Ở tuổi ngoài 80, vua voi Ama Kông vẫn cưới vợ trẻ 25 tuổi, người đời đồn đại rằng nhờ sử dụng bài thuốc gia truyền "tráng dương, bổ thận".
Một ngày đầu xuân, con đường nhựa dẫn khu du lịch buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - quê hương vua voi Ama Kông được quét dọn sạch sẽ. Trong các hàng quán bán đồ lưu niệm, ăn uống... thưa thớt du khách lui tới. Ở cuối đường, căn nhà sàn bằng gỗ trên 100 tuổi cổng đóng im ỉm, vắng hoe.
Ngôi nhà sàn bằng gỗ nép mình bên dòng Sêrêpôk là nơi vua voi từng sống những ngày cuối đời, với kiến trúc độc đáo kết hợp giữa văn hóa truyền thống dân tộc Lào và người M\'nông bản địa. Nơi đây hiện trưng bày những dụng cụ săn voi của dũng sĩ săn voi Tây Nguyên, bày bán thuốc gia truyền Ama Kông.
Căn nhà Ama Kông sống những ngày cuối đời ở buôn Trí A. Ảnh: Trần Hóa. |
Cách đó khoảng 10 m, bà H\'hốt Knul, 85 tuổi, người vợ thứ hai của Ama Kông đang phụ giúp con gái chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Hỏi về người chồng "bạc tình, bạc nghĩa", bà H\'nốt bảo không nhớ bối cảnh thời đó, chỉ biết rằng sau khi vợ đầu của ông Ama Kông mất do chứng hậu sản, theo tục nối dây, em gái của H\'nốt là H\'hốt (lúc đó 19 tuổi) thay chị làm vợ ông. Người vợ trẻ này kém Ama Kông 15 tuổi. Sau hơn 30 năm chung sống, bà H\'hốt sinh được 11 người con.
Khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, cánh rừng ở Tây Nguyên dần bị thu hẹp, voi rừng ngày càng khan hiếm. Lúc này cuộc sống gia đình bà đâm ra khốn khó. Để nuôi đàn con thơ dại, hàng ngày Ama Kông phải ra sông sêrêpôk đánh bắt cá và thỉnh thoảng theo vợ vào rừng tìm củ sắn cải thiện bữa ăn.
Nhận thấy tương lai nghề săn voi sẽ lụi tàn, ông Ama Kông nhớ lại bài thuốc do bố truyền lại trong thời gian ngang dọc khắp cánh rừng Đông Dương. Rảnh rỗi, ông bốc thuốc gia tộc mình cho người trong buôn để kiếm thêm thu nhập. Trong thời gian ngắn, bài thuốc quý của ông được nhiều người biết đến, khách hàng ở miền xuôi tìm đến Buôn Đôn lùng sục tìm mua uống và làm quà.
Khi kinh tế gia đình khấm khá, năm 1973, ông Ama Kông bất ngờ sắm sửa lễ vật trâu, lợn để rước bà vợ thứ ba tên H\'biai về làm vợ. Nổi cơn ghen, bà H\'hốt không chịu đựng nổi nỗi nhục đòi uống thuốc tự tử.
Sau khi được gia đình hai bên phân giải, bà H\'nốt quyết định ly hôn. Theo luật tục của người M\'nông, khi người chồng muốn bỏ vợ và ngược lại, ngoài việc phải nộp phạt cho làng, anh ta phải để lại toàn bộ của cải cho vợ nuôi con. Nên khi quyết định lấy người vợ thứ ba, Ama Kông bước ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Ông chuyển sang ở hẳn bên nhà người vợ mới sống.
Những tưởng cuộc hôn nhân này sẽ mang đến hạnh phúc cho ông, nào ngờ bà H\'biai bị nghiện rượu và chết vì trúng gió. Bà H\'hốt bây giờ không nhớ người vợ ba chết năm nào, chỉ biết rằng bà này chết trong một cơn say, sau hơn 10 năm làm vợ Ama Kông.
