Cả nước đã ghi nhận 81.808 trường hợp mắc sốt xuất huyết từ đầu năm 2023 đến nay, 23 ca tử vong. Trong những ngày qua, sốt xuất huyết tiếp tục tăng rất cao tại Hà Nội, hơn 2.100 ca mắc/tuần, nhiều người nhập viện do sốc sốt xuất huyết, nguy hiểm tới tính mạng. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, diễn biến khó lường, nên người dân không được chủ quan.

Nếu như cách đây 10 ngày, tại cả 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ có hơn 70 ca sốt xuất huyết điều trị, thì hiện nay đã tăng gấp đôi – 157 ca, trong đó có 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo (sốt xuất huyết chuyển nặng).Tại Khoa Cấp cứu cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh)mỗi ngày khám trên dưới 50 ca sốt xuất huyết, trong đó có 3-5 ca sốt xuất huyếtDengue nặng.

Sốt xuất huyết vào đỉnh dịch, nhiều người phải cấp cứu -0
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

Một trong những ca nguy kịch đang điều trị phải kể đến nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Hoài Đức (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp. Sau chiếu chụp, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, kèm theo tình trạng cô đặc máu, giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao, hơn 8.000 đơn vị (thông thường từ 20-40 đơn vị).

Theo gia đình bệnh nhân cho biết, khi phát hiện mắc sốt xuất huyết, chị này đã truyền dịch trong 3 ngày đầu, nhưng cơ thể yếu dần nên được đưa tới bệnh viện. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng. Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường.

Cũng ở Hoài Đức, sau khi sốt cao 5 ngày, ông N. T. T  (76 tuổi) mới vào nhập viện trong tình trạng đại tiện phân đen nhiều, da nhợt nhạt do mất máu, tiểu cầu giảm thấp, hồng cầu giảm còn 2 triệu/mm3. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng, kèm thêmbệnh nền tăng huyết áp, viêm gan B. Các bác sĩ tức tốc truyền 10 đơn vị máu, gồm khối hồng cầu, huyết tương tươi và khối tiểu cầu, đồng thời được nội soi dạ dày kẹp cầm máu ổ chảy máu ở dạ dày. Sau 6 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu. Xét nghiệm chỉ số tiểu cầu đã cải thiện.

ThS.BS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Khoa Virus – Ký sinh trùng cho biết, thời gian qua có nhiều ca sốt cao, nặng mới tới viện. Có bệnh nhân ở ngay Đan Phượng (Hà Nội) sốt đến ngày thứ 3 không đi được nữa mới tới bệnh viện. Khi vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh này đã ở tình trạng tràn dịch đa màng, cô đặc máu, tiểu cầu giảm thấp. Hay bệnh nhân 45 tuổi ở Hà Nam chuyển lên trong tình trạng đi tiểu ra máu, tiểu cầu giảm sâu…

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng bệnh nhân khi sốt cao, tự điều trị tại nhà, ra phòng khám tư nhân, hoặc thuê nhân viên y tế đến nhà truyền dịch. “Sau khi sốt cao, đau đầu dữ dội, em gọi bác sĩ tư đến nhà truyền dịch nhưng không đỡ. Sau đó em được các bạn đưa đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm mới biết mình bị sốt xuất huyết”, một nữ bệnh nhân ở Cầu Giấy (Hà Nội) điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Theo TS.BS Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hệ lụy của truyền dịch không đúng không giúp bệnh nhân cải thiện được tình trạng bệnh mà còn khiến bệnh nặng hơn. Nếu người bệnh sốt cao trong những ngày đầu, kèm theo rối loạn nước, điện giải… nếu không truyền đúng các loại dịch đó sẽ làm cho rối loạn điện giải càng nặng hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, bệnh nhân đến khám và nhập viện vì sốt xuất huyết đều tăng mạnh. Tại Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) những ngày này luôn kín giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, phải chuyển bớt bệnh nhân sang khoa khác. Nhiều ca được đưa vào đây trong tình trạng rất nặng. Điển hình là nam thanh niên 30 tuổi (Hà Nội) được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai sang vào ngày 12/9. Trước đó, ngày 6/9 nam thanh niên xuất hiện sốt cao, rét run, đau đầu, đau mỏi người, tự mua thuốc giảm sốt về uống nhưng không đỡ. Ngày 9/9, nam thanh niên được đưa vào Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengune có dấu hiệu cảnh báo, rối loạn điện giải, được truyền dịch, bù điện giải nhưng bệnh đỡ ít và còn mệt nhiều.

Ngày 10/9, anh này được chuyển đến Trung tâm Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở tăng dần, chảy máu mũi, đi ngoài phân đen và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengune nặng, xuất huyết tiêu hoá. Bệnh nhân ngay lập tức chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hoá, suy đa tạng được đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu. Sau 1 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng, toan chuyển hoá nặng, sốc tụt huyết áp, bác sĩ giải thích tình trạng cho gia đình. Theo nguyện vọng của gia đình, bệnh viện đã chuyển bệnh nhân về Khoa Điều trị tích cực và Chống độc - Bệnh viện 19-8 điều trị trị tiếp.

Ngay khi mới vào Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, bệnh nhân đã bị ngừng tim, sau khi được cấp cứu ngừng tim, ngay lập tức bệnh nhân được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, song do quá nặng, bệnh nhân tử vong ngay trong đêm 12/9 do sốc sốt huyết nặng, xuất huyết đa cơ quan, suy đa tạng.

 https://cand.com.vn/y-te/sot-xuat-huyet-vao-dinh-dich-nhieu-nguoi-phai-cap-cuu-i707778/

Trần Hằng / CAND