Tiếp nhận gần 200 ca cấp cứu mỗi ngày, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cố gắng 200% sức lực chạy đua với thần chết, giành sự sống cho bệnh nhân.
- Sốt xuất huyết vào đỉnh dịch, nhiều người phải cấp cứu
- Liên tục cấp cứu người lớn, trẻ em vỡ xương hàm, gãy răng do tai nạn thang máy
24 giờ căng mình chiến đấu với tử thần
"Bệnh nhân nam, 20 tuổi bị tai nạn giao thông, đề nghị chụp X-quang, siêu âm ổ bụng tại giường, tiêm giảm đau đường tĩnh mạch, rửa khoang miệng, cầm máu”, tiếng chỉ đạo dứt khoát của bác sĩ Dương Hồng Quân - khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt vang lên trong phòng cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Nhanh chóng 5 điều dưỡng và các bác sĩ khác đẩy người bệnh đến nơi cấp cứu bệnh nhân nặng, mỗi người một việc thực hiện sơ cứu.
Cầm phim chụp của nam thanh niên 20 tuổi, bác sĩ Quân và các đồng nghiệp tại nhiều chuyên khoa khác họp cùng trưởng kíp nhanh chóng chẩn đoán, đưa ra phương án điều trị.
Bệnh nhân bị đa chấn thương, sọ não, hàm mặt, ngực và bụng, chuyển lên phòng phẫu thuật mổ dẫn lưu não thất.
Sau 10 phút hội ý chàng trai 20 tuổi được chuyển lên phòng mổ.
Bác sĩ Quân thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)
Kết thúc ca cấp cứu thứ 30 trong ngày, bác sĩ Quân chưa kịp nghỉ tay thì bệnh nhân khác được đưa đến, tiếng còi xe cứu thương ing ỏi liên hồi. "Từ 6h sáng đến giờ, tôi mới ăn được chút cơm", nam bác sĩ vừa nói vừa nhanh chóng đeo đôi gang tay mới, kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, tình trạng bệnh, từ đó phân loại bệnh nhân đưa về từng khu.
Còn 12 tiếng nữa mới hết ca trực, vậy mà càng về chiều tối ca cấp cứu nặng càng tăng lên, chủ yếu là ca chấn thương do tai nạn giao thông. Có thời điểm, vài người được đưa vào cùng lúc, người chấn thương chân, người gãy tay, có ông bà bế theo cháu khóc lóc nhờ bác sĩ khám vì bị ngã từ trên tầng cao xuống.
Khu vực cấp cứu hoạt động liên tục không ngừng nghỉ 24/7 và 365 ngày trong năm, càng dịp nghỉ lễ Tết càng đông người đến. Tiếng xe cứu thương hoà lẫn với tiếng kêu đau đớn của người bệnh, tiếng khóc của người nhà, và hình ảnh hàng chục bác sĩ chạy tới chạy lui trong khu vực cấp cứu rộng chừng 300 m2, trở nên quá quen thuộc nhưng cũng đầy ám ảnh với nhiều người ở đây.
Có người còn ví bóng đèn khu vực cấp cứu không bao giờ tắt, sáng từ lúc lắp đặt cho đến khi cháy hỏng thì thay mới.
Tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, anh Quân về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm việc đến nay hơn 6 năm, cũng là chừng ấy thời gian trực cấp cứu. Anh thành thạo tất cả khâu, và quá quen với cảnh người ra vào với chấn thương nặng.
Trung bình trong ca trực 24h, bác sĩ Quân và đồng nghiệp tiếp nhận 40 - 50 lượt bệnh nhân, tham gia phẫu thuật khi cần thiết, có ca mổ phức tạp đứng 4 - 5 tiếng liên tục. Với anh, mọi mệt mỏi đều tan biến khi nhìn thấy người bệnh nguy kịch giữ được tính mạng và dần hồi tỉnh.
Cứu sống bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu với bác sĩ. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)
Cứu nhiều người song anh Quân cũng không ít lần chứng kiến các trường hợp nhập viện muộn, hoặc tình trạng quá nặng mà ra đi. "Dù người đó còn dấu hiệu sinh tồn hay không, khi vào viện chúng tôi vẫn cố gắng can thiệp mong có thể giữ được tính mạng cho họ”, bác sĩ Quân nói. Việc để mất một bệnh nhân không chỉ gia đình người đó đau buồn, mà các y bác sĩ cũng thấy gánh nặng trong lòng dù đã cố hết sức.
6 năm làm bác sĩ cấp cứu, chẳng có mấy ngày nghỉ, thời gian ở cơ quan nhiều hơn ở nhà, lễ Tết vẫn phải trực, nhưng anh Quân và các đồng nghiệp đều vui vẻ với sự lựa chọn của bản thân.
"Khi lựa chọn nghề y, là bác sĩ cứu người chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm với nghề, với người bệnh", nam bác sĩ nói.
Hàng chục chuyên khoa cùng trực cấp cứu
Ths.BS.CK2 Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, người phụ trách chính ca cấp cứu chia sẻ, mỗi ngày khoa Cấp cứu đón từ 180 đến 200 người. Dịp lễ, Tết số người đến tăng lên gần 300, trong đó hơn nửa là bệnh nhân nặng, đa chấn thương do tai nạn giao thông.
Khác với các bệnh viện trực 12 tiếng, ca trực tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kéo dài liên tục trong 24 giờ, vì thế áp lực của các bác sĩ ở đây cũng nhân đôi.
Bệnh nhân đến Việt Đức đa số bị nặng, đa chấn thương. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)
Theo bác sĩ Tuấn Anh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là tuyến cuối của cả nước về ngoại khoa và phẫu thuật, nên các bệnh nhân được đến đây thường trong tình trạng nặng, nguy kịch. Để đảm bảo cấp cứu kịp thời cho người bệnh, mỗi kíp trực tại đây luôn có gần 100 nhân sự túc trực, từ bác sĩ của các chuyên khoa khác như ngoại khoa, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, đến điều dưỡng, chuyên viên hỗ trợ.
Mỗi nhóm có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, đảm bảo người bệnh luôn được đánh giá đầy đủ, hệ thống nhất. Ngoài đội hình trực chiến ở bệnh viện, còn có đội cấp cứu ngoại viện. Đội cấp cứu này sẽ lên đường khi đơn vị bạn, bệnh viện tuyến dưới hay bệnh nhân ở xa cần hỗ trợ.
"Ngoài đến trực tiếp hiện trường, chúng tôi có đội hỗ trợ từ xa qua video, zoom để hướng dẫn sơ, cấp cứu cho người bệnh trong tình trạng nặng mà đơn vị tuyến dưới chưa xử lý được”, bác sĩ Tuấn Anh nói.
Bệnh nhân ra vào cấp cứu liên tục. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)
Kíp trực kéo dài 24h, khối lượng công việc của các bác sĩ tại viện rất lớn, nhưng với các y bác sĩ việc chạy đua để cứu người luôn được đặt lên trên hết. Với họ, cứu được một người hay nhìn bệnh nhân qua cơn nguy kịch, trở về cuộc sống bình thường luôn là động lực để bản thân những người bác sĩ không ngừng cố gắng.