Khi cấp thẻ căn cước, cơ quan chức năng sẽ không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
- Bộ Công an đề xuất mẫu căn cước sẽ cấp từ 1/7/2024
- Những thắc mắc về CCCD sau khi Luật Căn cước có hiệu lực
Cấp thẻ căn cước cho người trên 14 tuổi
Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước (Luật số 26) được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Trong đó, quy định trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước tại Điều 23.
Việc cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên gồm các bước sau:
Thứ nhất, cán bộ chức năng kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ hệ thống các cơ sở dữ liệu để; trường hợp chưa có thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu thì phải cập nhật, điều chỉnh thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người dân làm thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước của công an các cấp.
Thứ hai, người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.
Thứ ba, người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.
Thứ tư, người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước.
Thứ năm, trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác, cơ quan chức năng trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Thủ tục cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi
Đối với người dưới 14 tuổi, Luật Căn cước nêu rõ, công dân hoặc người đại diện hợp pháp của họ được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ như sau:
Người đại diện hợp pháp làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng VNeID. Người dưới 6 tuổi chưa khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23.
Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục .
Nếu từ chối cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước ở đâu?
Cũng theo quy định của Luật Căn cước, người dân làm thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.
Căn cước gắn chíp đang lưu hành vẫn được sử dụng đến khi hết hạn ghi trên thẻ.
Bên cạnh đó, thẻ căn cước được làm tại cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân...
Đối với người già yếu, bệnh tật, ốm đau, khuyết tật mà không thể đi lại, cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện (phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực) thì sẽ tổ chức cấp thẻ căn cước tại chỗ ở của công dân.
Trường hợp giấy tờ, tài liệu do người dân cung cấp không thể hiện rõ địa danh hành chính, cơ quan quản lý căn cước yêu cầu người dân cung cấp thông tin và có văn bản cam kết đối với các thông tin đã cung cấp.
Khi đó, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý hộ tịch kiểm tra, xác minh trước khi cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm tính chính xác, thống nhất.