Thời điểm này, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của Hà Nội vẫn còn nhiều vụ vi phạm pháp luật đê điều chưa xử lý dứt điểm. Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, thực hiện nghiêm quy định pháp luật, ngày 26-10 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải kiên quyết xử lý dứt điểm những vụ việc xâm hại hệ thống đê điều.

Mố cầu xây dựng trong phạm vi bảo vệ kè Phương Độ (huyện Phúc Thọ).

Đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống lũ lụt, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân Thủ đô, cơ sở hạ tầng của các cơ quan trung ương và thành phố Hà Nội… Dù vậy, khảo sát dọc các tuyến đê sông: Hồng, Đuống, Đáy, Cà Lồ, đoạn thuộc địa bàn các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm… dễ thấy nhiều đoạn đê, tuyến kè, bãi sông, lòng sông bị xâm hại bằng các hình thức: Xây dựng công trình, lắp dựng trạm trộn bê tông, đổ đất, tập kết vật liệu xây dựng…

Đơn cử tại xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ), hộ ông Nguyễn Văn Bình và Đoàn Văn Cường đã có hành vi xây dựng mố cầu trong phạm vi bảo vệ kè Phương Độ. Tại xã Ninh Sở (huyện Thường Tín), hộ ông Nguyễn Thế Hinh và Phạm Văn Bảy xây dựng hàng trăm mét vuông nhà xưởng trong phạm vi bảo vệ đê, bãi sông Hồng. Tại phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), người dân đổ trộm hàng nghìn mét khối đất xuống lòng sông Hồng; Công ty cổ phần Xây lắp điện Thành An cắt, xẻ, đào hành lang đê hữu Hồng…

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 66 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc xử lý nhưng 10 tháng vừa qua, các địa phương mới xử lý được 19 vụ; trong đó có 12 vụ phát sinh trong năm 2022 và 7 vụ phát sinh trước năm 2021. Như vậy, tính từ năm 2019 đến nay, các quận, huyện, thị xã chưa xử lý dứt điểm gần 200 vụ. Hiện, các địa phương còn nhiều vụ vi phạm chưa xử lý dứt điểm là: Thường Tín (55 vụ), Ứng Hòa (37 vụ), Ba Vì (24 vụ), Sóc Sơn (11 vụ)…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc chậm xử lý, đại diện các huyện nêu trên cho biết, nguyên nhân là do nhiều vi phạm đê điều cũng là vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng; hơn nữa, nhiều công trình vi phạm đê điều có nguồn gốc đất thổ cư đã được cơ quan thẩm quyền cấp “sổ đỏ”… Do vậy, các địa phương cần nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc đất đai, thiết lập hồ sơ, thực hiện các trình tự pháp luật xử lý vi phạm…

Để bảo đảm an toàn hệ thống công trình phòng, chống thiên tai, thực hiện nghiêm quy định pháp luật đê điều, ngày 26-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát vụ việc vi phạm còn tồn đọng, chưa xử lý triệt để; tổ chức đợt cao điểm xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều; kiên quyết, xử lý nghiêm, dứt điểm những vụ việc vi phạm tồn đọng thuộc địa bàn quản lý theo thẩm quyền quy định pháp luật. Các quận, huyện, thị xã phải báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Sở NN&PTNT Hà Nội trước ngày 15-11 để tổng hợp báo cáo UBND thành phố… Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã xử lý, giải tỏa, vi phạm pháp luật về đê điều…

Đê điều là công trình đặc biệt quan trọng trong phòng, chống thiên tai, nhất là trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường. Vì vậy, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo trên của UBND thành phố…

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1046263/xu-ly-dut-diem-vi-pham-phap-luat-de-dieu

KIM NHUỆ / HNM.com.vn