Tại phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình sáng 18/5, luật sư Nguyễn Hoàng Trung cho biết, đã có thêm 1 nạn nhân tử vong, nâng số nạn nhân thành 9.
Sáng 18/5, khi phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BVĐK Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi.
Trước khi tham gia thẩm vấn các bị cáo, luật sư Nguyễn Hoàng Trung - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình 8 nạn nhân tử vong vào thời điểm xảy ra sự cố (29/5/2017), xin có ý kiến.
"Tôi xin đính chính là trong vụ án này, số nạn nhân tử vong vì tai biến chạy thận là 9 người. Người vừa mới không qua khỏi là ông Phạm Ngọc Trung. Tôi đã đăng ký bổ sung là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia định nạn nhân thứ 9 và đã được HĐXX chấp thuận", luật sư Trung nói.
| |
Bị cáo Hoàng Công Lương trong phiên xét xử sáng nay (18/5) - Ảnh: Dân trí |
Được biết nạn nhân thứ 9 này đã tử vong từ tháng 1/2018. Ông Phạm Ngọc Trung cùng 17 người khác được đưa vào lọc máu tại đơn nguyên thận nhân tạo BVĐK Hòa Bình ngày 29/5/2017. Sau đó cả 18 người cùng có những biểu hiện nôn nao, cả người mẩn ngứa và hôn mê.
Ngay tại thời điểm đó đã có 8 người tử vong, nạn nhân trẻ nhất mới 36 tuổi. Các bệnh nhân còn lại sức khỏe cũng yếu đi rất nhiều sau tai biến.
Theo thông tin mà bệnh viện đưa ra trước phiên tòa, họ chỉ chuẩn bị để đền bù cho 8 người tử vong đầu tiên, những người cùng gặp tai biến khác chưa thuộc diện được bồi thường.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung hỏi đại diện của ông Đỗ Đình Vận (PGĐ bệnh viện đa khoa Hòa Bình) về các máy móc thiết bị y tế do ai là chủ sở hữu?
Luật sư của đại diện bệnh viện trả lời: "Những máy móc xảy ra sự việc là của công ty Thiên Sơn. Theo hợp đồng ký kết giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn. Bên phía bệnh viện được Giám đốc giao cho phòng Vật tư phối hợp với các đơn vị sửa chữa, bảo hành để làm. Tất cả thiết bị y tế đều được Giám đốc giao cho phòng Vật tư thực hiện còn nhà thầu phải chịu trách nhiệm cao nhất với chữ ký của mình".
Theo vị đại diện này, bệnh viện ý thức được trách nhiệm của mình, chia sẻ động viên với các gia đình nạn nhân, phối hợp với cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng để được kịp thời, khách quan. Bệnh viện nhận trách nhiệm về sự việc này nhưng bệnh viện vẫn muốn HĐXX chỉ rõ cá nhân chịu trách nhiệm cho sự việc này.
Trong phần xét hỏi sáng nay, nhóm luật sư tiếp tục thẩm vấn 3 bị cáo và những người liên quan đến sự cố y khoa nghiêm trọng, xảy ra một năm trước.
Luật sư Ngô Thị Thu Hằng (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) xét hỏi ông Đinh Tiến Công - Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Ông Công là người ghi biên bản trong các cuộc họp giao ban cuối năm, cuối tháng của Khoa này.
Tại phiên tòa một ngày trước, ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc bệnh viện) khai tại cuộc họp cuối năm 2015, ông Khiếu đã phân công việc phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo cho bác sĩ Lương.
Luật sư Hằng hỏi: “Lời khai này có đúng không?”. Đáp lời, ông Công khẳng định việc phân công này chỉ qua lời nói, không được ghi chép lại bằng văn bản.
Tiếp đó, luật sư xét hỏi bị cáo Hoàng Công Lương. Người bào chữa dẫn lại lời khai tại tòa ngày 16/5 của ông Hoàng Đình Khiếu về việc, ai nhận lại vật tư thiết bị trong bệnh viện thì phải có trách nhiệm báo cáo lại cấp trên.
Trả lời luật sư, nam bác sĩ cho biết bản thân không có trách nhiệm giao nhận vật tư. Hôm xảy ra sự cố, sau khi điều dưỡng báo các chỉ số đều ổn định, bác sĩ Lương đã ra y lệnh chạy máy lọc thận.
"Bị cáo không phải báo cáo lại với trưởng khoa vì các chỉ số đều bình thường, trong trường hợp vấn đề chuyên môn vượt quá khả năng thì mới báo cáo", Lương nói.
Nói đến bản khai về phần phân công nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo, bị cáo Lương tiếp tục khẳng định, bản thân được kiểm sát viên và điều tra viên đưa bản khai của ông Khiếu cho đọc. Sau đó, Lương đã khai giống “từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, phẩy”.
Bác sĩ Lương cũng tái khẳng định chưa bao giờ anh ta được phân công hay được giới thiệu phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo.
Theo cáo trạng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị chạy lọc máu thận nhân tạo từ năm 2009. Sáng 29/5/2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây thì đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong. Nhà chức trách cáo buộc, với trình độ, trách nhiệm được giao, Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định, song sáng 29/5/2017 không kiểm tra lại hệ thống nước RO mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường. Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp hai loại hoá chất không có trong danh mục được dùng trong y tế để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, sáng 29/5/2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng. Nguyễn Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) bị cáo buộc đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Chiều 28/5/2017, chỉ nghe qua điện thoại và biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng Sơn lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo. Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Quốc về tội Vô ý làm chết người. |
Thông tin sốc trong phiên sơ thẩm tai biến chạy thận: Tiếc 12 triệu đồng, mất 8 mạng người Trong ngày xét hỏi thứ 3 tại phiên sơ thẩm vụ tai biến chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, phần đối chất ... |
Xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Chủ tọa và đồng nghiệp "mời" khỏi phòng, luật sư vẫn... không ra Trong phần xét hỏi các bị cáo, do hỏi không đúng trọng tâm và "ngồi phía sau nói nhiều" nên một luật sư bị chủ ... |