Tác giả Bert van Manen có bài chuyên sâu trên trang Kozoom về sự vươn lên của Hàn Quốc và Việt Nam ở billiards.
Mỗi khi xem billiards 3 băng, một nửa số trận tôi không quan tâm ai sẽ thắng. Nửa còn lại, tôi dành để cổ vũ một cơ thủ nhất định. Lý do có thể là bởi cơ thủ đó liên tục gặp xui xẻo, còn đối thủ lại may mắn hơn so với khả năng. Tôi cũng ủng hộ cho cơ thủ cư xử lịch thiệp hơn đối phương trên bàn đấu. Cũng có khi cơ thủ nằm trong nhóm đầu thế giới là bạn bè của tôi. Khi đó, tôi chẳng có lý do gì để không cổ vũ họ.
Nhưng có một yếu tố chưa bao giờ ảnh hưởng đến sự cổ vũ của tôi, đó là quốc tịch của cơ thủ. Không biết mọi người thì sao, còn tôi không quan tâm đến quê hương của người chơi. Tôi thích người Latvia ngang với người Haiti hay Xứ Wales. Và nếu có một tài năng billiards nào đó trỗi dậy ở Tajikistan, tôi cũng chúc họ may mắn.
Chức vô địch Cup Thế giới của Quyết Chiến sẽ là cảm hứng cho những đứa trẻ Việt Nam mê billiards. Ảnh: Đông Huyền. |
Tôi cũng không nghĩ người ta có thể nói cơ thủ đến từ một đất nước sẽ có lối chơi tương đồng. Không phải người Hàn Quốc nào cũng có kỹ thuật tốt. Không phải người Thổ Nhĩ Kì nào cũng có lối đánh giàu trí tưởng tượng. Cũng không phải người Đức nào cũng có bản lĩnh của một nhà vô địch. Sự thật là mọi cơ thủ đều có sự pha trộn giữa tài nghệ và khiếm khuyết riêng, và hộ chiếu của họ không có gì liên quan.
Cuối tuần trước, ba cơ thủ Việt Nam vào đến bán kết Cup Thế giới, và một trong số đó đã vô địch. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ, ngay cả khi không quan tâm đến quốc tịch của cơ thủ. Rõ ràng, thế giới bi màu nhỏ bé của chúng ta đang có sự xoay trục sang phía Đông.
Dĩ nhiên giới cơ thủ vẫn còn nửa tá cây đại thụ (Torbjorn Blomdahl, Frederic Caudron, Dick Jaspers, Eddy Merckx, Dani Sanchez và Marco Zanetti). Họ vẫn là những tay cơ hàng đầu thế giới, nhưng đã gần bước sang tuổi 50 hay 60. Có khoảng 30 hay 40 cơ thủ Hàn Quốc và Việt Nam đang phả hơi nóng vào gáy nhóm đầu, mà họ mới chỉ ở độ tuổi 20 hay 30.
Số đại diện của quốc gia dự vòng đấu chính Cup Thế giới. |
Để làm rõ sự hiếu kỳ của bản thân, cũng như để bạn đọc hiểu rõ hơn sự chuyển dịch của làng billiards, tôi thống kê bảng trên. Đó là top 12 quốc gia có nhiều cơ thủ vào vòng đấu chính của Cup Thế giới. Để trực quan hơn, tôi chia lịch sử 172 lần Cup Thế giới được tổ chức, theo ba giai đoạn, mỗi kỳ 11 năm.
Con số đứng sau tên quốc gia là cơ thủ vào vòng đấu chính, không tính vòng loại. Có ba cách để họ vào vòng chính: Được xếp hạt giống, vượt qua những vòng loại và vé đặc cách.
Thụy Điển và Italy rõ ràng không nằm trong nhóm quốc gia mạnh nhất về Carom 3 băng, trong cả ba giai đoạn. Bởi 85% đại diện của Thụy Điển ở Cup Thế giới là Blomdahl, với Italy thì 98% là Zanetti.
Quá nửa trong số 61 điểm của Ai Cập là vé đặc cách cho cơ thủ chủ nhà ở hai chặng diễn ra tại thành phố Hurghada và Luxor. Nhưng chúng ta không nên nói rằng Ai Cập đã nhận vé dễ dàng, bởi họ đã tổ chức 18 chặng Cup Thế giới trong 13 năm qua.
