Từ vụ quấy rối tình dục người mẫu của nhiếp ảnh gia hay cái giá phải trả của nghề người mẫu?
Mỗi ngày trôi qua, báo đài lại rầm rộ những vụ việc liên quan đến nạn quấy rối tình dục. Những câu chuyện bại hoại đạo đức không chỉ xuất hiện liên tiếp ở nơi công cộng, trong trường học mà còn diễn ra ngay ở môi trường lao động chuyên nghiệp đòi hỏi sự chỉn chu và nghiêm túc như nghề mẫu. Dẫu biết cái giá đánh đổi cho bài toán mưu sinh, trở nên nổi tiếng chưa bao giờ là dễ dàng. Thế nhưng, sự thật chua chát về cái gọi là "sinh nghề tử nghiệp" vẫn khiến bất kì người mẫu nào, dù đã thành danh hay đang lao đao trên chặng đường xây dựng tên tuổi, khi nghĩ đến cũng đều phải chạnh lòng.
Với tính chất công việc, chuyện phải khỏa thân, bán nude chụp ảnh đối với người mẫu là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Nghề mẫu và bài toán về sự "rủi ro"
Người mẫu, bên cạnh vóc dáng ngoại hình thứ họ cần nhất chính là ngọn lửa đam mê với nghề. Bởi chỉ "đam mê" mới tạo nên nét hấp dẫn cho thần thái, mới khiến đôi mắt có hồn, mới giúp bộ ảnh nghệ thuật trở nên đúng chất nghệ thuật cần có. Nhưng cái đẹp đâu chưa thấy, khát khao cháy bỏng muốn cống hiến với nghề chưa kịp tỏ, người mẫu đã phải oằn mình chống chọi với những vụ đổi chác tình-tiền, tình-tài diễn ra mỗi ngày.
Đối với người mẫu, đặc biệt là với những cô gái trẻ mới vào nghề, câu chuyện bị lạm dụng, quấy rối bởi những "tiền bối" trong ngành không còn là chuyện quá lạ lẫm. Nhiếp ảnh gia thường lợi dụng đặc điểm ngại ngùng sợ sệt và không dám phản kháng của những người mẫu trẻ để bắt họ làm những điều họ không muốn. Truyền thông Mỹ từng hợp tác với diễn viên David Schwimmer, đạo diễn Mazdack Rassi để thực hiện chiến dịch với tên gọi: "That's Harassment" (Đó là quấy rối).
Chiến dịch "That's Harassment" (Đó là quấy rối) nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ truyền thông quốc tế.
Trong chiến dịch, hãng truyền thông này tái hiện lại những khoảnh khắc mà tưởng chừng như chỉ vì mục đích công việc nhưng thực chất ẩn sau đó là hành vi quấy rối bệnh hoạn của nhiếp ảnh gia với cô người mẫu. Cụ thể, nàng mẫu trong clip bị bắt thực hiện những động tác gợi dục như đút tay vào trong quần, kèm theo đó là yêu cầu về biểu cảm "thỏa mãn" hay "tỏ ra sung sướng". Chưa hết, trong quá trình chụp, vị nhiếp ảnh gia này còn có những lời lẽ biến thái, không chuẩn mực đối với nàng thơ của mình. Không rõ, mục đích để tạo ra những tấm ảnh đẹp, xuất thần có được bao nhiêu phần, chỉ biết rằng để có thể "hết mình" với công việc, rất nhiều người mẫu đã phải đánh đổi bằng cả lòng tự trọng của bản thân.
Terry Richardson: "Nếu không giỏi 'chuyện ấy', khó mà tiến xa!"
Ranh giới giữa chụp ảnh nghệ thuật và quấy rối tình dục là vô cùng mong manh.
Rõ ràng, không phải cứ động chạm cơ thể, tiếp xúc thân mật trực tiếp mới là quấy rối tình dục. Theo Gabrielle Colton, phóng viên của tạp chí Fstopper, những hành vi dù là nhỏ nhất như xúc phạm bằng lời nói, quấy rối qua cử chỉ cũng được coi là hành vi quấy rối tình dục một cách công khai.
Trên thế giới không biết bao nhiêu vụ việc tương tự như vậy xảy ra. Nhiếp ảnh gia đình đám thuộc hàng top của nhiếp ảnh gia thời trang - Terry Richardson từng thẳng thừng nhận xét về cô mẫu của mình rằng, nếu không giỏi "chuyện ấy", nghiệp vụ cũng như của cô sẽ chẳng thể nào tiến xa được.
Rotto - vị nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh theo phong cách Lolli (vừa gợi cảm vừa ngây thơ) xứ Hàn thậm chí còn yêu cầu các cô đào của mình tạo dáng "càng phản cảm càng tốt" để đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao nhất.
Terry Richardson được coi là nhiếp ảnh gia lắm tài nhiệt tật nhất showbiz thế giới. Thói quen bệnh hoạn của Terry từng được rất nhiều nàng mẫu phơi trần.
