Việc học sinh lớp 7 ở Bắc Giang sinh con trong nhà tắm khiến dư luận bàng hoàng. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về quan hệ tình dục không an toàn và mang thai ở lứa tuổi vị thành niên. Do thiếu sự quan tâm của cha mẹ và thầy cô giáo, nhiều em gái mang thai gần đến ngày sinh nở mới được phát hiện.

Tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên cũng đáng báo động, nhiều em ở độ tuổi 13- 18 khi đến bác sĩ khám thì đã có thai lớn trên 12 tuần tuổi, khiến việc xử lý thai gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.

Cách đây không lâu, chia sẻ với phóng viên Báo CAND, một người cha có con gái học lớp 10 ở một huyện ngoại thành Hà Nội, bỗng dưng ông biết con gái mang bầu 6 tháng. Ông đau khổ kể: “Khi phát hiện con có thai, chúng tôi vô cùng bàng hoàng. Vì cái thai đã lớn, nên đành phải để cháu sinh con. Vốn là học sinh giỏi, cháu phải nghỉ học 1 năm. Nhìn con còn nhỏ như vậy đã phải làm mẹ, chúng tôi đau lòng lắm. Gia đình đã gửi đơn kêu cứu lên cơ quan Công an đề nghị tìm “tác giả” của bào thai trên”. Khi đến thăm gia đình nữ sinh này, chứng kiến cô bé đang tuổi ăn, tuổi học phải làm mẹ, chúng tôi không khỏi xót xa. Sau khi sinh con, nữ sinh quay trở lại trường. Việc nuôi và chăm con hoàn toàn do ông bà ngoại đảm nhiệm.

7_me-1677027416439
Ảnh minh họa

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ vẫn thường tiếp nhận những ca sinh con là trẻ vị thành niên. Có em chỉ là học sinh lớp 7, mang thai gần đến ngày sinh được mẹ đưa vào khám. Tuy sắp làm mẹ, nhưng cô bé vẫn vô tư, trẻ con, dường như không biết những khó khăn mình phải đối mặt sắp tới. Theo BS Nguyễn Trung Đạo, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đây là ca bệnh nhỏ tuổi nhất mà anh đỡ đẻ trong năm 2022.

Chuyện trẻ yêu sớm, quan hệ tình dục sớm, có thai và sinh con trước 18 tuổi đã không còn là chuyện hiếm. Gần đây nhất, BS đã khám cho 2 nữ sinh 15 và 16 tuổi mang bầu khi thai đã lớn. Theo chia sẻ của nữ sinh 16 tuổi, em có bạn trai và đồng ý quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai. Mấy tháng không có kinh nguyệt em cũng không nghi ngờ, chỉ tới khi bụng to và có những dấu hiệu bất thường, mẹ phát hiện đưa đi khám thì thai đã ở tuần 21. Điều bất ngờ là nữ sinh này mang song thai, siêu âm phát hiện cổ tử cung ngắn, dọa sinh non nên bác sĩ phải khâu vòng tử cung để giữ thai.

TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Vị thành niên là những trẻ từ 10-19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục. Cùng với đó là sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tranh thai, quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn, hay sống thử trước hôn nhân… Đồng thời, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khoẻ giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em dễ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và để lại nhiều hệ luỵ trong tương lai.

Theo báo cáo vừa công bố cuối năm 2022 của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), giai đoạn 2019-2021, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca phá thai. Số ca mang thai tuổi vị thành niên chưa có xu hướng giảm trong những năm gần đây, chiếm khoảng 2,5- 3% tổng số phụ nữ mang thai. Mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên.

Hiện nay, trẻ vị thành niên yêu sớm và quan hệ tình dục sớm đã không còn là chuyện lạ lẫm. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ Trẻ em, tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai trong tổng số người mang thai tăng lên liên tục qua các năm. Rất nhiều em có thai được gia đình phát hiện muộn.

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Khi có thai, các em phải gián đoạn việc học, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn trẻ vị thành niên vào con đường bế tắc. Đặc biệt, do mặc cảm, xấu hổ nên trẻ vị thành niên thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn, dễ dẫn đến xảy ra tai biến, vô sinh, ảnh hưởng tâm lý sau phá thai có thể rất nặng nề và kéo dài.

Vậy làm thế nào để không còn những cảnh “bà mẹ tuổi teen” như trên? Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con nhiều hơn. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con để có những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm không đáng có.

 

Trần Hằng / CAND