Do bản tính đa tình, năm 1990, vua săn Ama Kông khi ấy đã ngoài 80 tuổi, vẫn lấy cô gái 25 tuổi tên H\'khăm Êban làm vợ. Đám cưới không giết trâu, giết bò, lúc đó chỉ làm con gà. Lễ buộc dây buộc chân không có vòng vàng, vòng bạc, họ chỉ lấy dây rừng làm tượng trưng. Ông làm căn nhà sàn ba gian ở buôn Trí A, đưa người vợ trẻ về chung sống.
Bà H\'hốt - người vợ hai của vua voi Ama Kông. Ảnh: Trần Hóa. |
Cuộc hôn nhân cuối cùng của vua voi trắng cũng không được trọn vẹn, người vợ trẻ cũng chết sớm do bệnh tật. Cuối năm 2012, ông Ama Kông qua đời ở tuổi 103. Ông có tất cả 21 người con, trên 120 cháu, chắt. Vua săn voi được dân làng chôn cất ở nghĩa địa buôn Trí A.
"Xưa tôi giận ông ấy lắm, nhưng bây giờ thì hết rồi", bà H\'hốt nói và mô tả ông Ama Kông thời trai trẻ đẹp trai, cao lớn, vạm vỡ, sống phóng khoáng... và đào hoa. Ông còn là người biết thổi tù và, chơi giỏi nhiều nhạc cụ khiến nhiều sơn nữ mê mẩn.
Từ ngày Ama Kông rước bà tư về làm vợ, dân làng buôn Trí A đồn đại rằng, nhờ sử dụng bài thuốc gia truyền có tác dụng bổ thận, tráng dương. "Bài thuốc của gia tộc có 5 vị, ngoài ông ra, không ai có thể bào chế thành công", ông Khăm Phết Lào, ở buôn Ako Tam, TP Buôn Ma Thuột, người con thứ 11 của vua voi Ama Kông, cho biết.
Các vị thuốc quý được lấy dưới tán rừng già, cần thu hoạch theo từng tháng nhất để phát huy hết giá trị của nó. Chỉ cần bất cẩn thu hái quá sớm hoặc cẩu thả trong quá trình báo chế, thuốc sẽ vô giá trị. Nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng", ông Khăm Phết Lào nói.
Hiện nay thương hiệu thuốc Ama Kông bị làm giả nhan nhản khắp nơi, ông Khăm Phết Lào quyết không mở đại lý, nhà phân phối thuốc mà chỉ bày bán thuốc tại nhà.
Cỏ mọc um tùm quanh mộ vua voi Ama Kông oai hùng một thời. Ảnh: Trần Hóa. |
Thuốc quý trong khi nhu cầu quá lớn nên nhiều người đã sử dụng các loại cây thuốc không rõ nguồn gốc để làm giả thương hiệu thuốc Ama Kông. Ngay giữa trung tâm TP Buôn Ma Thuột và ở Buôn Đôn trong 4 tháng đầu năm 2018, Công an Đăk Lăk đã thu giữ hơn 5 tấn thuốc, dược liệu nghi làm Ama Kông giả mạo.
Ông Khăm Phết Lào kể, bài thuốc bắt nguồn từ ông nội mình là Y Thu Knul, sinh năm 1820, săn và thuần dưỡng khoảng 400 con voi, được vua Thái Lan phong tặng danh hiệu Khunjunop - vua săn voi.
Trong quá trình đi săn voi, ông thấy loài vật này rất thông minh, ngoài ăn thức ăn hàng ngày, thỉnh thoảng chúng tìm những cây thuốc trong rừng già để ăn và tự chữa vết thương cho mình. "Những nơi đàn voi sinh sống chắc chắn có rất nhiều cây thuốc quý, ông nội tôi chỉ là người \'học hỏi\' bài thuốc của đàn voi thôi", ông Phết cho biết.
>> Xem: Giai thoại vua săn voi Ama Kông
Trần Hóa