Ba năm làm bác sĩ chăm sóc y tế và thể lực cầu thủ tuyển bóng rổ Hà Nội, Anh Tuấn ví công việc như một anh nuôi.
Hè năm 2016, Nguyễn Ngọc Anh Tuấn 35 tuổi, là người chịu trách nhiệm về y tế và thể lực cho đội bóng rổ Hà Nội tham gia giải vô địch Quốc gia bóng rổ tổ chức tại Nha Trang. Khi đó anh đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành Y học Thể thao, Đại học Thể thao Bắc Kinh, Trung Quốc, kiêm giảng viên tại Đại học thể thao Bắc Ninh.
"Đó là lần đầu tiên mình đi cùng một đội bóng và cũng là lần đầu tiên đội bóng rổ có một ‘bác sĩ thể thao’, nên trách nhiệm rất nặng nề", Tuấn cười nhớ lại.
Đội bóng chuyên nghiệp ở nước ngoài có 8-10 nhân viên chuyên trách về sức khỏe đội tuyển, mỗi người phụ trách một mảng. Việt Nam chưa có đủ điều kiện, một mình Tuấn phải lo hết các khâu chăm sóc cầu thủ.
Hàng ngày anh có nhiệm vụ lập chế độ dinh dưỡng cho các vận động viên với thực đơn cụ thể ăn món gì, hàm lượng bao nhiêu, ăn như thế nào... Mục tiêu là cân bằng hàm lượng trong bữa ăn được tốt nhất.
"Một vận động viên phải ăn gấp đôi người bình thường, 4-5 bữa một ngày, tùy thuộc vào lịch tập và thi đấu", Tuấn chia sẻ.
"Bác sĩ thể thao" Nguyễn Ngọc Anh Tuấn. (Ảnh: NVCC)
Trong 10 ngày thi đấu tại Nha Trang, thời điểm ăn của các vận động viên liên tục thay đổi do lịch thi mỗi ngày khác nhau. "Thông thường vận động viên ăn một bữa chính trước khi thi đấu 3 giờ, hai giờ sau ăn tiếp bữa nhẹ nhàng. Đấu xong lại ăn bữa nữa, trước khi đi ngủ ăn tiếp", Tuấn kể. "Gần như mình giống anh nuôi của toàn bộ vận động viên".
Ngoài dinh dưỡng, Anh Tuấn phụ trách huấn luyện cho các vận động viên bài tập khởi động một giờ trước khi thi. "Vận động viên bình thường không có vấn đề về sức khỏe sẽ khởi động chung với nhau. Trong đội thỉnh thoảng có một vài cầu thủ bị chấn thương đau chân, đau tay phải có những bài tập khởi động riêng", anh nói.
Thi đấu xong, Tuấn tiếp tục hướng dẫn các vận động viên bài tập thả lỏng chừng 30 phút, giúp hồi phục tốt hơn và giảm nguy cơ chấn thương trong quá trình thi đấu tiếp theo.
"Thực tế các vận động viên chưa hiểu biết nhiều về cơ thể nên không giữ gìn chăm sóc tốt, đó là nguyên nhân tuổi nghề vận động viên thường rất ngắn. Bác sĩ đội tuyển phải vừa luyện tập vừa giáo dục cho các cầu thủ, để họ có thể tự làm cho nhau như một thói quen", Anh Tuấn chia sẻ.
Trước mỗi trận thi đấu, bác sĩ băng bó cho những vận động viên bị chấn thương, cần phòng ngừa hoặc giảm đau. Trong trận đấu thường kéo dài 2 giờ, khi vận động viên xảy ra va chạm, ngã trên sân, bác sĩ là người chạy vào sân đầu tiên. Anh đánh giá rất nhanh chấn thương, nếu cầu thủ có thể thi đấu tiếp sẽ xử lý ngay tại chỗ. Vết thương đơn giản như rách tay chân, bác sĩ băng bó lại để cầu thủ tiếp tục thi đấu. Chấn thương nặng vận động viên phải nghỉ để điều trị.
"Quyết định của bác sĩ trên sân rất quan trọng. Nếu đánh giá sai tình trạng chấn thương, vận động viên có nguy cơ tổn thương nặng hơn",Tuấn nói.
