Ở tuổi lục tuần nhưng niềm đam mê khoa học vẫn luôn hừng hực trong tâm trí và hành động của kỹ sư Bùi Hiển. Sau câu chuyện thành công của chiếc máy bay trực thăng mang tên “Giấc Mơ”, nay ông lại quyết tâm cải tạo, hiện đại hóa chiếc may bay trực thăng độc đáo mang tên “Bùi Hiển”. Ông nói rằng, quãng thời gian sắp tới ông sẽ dồn hết tâm huyết để chiếc máy bay mang tên mình cất cánh bay lên bầu trời - hiện thực hóa giấc mơ bay - mà ông hằng ấp ủ.
Chế tạo trực thăng bằng đam mê cháy bỏng
Trước khi nổi tiếng với những chiếc trực thăng tự chế, người ta biết đến Bùi Hiển với định danh là chủ một garage chuyên sửa chữa xe ôtô, cần cẩu nằm trên quốc lộ 13, tỉnh Bình Dương. Nhớ về giai đoạn đó, ông kể, sau khi thôi làm việc cho một Công ty của nhà nước, ông về mở xưởng sửa chữa ôtô để kiếm kế sinh nhai. Những năm đầu, vốn ít, ông phải nghiên cứu phương pháp sửa chữa ôtô làm sao để vừa giúp cho xe hoạt động trở lại, vừa có giả cả phải chăng nhất cho khách. Với niềm đam mê với máy móc, lại tiết giảm được chi phí đáng kể cho chủ xe, garage của ông dần có tên tuổi trên thương trường.
Từ đam mê sửa chữa ôtô rồi bất ngờ chuyển sang đam mê sản xuất máy bay, mà cụ thể là trực thăng khiến ai cũng bất ngờ trước quyết định của người kỹ sư vốn đã cao tuổi. Kể với chúng tôi về cơ duyên đưa mình với quyết định này, ông nói có lần chứng kiến hoạt động của một máy bay trực thăng mô hình, ông nghĩ tại sao mình không làm thử một chiếc to hơn, có người lái. Thế rồi, ông dồn hết tâm sức, tiền bạc vào niềm đam mê chế tạo trực thăng. Cách đây khoảng 4 năm, ông mày mò nghiên cứu các chi tiết của chiếc máy bay trực thăng đồng trục hai tầng cánh. Dẫu biết là sẽ rất khó khăn khi trong nước hầu như không có tài liệu nào hướng dẫn chế tạo nhưng ông vẫn cố tìm hiểu bằng cách lên mạng, tiếp cận những tri thức chuyên ngành của nước ngoài cũng như mua sách về tự dịch, tự học. Với động cơ thủy khoảng 110 mã lực có được từ một chiếc môtô nước, ông bỏ ra hơn 1 năm cải tạo, sản xuất, thay thế các chi tiết để biến nó thành động cơ máy bay. Chưa dừng lại ở động cơ, ông tự lên bản vẽ thiết kế, tính toán chính xác từng chi tiết để làm khung sườn, kết cấu khí động học cho chiếc trực thăng đầu tay của mình. Cuối cùng, hình hài chiếc trực thăng cũng dần hiện ra trước mắt ông và các cộng sự trong khu nhà xưởng vốn dành để sửa chữa ôtô.
Làm ra được chiếc máy bay rồi thì việc thử nghiệm là tối cần thiết để biết nó sẽ hoạt động ra sao, có an toàn, hoạt động theo như thiết kế hay không. Trong tay không có giấy phép bay từ các cơ quan chức năng, ông đưa chiếc “Bùi Hiển” vào nhà xưởng, nổ máy, buộc dây rồi bay thử. “Lúc đó nó đã bay được rồi, dù chỉ là là mặt đất. Cảm giác lúc đó tôi vui không kể xiết” – ông Hiển bồi hồi nhớ lại phút giây đầu tiên được bay lên khỏi mặt đất trên chiếc trực thăng mang tên mình.
