Tháng 5/2021, một tờ báo đưa tin người ta bắt được một con “rùa cá sấu quý hiếm” ở đầm Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định).
- Hai loài tôm ngoại lai bị cấm tại Việt Nam
- Sư tử đá ngoại lai trước cửa tòa án tỉnh Lạng Sơn
- Linh vật ngoại lai canh cửa công sở cấp huyện ở Hải Dương
Nhưng báo chí Trung Quốc nói loài này, vốn có nguồn gốc ở miền Nam nước Mỹ, nay tràn ngập miền nam Trung Quốc. Rùa cá sấu là loài mạnh mẽ, hung dữ và các nhà chức trách Trung Quốc đang tỏ ra lo ngại về thực trạng này.
Rùa cá sấu nguy hiểm
Quái vật phàm ăn
Rùa cá sấu, loài động vật ăn thịt lớn, phàm ăn đã âm thầm xâm chiếm các hồ và sông của Trung Quốc, đe dọa các loài bản địa.
Có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, rùa cá sấu đã được nhập khẩu với số lượng lớn vào Trung Quốc trong nhiều năm, nơi chúng được nuôi để lấy thịt và bán cho những người muốn sở hữu thú cảnh “độc, lạ”.
Trên các trang thương mại điện tử của Trung Quốc, người ta có thể mua những con rùa cá sấu non với giá chỉ 20 nhân dân tệ (3USD)/con. Tuy nhiên, người mua thường không biết rằng con vật cưng mới của họ sau này sẽ phát triển thành một con quái vật.
Rùa cá sấu khi trưởng thành lớn đạt kích thước lớn, nặng tới 80 kg, có móng vuốt dài, có mỏ, mai có nhiều gờ sắc nhọn. Nếu bị đe dọa, chúng sẽ tấn công, cắn xé mọi thứ trong tầm mắt. Vết cắn của chúng có thể khiến ta mất ngón tay ngay lập tức.
Giờ đây, những con rùa này dường như đang thích nghi dần, xâm nhập vào hệ sinh thái tự nhiên, làm dấy lên sự lo ngại trong giới hữu trách và các nhà sinh vật học Trung Quốc, theo tạp chí Đệ lục thanh (Trung Quốc).
Truyền thông Trung Quốc đưa tin hàng chục trường hợp rùa cá sấu được tìm thấy ở các vùng sông nước trong thập kỷ qua. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 cho thấy vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử là những điểm nóng đặc biệt, nơi người ta hay bắt gặp rùa cá sấu nhất.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu những con rùa này thích nghi và bắt đầu sinh sản bên ngoài môi trường nuôi nhốt, chúng có khả năng tàn phá nghiêm trọng các hệ sinh thái địa phương. Chúng vốn nổi tiếng về tính phàm ăn, có thể tiêu diệt mọi thứ, từ cá, ếch và rùa nhỏ hơn, cho đến bất kỳ loài động vật có vú nào tình cờ ở dưới nước. Một loạt các loài bản địa của Trung Quốc có thể bị đe dọa.
Rùa cá sấu đã xâm nhập hệ sinh thái ở Trung Quốc
“Sinh vật xâm lăng này là những kẻ săn mồi bẩm sinh. Ngay sau khi nở từ trứng, chúng ăn động vật không xương sống, cá, nòng nọc, ếch, và dần bắt những con mồi lớn hơn khi chúng lớn lên… Rất nhiều thứ có thể nằm gọn trong hàm của chúng”, David Dudgeon, giáo sư sinh học nước ngọt tại Đại học Hong Kong, nói. “Rùa bản địa sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, vì rùa cá sấu có thể cạnh tranh thức ăn với chúng, ăn thịt con non hoặc thậm chí những cá thể đã trưởng thành”.
Rùa cá sấu dường như đang xâm nhập hệ sinh thái qua một số con đường. Trong một số trường hợp, các trang trại chăn nuôi bị lũ lụt, khiến rùa cá sấu nuôi nhốt sổng ra. Hàng chục triệu con rùa được nuôi ở Trung Quốc mỗi năm để sử dụng làm thực phẩm, vật nuôi và phục vụ bào chế thuốc đông y, trong đó rùa cá sấu là một lựa chọn phổ biến do kích thước lớn của chúng.
Cũng có một số trường hợp người ta cố tình thả rùa vào tự nhiên. Các Phật tử Trung Quốc thường thả cá, rùa và các động vật khác vào tự nhiên (phóng sinh). Cũng có thể chủ sở hữu vật nuôi thả rùa cá sấu đi sau khi nhận ra sinh vật đó không phải là rùa thông thường.
Năm ngoái, một người câu cá Trung Quốc đã câu được một con rùa cá sấu từ một con sông. Trên mai con rùa này có các hình vẽ các biểu tượng và nội dung kinh Phật. Trong một vụ việc khác, người dân địa phương đã gọi điện báo cảnh sát sau khi phát hiện một người đàn ông thả hai con rùa cá sấu xuống sông Gia Lăng, một nhánh của sông Dương Tử, ở phía tây nam thành phố Trùng Khánh.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát hoạt động phóng sinh, vốn dẫn đến việc một số lượng lớn các loài không bản địa được thả vào sông hồ, làm đảo lộn cân bằng các hệ sinh thái địa phương. Các loài xâm lấn được coi là mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học của Trung Quốc.