Sau trận đấu, nhiệm vụ của bác sĩ đội tuyển là xử lý vết thương cho cầu thủ như chườm đá, massage, tập thả lỏng cơ bắp...
Đội bóng rổ Hà Nội năm 2016 giành huy chương bạc. Từ đó anh Tuấn gắn bó với công việc làm một "bác sĩ thể thao".
Anh Tuấn xử lý chấn thương ngay tại chỗ cho vận động viên.
Nguyễn Ngọc Anh Tuấn tốt nghiệp trường Đại học Thể thao Bắc Kinh năm 2012. Công việc của Tuấn ở đội bóng được gọi là Athletic trainer, người có trình độ về y tế, chăm sóc sức khỏe và làm việc trong lĩnh vực thể thao, gọi là Y học thể thao.
Tại Việt Nam, ngành này còn khá mới mẻ, chưa có tên gọi chính thức. Do vậy, mọi người thường gọi nghề của Tuấn là "Bác sĩ thể thao". Công việc này cơ bản khá giống việc của các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu ở bệnh viện. Khác biệt là anh phải hiểu sâu về thể thao và tập luyện, giúp vận động viên có thể tiếp tục chơi thể thao sau chấn thương.
"Ở bệnh viện, bệnh nhân có bệnh mới đến gặp bác sĩ, còn trong thể thao bác sĩ giúp vận động viên khỏe mạnh và có thể chơi tốt hơn bằng cách nâng cao thể trạng", Tuấn chia sẻ.
"Ở Việt Nam tìm một bác sĩ đi theo một đội bóng rất khó, vì bác sĩ rất bận gần như không có thời gian làm việc khác".
Anh Tuấn hướng dẫn cách giảm/tránh chấn thương gối khi chơi thể thao.
Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho vận động viên, Tuấn còn là cầu nối trung gian giữa đội tuyển và bệnh viện. Khi cầu thủ bị chấn thương nặng, Tuấn sẽ ủy thác cho bệnh viện điều trị nhưng vẫn phải theo dõi. Cầu thủ xuất viện, anh chính là người chịu trách nhiệm chăm sóc tiếp tục để hồi phục nhanh nhất, vận động viên có thể vào sân sớm nhất và an toàn nhất.
Đến nay, Anh Tuấn có ba năm làm việc với đội tuyển Bóng rổ Hà Nội và ba mùa giải cùng CLB Hanoi Buffaloes trong vai trò bác sĩ chăm sóc y tế và thể lực.
Bản chất công việc của Tuấn là bằng mọi cách giảm thiểu chấn thương cho cầu thủ. "Nhưng vào trận mình hy vọng không phải làm gì cả, bởi nếu không có ai chấn thương chứng tỏ các công tác chuẩn bị đã thành công", anh cười nói.
Vì tình yêu với công việc này, chàng trai Hà Nội Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cùng các cộng sự mở ra Học Viện Giáo dục - Thể thao ASA với kỳ vọng vừa dạy thể thao vừa chăm sóc về thể chất cho các em nhỏ. "Các phụ huynh có thể cải thiện hiểu biết cho bản thân cũng như con em mình, để thế hệ người trẻ chơi thể thao có ý thức tốt hơn giữ gìn thể chất ngay từ nhỏ".
Hội bạn gái cầu thủ ‘đi bão’ chúc mừng chiến thắng của tuyển Việt Nam Bạn gái hậu vệ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Huy Hùng đã đăng lời chúc mừng và "đi bão" chung vui cùng người hâm mộ ... |
Nỗ lực tột cùng của cầu thủ Việt Nam trước Philippines Các học trò của HLV Park Hang-seo đã có một trận đấu quả cảm trước lối đá rắn của đối thủ. |
AFF CUP 2018: Danh thủ Hồng Sơn: "Quang Hải là cầu thủ hay nhất" Chia sẻ sau trận bán kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines, danh thủ Hồng Sơn nhận định Nguyễn Quang Hải là ... |
Gia đình nhiều cầu thủ đến sân Mỹ Đình "tiếp lửa" cho tuyển Việt Nam Người thân các cầu thủ hy vọng toàn đội quyết tâm giành chiến thắng trước Philippines trên sân nhà, không để trận đấu kéo dài ... |