Mới đây, trang Instagram chuyên bóc phốt mặt trái của làng giải trí Diet Prada đã lên tiếng phanh phui nhiếp ảnh gia Timur Emek - Nhân vật kì cựu trong làng chụp ảnh người mẫu, đã có những hành vi lăng mạ trái đạo đức đối với những chân dài trẻ. Chưa hết, danh sách tiếp tục trải dài với sự xuất hiện của vị nhiếp ảnh gia từng thân cận với Kim Kardashian, Ariana Grande - Marcus Hyde. Anh này đã yêu cầu cô mẫu Sunnaya gửi ảnh khỏa thân rồi mới đồng ý chụp hình miễn phí, nếu không thực hiện anh sẽ tính theo giá thị trường với mức tiền cắt cổ.
Để tạo ra sản phẩm nghệ thuật chất lượng, đáp ứng được nhu cầu công việc, rất nhiều người mẫu chấp nhận bị quấy rối bằng lời nói và hành vi mỗi ngày. Không phải ai cũng dám mạnh mẽ đứng lên phản kháng như Coco Rocha, càng không phải ai cũng có đủ can đảm để vạch trần gương mặt "yêu râu xanh" của những người đại diện cho "nghệ thuật đích thực" như Terry, như Rotta hay rất nhiều cái tên khác.
Marcus Hyde và hành vi của mình đối với những nàng mẫu kém nổi.
Suy cho cùng, ranh giới giữa làm nghệ thuật đích thực, và làm nghệ thuật để thỏa mãn phần "con" thú tính của bản thân là vô cùng mong manh. Chẳng ai biết được, phần thiện lương của những vị nhiếp ảnh gia lắm tài nhiều tật sẽ giữ lại được bao nhiêu khi đứng trước họ là một chân dài xinh đẹp, nóng bỏng và non trẻ trong nghề. Đáng buồn hơn nữa đó là dù biết, dù sợ hãi nhưng bản thân những cô đào không còn lựa chọn nào khác ngoài cái gật đầu cam chịu. Nếu không phải vì một lần xuất hiện trên tạp chí lừng danh như Vogue, Harper's Bazzar thì cũng là để sự nghiệp người mẫu sau này trở nên xuôi chèo bát mái hơn mà thôi.
Một lựa chọn khác cho nghề người mẫu?
Rất tiếc, sẽ không có lựa chọn nào mang tính định hướng hay có thể giúp người mẫu bớt đi một gánh nặng trong nghề. Đặc biệt là với nghề nghiệp đòi hỏi đến sắc vóc hình thể và đôi khi là sự mạo hiểm khoe thân như nghề mẫu. Khi concept chụp hình đã quyết định, thì lời chỉ dẫn của nhiếp ảnh gia chính là "ngọn chỉ nam" giúp cho các chân dài có định hướng hình ảnh và biểu cảm tốt nhất. Nói cách khác, ở cả mặt chuyên môn lẫn về tình, về lý, người mẫu đều ở phương diện phụ thuộc và chịu tầm kiểm soát.
Hiểu được những khó khăn không thể nói ra trong nghề, những chiến dịch chống lại nạn xâm hại tình dục như "That's Harassment" đã phủ sóng mạnh mẽ và lan rộng khắp các quốc gia Châu Âu, tại những kinh đô thời trang đình đám như Paris, Newyork. Ở Hàn Quốc, chiến dịch Metoo - Một chiến dịch vạch trần thế giới "động vật" ở giới giải trí cũng nhận được sự ủng hộ từ khắp các ngôi sao, người nổi tiếng từ các nước Châu Á khác. Rõ ràng, khi một người lên tiếng, câu chuyện đó sẽ chỉ thuộc về phạm trù cá nhân. Nhưng khi rất nhiều người đã đồng thanh, ủng hộ, câu chuyện đó sẽ trở thành một phong trào, một làn sóng đấu tranh đúng nghĩa.
Kim Kardashian ngay sau khi biết nhiếp ảnh gia "bạn thân" một thời có những hành vi suy đồi, trái với đạo đức đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân. Nàng Kim siêu vòng ba cảm thấy bất bình thay cho phái nữ, cô chia sẻ: “Phụ nữ xứng đáng được tôn trọng. Họ không cần làm bất cứ điều gì khiến họ cảm thấy không thoải mái hay bị xúc phạm. Tôi hoàn toàn ủng hộ cho quan điểm bảo vệ phụ nữ tránh khỏi mọi hành vi thiếu đạo đức dù là nhỏ nhất, đồng thời cũng rất hoan nghênh những ai có thể đứng lên vạch trần sự thật."
Cô Kim "siêu vòng ba" lên tiếng, bất chấp trước đó mối quan hệ của cô và vị nhiếp ảnh gia kia vô cùng tốt.
Ariana Grande thì thậm chí còn sâu sắc hơn, cô tỏ lòng: "Sẽ thật quá khốn nạn nếu chỉ vì mặc nhiều quần áo mà bạn bị bắt phải trả tiền nhiều hơn. Các bạn người mẫu trẻ à, chúng ta cần phải dừng hợp tác ngay với những người thiếu tôn trọng mình. Thực lòng, tôi rất lấy làm tiếc khi điều kinh khủng đó đã xảy ra với bạn và sự nghiệp người mẫu của bạn. Nhưng tôi cũng tin rằng ngoài kia vẫn còn rất nhiều những nhiếp ảnh gia tốt, tận tâm và vui lòng được làm việc với các bạn".
Ariana Grande cũng không nể nang "tình xưa nghĩa cũ", thẳng thắn chỉ trích vị nhiếp ảnh gia thân thiết.