Vào năm 2020, các chuyên gia chính phủ đã đưa rùa cá sấu vào danh sách 17 loài không phải bản địa nguy hiểm khi thả vào các hệ sinh thái nước ngọt của Trung Quốc. Các lý do được đưa ra là do rùa cá sấu ăn một lượng lớn cá bản địa, động vật lưỡng cư, rùa và chim, và cũng có thể cắn người.
Hành vi phạm tội
Tháng 3/2021, Trung Quốc bắt đầu coi việc thả các loài xâm lấn vào tự nhiên là hành vi phạm tội. Nhiều hồ và sông, đặc biệt là những hồ gần các ngôi đền, hiện có biển cảnh báo công chúng rằng việc phóng sinh bị cấm.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong những năm gần đây cũng đăng tải nhiều câu chuyện, gọi rùa cá sấu là “sát thủ sinh thái” và nhắc nhở mọi người không nên nuôi chúng làm thú cưng hoặc thả chúng ra ngoài tự nhiên. Những người bắt được một con rùa cá sấu trong tự nhiên được khuyến cáo nên giết thịt, không nên thả nó trở lại nước.
Ông Dudgeon đồng ý rằng ngăn chặn việc thả rùa cá sấu nên là một ưu tiên của cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc. Ông nói: “Việc ngăn chặn người ta phóng thích rùa cá sấu thực tế hơn nhiều so với việc loại bỏ những động vật đã xâm nhập vào tự nhiên”.
Những con rùa cá sấu được rao bán trên nền tảng thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc. Dòng chữ trên các bức ảnh có nội dung: “Người nuôi đứng bán, đã bao gồm phí ship” (trái) và “Nuôi thì rất ghê, ăn thì rất phê”.
Nhưng việc ngăn chặn rùa cá sấu thoát ra môi trường tự nhiên rất khó khăn do quy mô tuyệt đối của hoạt động buôn bán loài rùa này. Hơn 400.000 rùa cá sấu được bán làm thú cưng mỗi năm trên nền tảng thương mại điện tử Taobao. Những con vật này cũng được rao bán trên các nền tảng khác của Trung Quốc, ví dụ trang JD.com. Những chiếc thùng nhựa chứa đầy rùa con cũng là cảnh thường thấy tại các chợ thú cưng trên khắp Trung Quốc.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất mà rùa cá sấu là một vấn đề nan giải. Hàng nghìn con đã bị bắt trong tự nhiên ở Nhật. Rùa cá sấu cũng có thể đã xâm chiếm châu Âu: Đã ghi nhận nhiều vụ người tắm sông, hồ ở Pháp, Đức và Ý chạm mặt với chúng trong những năm gần đây.
Năm 2021, báo Tin tức (TTXVN) đưa tin: “Bắt được rùa cá sấu quý hiếm ở đầm Thị Nại”. Bản tin viết: “Chiều 19/5, Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết vừa tiếp nhận một con rùa cá sấu do ngư dân bắt được tại khu vực đầm Thị Nại (thành phố Quy Nhơn).
Ông Lê Tám (bên phải) giao nộp rùa cá sấu cho đại diện Chi cục Kiểm lâm Bình Định vào sáng 19/5/2021. Ảnh: TTXVN phát
Trước đó, vào lúc 4 giờ cùng ngày, ông Lê Tám, trú tại phường Đống Đa (thành phố Quy Nhơn) trong quá trình khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại đã phát hiện một con rùa bị mắc lưới.
Qua quan sát ban đầu, rùa có mai bẹp thấp, màu đen, có 3 hàng gai nhọn dọc trên mai. Đuôi dài, mềm và có gai nhọn như đuôi cá sấu. Đầu không có vảy trán. Thấy không giống các loại rùa thường gặp, ông Tám đã liên hệ Chi cục Thủy sản Bình Định để giao nộp. Tại thời điểm bàn giao, con rùa cá sấu này nặng 4,3 kg, dài 45cm (bao gồm đuôi), đuôi dài khoảng 10cm. Tình trạng sức khỏe ổn định.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, rùa cá sấu có tên khoa học là Macrochelys temminckii, là một trong những loài rùa nước ngọt lớn nhất thế giới hiện nay. Đây là loài ngoại lai, đang bị đe dọa theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Loài rùa này xuất hiện nhiều ở vùng sông nước miền Nam Hoa Kỳ. Do việc buôn bán vật nuôi kỳ lạ diễn ra mạnh mẽ, loài rùa này đã xuất hiện ở châu Á và châu Âu. Đây là lần đầu tiên rùa cá sấu xuất hiện tại Bình Định. Vì là loài ngoại lai không thể thả về môi trường tự nhiên, Chi cục Thủy sản Bình Định đã liên hệ và bàn giao cho Vườn thú FLC Zoo Safari Quy Nhơn để chăm sóc và nuôi dưỡng”…