Trong 2 tháng đầu năm 2024, hàng Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Mỹ đã tăng tới gần 34% so với cùng kỳ năm trước, đà tăng trưởng đã quay trở lại, cho thấy nhu cầu đã phục hồi.

Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại với Hoa Kỳ ước tính xuất siêu đạt 15,2 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Việc cải thiện tăng trưởng trong hoạt động XK ở thị trường này thể hiện rõ nhất trong tháng đầu của năm nay khi tăng 64% so cùng kỳ năm trước, nhờ lực kéo từ các mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… Trong đó, riêng tháng 1/2024, Mỹ là thị trường XK mây, tre, cói và thảm lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 31,3 triệu USD, tăng trưởng tới 107,2% so với tháng 1/2023, chiếm tỷ trọng 39,2%.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho rằng, thị trường phục hồi, tỷ lệ hàng tồn kho tại Mỹ giảm dần, góp phần thúc đẩy ngành gô tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2024, bởi trị giá XK sang thị trường này chiếm 53,7% tổng trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ. Do vậy, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK mặt hàng sản phẩm gỗ vào thị trường này trong thời gian tới.

Xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 34% -0
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ lạc quan về thị trường Mỹ, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh cho hay, mỗi năm Phúc Sinh XK khoảng 1.200 container các mặt hàng cà phê, hồ tiêu sang Mỹ, đạt doanh số khoảng 60 triệu USD. Hiện, Công ty cổ phần Phúc Sinh đang tận dụng các cơ hội để tăng cường XK sang Hoa Kỳ. Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tài chính - Tiền tệ quốc gia, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát, XK của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2023 giảm gần 15%. Nhưng bước sang năm 2024, đà tăng trưởng đã quay trở lại, cho thấy nhu cầu đã phục hồi. Theo TS Cấn Văn Lực, trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực, không gian để các DN tiếp tục gia tăng hợp tác như năng lượng, giáo dục, tài chính… Đặc biệt, nhiều chính sách của Mỹ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam. Nổi bật là chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc. Theo đó, trong năm 2023, điện thoại thông minh từ Trung Quốc XK sang Mỹ đã giảm 10% trong khi mặt hàng này được nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gấp 5 lần, hay như máy tính xách tay từ Việt Nam sang Mỹ tăng gấp 4 lần.

Ông Phan Minh Thông cũng cho rằng, trong xu thế hiện nay, DN cần phải chú trọng đầu tư cho phát triển bền vững, gắn liền ESG, tuần hoàn xanh. Cùng quan điểm này, bà Phan Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công ty TMTM, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP Hồ Chí Minh (Hawee) chia sẻ, điều đầu tiên trước khi tiếp cận thị trường Mỹ là DN phải nghiên cứu thị trường thật kỹ và xác định thị trường mục tiêu cụ thể. Đồng thời, phải tìm hiểu về pháp lý thương mại của Mỹ, bởi Mỹ không phải là một thị trường mà là đa dạng hóa thị trường, tại đây có tới 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang lại có khác biệt về địa lý, thời tiết, văn hóa cũng như tập tục thương mại… Do đó, DN cần xác định hàng hóa của mình sẽ bán vào tiểu bang nào và tìm hiểu các thông tin cụ thể về tiểu bang đó. Luật pháp nước này rất chú trọng đến việc bảo vệ người tiêu dùng và DN trong nước bằng nhiều chính sách bảo hộ thương mại và chú trọng đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu…

https://cand.com.vn/Thi-truong/xuat-khau-sang-my-tang-gan-34--i724781/

Lưu Hiệp / cand.com.vn