây dựng, hình thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (đặc khu Phú Quốc).
Trong báo cáo này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị tăng thẩm quyền cho chủ tịch đặc khu trong thu hồi đất.
Cụ thể, ngoài 8 trường hợp Chủ tịch UBND đặc khu được quyết định thu hồi đất “để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” trong dự thảo luật về đặc khu, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị bổ sung 7 trường hợp khác, gồm: "Khu phi thuế quan, cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư và các khu chức năng khác theo quy hoạch đặc khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Trao đổi với Đất Việt về kiến nghị này của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tỏ ra ngạc nhiên và lo ngại có thể xảy ra tình trạng lạm quyền nếu chấp thuận những kiến nghị này.
Theo đại biểu Hòa, hiện nay, theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, thẩm quyền của Chủ tịch UBND đặc khu được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh ủy nhiệm.
"Khi thảo luận tại Quốc hội thời gian qua về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nhiều ĐBQH cho rằng quyền của Chủ tịch UBND đặc khu đã rất lớn. Có những quyền đúng ra phải do Thủ tướng quyết, đằng này lại giao cho Chủ tịch UBND đặc khu quyết luôn. Có những việc Chủ tịch UBND tỉnh chưa được quyết mà Chủ tịch UBND đặc khu được giao.
Bây giờ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lại xin tăng quyền nữa thì e rằng không hợp lý, có thể xảy ra tình trạng lạm quyền và Quốc hội khó mà thông qua được.
Nên giữ nguyên các thẩm quyền của Chủ tịch UBND đặc khu đã quy định trong dự thảo luật hiện nay và không nên phát sinh thêm", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Phú Quốc có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư
Vị ĐBQH dẫn một ví dụ về đặc quyền của Chủ tịch đặc khu. Theo đó, trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có quy định: Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm.
"Với quy định này, quyền của Chủ tịch UBND đặc khu đã vượt cả quyền của Chủ tịch UBND tỉnh bởi Chủ tịch UBND tỉnh chỉ được quyền quyết định cho thuê đất không quá 50 năm. Và đúng ra, việc quyết định cho thuê đất 70 năm thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
So với Chủ tịch UBND tỉnh, quyền hạn của Chủ tịch UBND đặc khu đã rất cao, giờ lại xin thêm một số quyền khác thì nó thể hiện sự vượt quyền, hệ quả rất xấu.
Địa điểm được lựa chọn làm đặc khu đều có vị trí nhạy cảm, đặc biệt về quốc phòng, an ninh, do đó với các dự án phải có báo cáo cho rõ ràng, tác động môi trường, tác động vấn đề an ninh, quốc phòng thế nào, doanh nghiệp, nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm nhằm mục đích gì, như thế nào, ra sao... Tất cả phải có phương án, đề án cụ thể, rõ ràng thì mới được quyền cấp phép, không phải giao cho Chủ tịch đặc khu quyền như vậy rồi anh cấp thế nào thì cấp, nếu cấp vượt quyền, không đúng định của pháp luật thì không được", ĐBQH Phạm Văn Hòa chỉ rõ.
Ông cho biết, mối lo ngại của ĐBQH là có cơ chế nào để kiểm soát quyền lực của Chủ tịch UBND đặc khu để không nảy sinh tiêu cực, tự mãn, tự kiêu, mà nếu hạn chế quyền lực quá thì lại không tốt cho sự phát triển của đặc khu.
Bởi vậy, theo ông, với vấn đề nào mang tính đặc thù, vừa phải, hợp lý thì Chủ tịch UBND đặc khu được quyết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, UBND và HĐND các tỉnh. Còn những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền của các Bộ ngành, Trung ương, Thủ tướng Chính phủ thì không nên và không thể giao toàn quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu, mà những việc đó Chủ tịch đặc khu phải báo cáo, xin ý kiến.
Trở lại với đề xuất tăng quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ĐBQH Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi: Dự kiến tháng 5 tới Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, giờ không hiểu tại sao tỉnh Kiên Giang lại đề xuất thêm một số quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu?
"Theo tôi, việc này phải tính toán, xem xét lại cho vô tư, khách quan, chu đáo, không khéo thì những quyền đó phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó thì không hay chút nào.
Dĩ nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, quyền quyết định là ở Quốc hội, nếu hợp lý thì có thể chấp nhận, còn không thì thôi. Nhưng theo tôi, không thể mở toang quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu. Việc cần bàn bây giờ là phải có sự giám sát chặt chẽ, chu toàn, không để Chủ tịch đặc khu lạm quyền bởi nó có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.
Nếu chúng ta không nhìn xa sẽ phải trả giá cho những hậu quả sau này. Luật ban hành là để thực hiện lâu dài chứ không phải ban hành rồi giữa chừng chết yểu", ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Theo Điểm 5 Điều 32 dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc: Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà phải thu hồi đất tại đặc khu sau đây: a) Dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; b) Dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng tại đặc khu, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức; c) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công tại đặc khu; d) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở đặc khu gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải; đ) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; e) Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; g) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản; h) Dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 5 Điều 3 của Luật này. |
Thành Luân
Sẵn sàng cho đặc khu Phú Quốc Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng vừa ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác chuẩn bị và kế ... |
Kiên Giang muốn thêm quyền cho Chủ tịch đặc khu Phú Quốc Tỉnh Kiên Giang cho rằng dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã hạn chế quyền của chủ tịch đặc ... |
Bí thư Nguyễn Thanh Nghị: Lên phương án nhân sự đặc khu Phú Quốc Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết, để chuẩn bị cho đặc khu Phú Quốc đi vào hoạt động sau khi ... |
Băn khoăn việc xin USD tự do lưu thông tại Phú Quốc Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất \'đột phá\' của Kiên Giang về việc cho phép đồng USD được lưu hành tự ... |