Nhận xét từ cột một đến cột hai.
Thổ Nhĩ Kì đạt tăng trưởng thần kỳ, từ 62 điểm lên 180 điểm. Đó là bởi Semih Sayginer nổi lên từ giai đoạn 1993-1994. Những gì ông làm được với billiards Thổ Nhĩ Kì cũng giống như Bjorn Borg làm với quần vợt Thụy Điển.
Pháp bị xóa sổ khỏi bản đồ billiards toàn cầu. Từ một quốc gia ở giữa bảng ở giai đoạn đầu, họ đã biến mất hoàn toàn từ thời kỳ 1997-2007. Hy vọng nhóm cơ thủ Jerome Barbeillon, Cedric Melnytschenko, Maxime Panaia và Adrien Tachoire có thể khôi phục nền billiards nước này.
Hy Lạp cũng vươn lên như một quốc gia nổi bật với làng Carom 3 băng. (Ước gì tên của các cơ thủ nước này chỉ ngắn gọn kiểu Papa, Kasi hay Poly. Điều đó sẽ giúp cuộc sống của tôi đơn giản hơn).
Nhận xét từ cột hai đến cột ba.
Bước nhảy vọt của Hàn Quốc thật đáng ngưỡng mộ. Từ 63 lên 362 đại diện Cup Thế giới. Không quốc gia nào có sự vượt trội như thế trong lịch sử Cup Thế giới.
Việt Nam là tân binh xuất hiện với ấn tượng đặc biệt. Trở lại với “hiệu ứng Bjorn Borg”, đã có hàng chục nghìn đứa trẻ Việt Nam thấy Trần Quyết Chiến nhận thưởng 19.200 đôla trong tuần qua. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người dân TP HCM chỉ khoảng 178 đôla. Đó là niềm cảm hứng, tương tự những tài năng quyền Anh từ Cuba, hay chân chạy đường dài của Ethiopia. Billiards có thể là cơ hội đổi đời của họ.
Hà Lan đương đầu với khủng hoảng. Từng giữ nhì bảng ở hai giai đoạn đầu, nhưng đất nước này sẽ không tồn tại trong top 12, nếu không tính Jaspers.
Sự gia tăng của số chặng Cup Thế giới cũng dễ hiểu, bởi năm 2002 không có Cup Thế giới, còn năm 2003 chỉ có một chặng. Trong khi những năm gần đây, số chặng đã tăng từ bốn lên sáu, bảy chặng mỗi năm.
Tương lai: Bảng thống kê của tôi sẽ ra sao, nếu sau này tôi thêm vào giai đoạn 2018-2019 nhỉ? Tôi nghĩ sẽ có thêm hai hoặc ba quốc gia châu Âu bị loại khỏi top 12. Colombia sẽ xuất hiện ở vị trí thứ bảy, đứng ngay trên Trung Quốc. Dẫn đầu vẫn sẽ là Hàn Quốc. Việt Nam lên thứ hai, Thổ Nhĩ Kì thứ ba, Bỉ thứ tư. Biết đâu đấy, ngấp nghé ở vị trí 13 lại chính là Tajikistan.
Bert van Manen là cây viết thâm niên của Kozoom – trang thông tin hàng đầu thế giới về môn Billiards. Theo luật Carom 3 băng, cơ thủ phải đánh bi cái (trắng hoặc vàng) chạm ít nhất ba lần với một hoặc nhiều băng, trước khi chạm bi mục tiêu thứ hai. |
Xuân Bình (dịch)
Những chiêu thức kinh doanh “thức thời” hái ra tiền trong mùa World Cup Trong khi Việt Nam vẫn chưa có bản quyền phát sóng World Cup 2018 thì trên thị trường, nhiều ngành hàng đã bắt đầu sôi ... |
Sao U20 Việt Nam lập poker, đưa Bình Dương lên nhì bảng V.League Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh của Bình Dương có màn trở lại đầy ấn tượng sau chấn thương khi ghi 4 bàn trong chiến thắng ... |