Một người nghĩ mình nghèo thường cố chứng minh mình "không đến nỗi nào", mua quà đắt tiền, đãi khách bằng những đồng cuối cùng.
Đây chính là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đang nhiễm 'virus nghèo khó'. Ngoài ra, bạn cũng có thể mãi ở trong tình trạng rỗng túi vì những lý do dưới đây, theo liệt kê của Bright Side:
1. Bạn bị ảnh hưởng từ một số hành vi tài chính của cha mẹ
Nếu trong suốt thời thơ ấu, bạn thường nghe những điều như: "Chúng ta không đủ tiền mua thứ đó", "Chúng ta phải gắn bó với công việc của mình", hay "Chúng ta không in được tiền"..., thì sự giới hạn và nghèo khó đi vào tiềm thức của bạn.
Niềm tin, bao gồm cả những gì chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ, ảnh hưởng đến cách tiếp cận công việc, mua sắm và lối sống của chúng ta.
Giới hạn và thiếu thốn trong thời thơ ấu khiến một người có xu hướng cảm thấy căng thẳng. Những nhiệm vụ đơn giản đối với họ cũng trở nên khó khăn hơn so với người khác, thậm chí trở ngại nhỏ cũng có thể khiến họ cảm thấy thiếu động lực để phấn đấu. Và tất nhiên, không thành công đồng nghĩa với việc người đó sẽ nghèo khó.
2. Bạn lo lắng về những gì người khác sẽ nói
Nổi tiếng và giàu có như Keira Knightley cũng không lãng phí tiền cho váy cưới. Ảnh: People. |
Có nhiều người chi tiêu không phải vì bản thân mà vì sợ bị người khác đánh giá. Họ vay tiền để tổ chức đám cưới, hoặc bỏ ra số tiền bằng 3 tháng lương chỉ để mua một chiếc váy cưới mặc một lần trong đời.
Bạn có lẽ không biết rằng, trong hôn lễ của mình, nữ diễn viên Keira Knightley mặc chiếc váy đã 5 năm, cũng từng được cô mặc đi các sự kiện. Sau đó, không có gì xấu xảy ra với cô cả, người thân vẫn vui vẻ và hàng xóm vẫn chào hỏi cô mỗi sáng.
Không có gì sai khi tổ chức một đám cưới xa xỉ, cũng như mua sắm đắt tiền nếu bạn có đủ khả năng. Nhưng nếu một gia đình tiêu tất cả tiền tiết kiệm của họ trong một ngày hoặc mắc nợ, thì đó là dấu hiệu của một suy nghĩ nghèo nàn.
3. Bạn xếp các ưu tiên sai vị trí
Các nhà kinh tế học khi nghiên cứu về nghèo đói thấy rằng khi một người rơi vào tình trạng tài chính tồi tệ, họ thường cố gắng thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ. Đó là lý do tại sao ở Ấn Độ, 40% thu nhập của gia đình được dành cho các ngày lễ và nghi lễ tôn giáo. Người nghèo ở Mỹ thường dùng tiền phúc lợi xã hội để mua bít tết và tôm hùm. Dân Morocco sẵn sàng ăn bánh mì và trà ngọt để mua đầu đĩa DVD và có truyền hình cáp.
Một người nghĩ mình nghèo thường cảm thấy mình kém so với người khác. Để chứng minh mình cũng "không đến nỗi nào", họ mua những món quà đắt tiền, đãi khách bằng số tiền cuối cùng và mua trả góp điện thoại thông minh trong 3 năm.
4. Bạn giải tỏa căng thẳng bằng cách đi mua sắm
Những người có tình hình tài chính khó khăn thường bị căng thẳng cực độ. Điều này ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tập trung và lối suy nghĩ của họ, khiến họ thiếu tỉnh táo, từ đó có thể đưa ra quyết định tồi tệ như mua sắm vô tội vạ bằng tín dụng, mua những thứ vô dụng và quên thanh toán hóa đơn khi đến hạn (để rồi sau đó, phải trả tiền phạt do trả chậm).
Dùng mua sắm để giải tỏa căng thẳng chỉ khiến bạn nghèo nhanh. Ảnh: Claude News. |
Đôi khi khả năng tự kiểm soát giảm không phải vì bạn không muốn cải thiện tình hình mà bởi vì bạn bị căng thẳng. Cái vòng luẩn quẩn cứ diễn ra: khó khăn - quản lý tài chính sai cách - lại càng khó khăn hơn...
5. Bạn không có mục tiêu hay ước mơ nào
Nhiều người cố gắng thoát khỏi cảm giác nghèo bằng cách làm việc nhiều hơn. Vấn đề là trong trường hợp này, họ không cho phép mình mơ ước, hay đặt ra mục tiêu nào, không cho phép mình thư giãn và tận hưởng cuộc sống - họ chỉ làm việc chăm chỉ mọi lúc.
Theo nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017, những người có thu nhập thấp có xu hướng cảm thấy như họ không thể thay đổi bất cứ điều gì. Đó là lý do tại sao họ không đặt mục tiêu và không cố gắng đạt được chúng.
Cảm xúc hàng ngày của bạn ảnh hưởng đến cách bạn lên kế hoạch cho cuộc sống của mình. Khi buồn, chúng ta thường giảm mong muốn ở hiện tại, thay vì nghĩ nhiều hơn đến tương lai. Kết quả là chúng ta mất lợi nhuận tiềm năng trong dài hạn. Khi vui vẻ và hứng thú với cuộc sống, bạn sẽ dễ dàng nghĩ về tương lai hơn, lập kế hoạch và tìm cách đạt được mục tiêu.
6. Bạn không thể tăng mức thu nhập
Có những người như bị mắc kẹt ở một mức thu nhập. Họ có thể đổi nghề hoặc làm việc chăm chỉ hơn, nhưng tiền lương vẫn không đổi, giống như có một mức trần mà họ không thể vượt qua. Họ có thể suy nghĩ sai lầm rằng; "Để kiếm nhiều tiền hơn, tôi phải làm việc 60 h/tuần, có bằng tiến sĩ và quan hệ tốt".
Một người đã quen với tình hình tài chính hiện tại của mình sẽ cố cân đối để sống với ngân sách đó. Khi có mức thu nhập đột biến, họ có thể cảm thấy khó quản lý. Họ có thể tiêu hết sạch số tiền thưởng trong một tuần mà không để ý. Nếu được đề nghị làm việc trong một dự án mới ngoài phạm vi công việc của mình, họ có thể nghĩ rằng mình sẽ quá bận rộn, và họ sẽ mất cơ hội.
Thói quen sống với cùng một mức thu nhập có thể khiến bạn bỏ lỡ các cơ hội tăng thu nhập của mình.
Hoàng Anh (Theo Bright Side)
7 sai lầm tiền bạc mà người giàu không bao giờ mắc phải Với giới siêu giàu, họ biết chính xác tiền của mình sẽ đi về đâu và không nên làm gì khi dùng tiền. |