Sẽ có trực thăng “made in vietnam”
Thành công ban đầu từ chiếc “Bùi Hiển” khiến ông thêm quyết tâm thực hiện cho được giấc mơ chế tạo một chiếc trực thăng có người lái đầu tiên của Việt Nam. Chuyển hướng từ trực thăng hai tầng cánh sang trực thăng một tầng cánh, ông lại tiếp tục dồn tâm huyết, tiền bạc để cho ra đời chiếc “Giấc Mơ”. “Trực thăng 1 tầng cánh dễ chế tạo hơn nhưng kém an toàn hơn loại 2 tầng cánh đồng trục. Khi bay trên chiếc “Giấc Mơ”, tôi phải tập trung hết sức cao độ để giữ nó thăng bằng vì chỉ cần sai sót một tí thôi thì chiếc máy bay sẽ lao ngay xuống đất. Còn trên chiếc “Bùi Hiển” đang được hiện đại hóa này thì cảm giác bay sẽ an tâm hơn vì nó rất an toàn, hoạt động lại trơn tru hơn với động cơ mới– ông Hiển thổ lộ.
Khi chúng tôi thắc mắc là chiếc “Bùi Hiển” đã bay được rồi, sao lại hiện đại hóa làm gì thì ông bật mí rằng trước đây ông sản xuất chiếc “Bùi Hiển” trên nền tảng động cơ thủy, phải “độ” lại khá nhiều chi tiết nên vẫn còn đơn giản lắm. Sau này, khi đã mua được những chi tiết quan trọng cho động cơ máy bay từ Mỹ, ông đã thay thế loại động cơ đã mang lại thành công cho chiếc “Giấc Mơ” vào chiếc “Bùi Hiển” để tăng công suất cũng như đảm bảo nó sẽ hoạt động an toàn hơn. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nhất là ông đã cải tiến được trục rotor cho chiếc trực thăng này. “Chiếc “Bùi Hiển” cũ có hai cánh bướm sau đuôi để lái, chuyển hướng thì nay tôi đã bỏ đi, giờ nó sẽ hoạt động theo nguyên tắc nghiêng góc nâng của 2 tầng cánh (4 cánh quạt) để chuyển hướng. Mấu chốt là tôi đã chế tạo thành công được trục xoay rotor theo đúng nhưng nguyên lý hoạt hoạt động của những loại trực thăng đồng trục tiên tiến trên thế giới” – vị kỹ sư lục tuần tiết lộ.
Đam mê làm trực thăng là vậy nhưng hiếm ai biết rằng ông phải tự mình học để điều khiển những chiếc máy bay do mình tạo ra. Cách đây hơn 1 năm, sau khi cho bay thử thành công chiếc “Giấc Mơ”, ông được đề nghị tham gia vào Câu lạc bộ Hàng không phía Nam do một đơn vị quân đội quản lý. Được tiếp xúc thêm nhiều người có cùng đam mê, lại được hướng dẫn hoàn thiện kỹ năng điều khiển các thiết bị bay, ông dần có thêm tự tin để lái trực thăng trong phạm vi cho phép. Ông cho biết, sau khi hiện đại hóa xong chiếc “Bùi Hiển”, ông sẽ mang vô nhà xưởng để bay thử, kiểm tra độ ổn định cũng như các thông số. Nếu chiếc “Bùi Hiển” hoạt động tốt, ông sẽ xin giấy phép từ phía cơ quan chức năng để được mang ra một sân bay nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương để bay thực tế. “Phía mấy anh ở Câu lạc bộ động viên tôi nhiều lắm, rất mong tôi hiện đại hóa chiếc này để mang ra bay thử nghiệm ngoài trời để đánh giá điểm mạnh, yếu của nó. Từ ngày làm máy bay đến giờ tôi có thêm được rất nhiều bạn bè, ai cũng ủng hộ và mong muốn tôi sớm thực hiện được ước mơ của mình là tạo ra những chiếc máy bay thực thụ để phục vụ người dân, đất nước” – ông bộc bạch.
Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên có tiêm kích tàng hình? Một số quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ sự quan tâm tới tiêm kích tàng hình thế hệ 5 do Nga và Mỹ ... |
Những nước nào dẫn đầu cuộc đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu? Khi nhắc đến việc chế tạo máy móc để thực hiện công việc con người đang làm trong nhiều năm thì Mỹ, Trung Quốc và ... |