Giá vé máy bay thời gian này khá cao, nhiều người lo dịp Tết khó mua nên tranh thủ đặt sớm. Ngành đường sắt và vận tải khách đường bộ đã sẵn sàng các phương án "chia lửa".

Hàng không tung 5,5 triệu ghế bay nội địa

Năm nào cũng vậy, cứ cách Tết một vài tháng là chị Thu Vân (quận 3, TP.HCM) đã nghiên cứu mua vé máy bay về Bắc cho cả nhà.

"Nhà tôi chuyển vào TP.HCM nhưng họ hàng vẫn ở ngoài Bắc nên năm nào cả gia đình vẫn ra ngoài đó ăn Tết. Nhiều người nói năm nay vé máy bay đắt hơn năm ngoái, tôi cũng sốt ruột nên có lướt qua vài trang bán vé trực tuyến.

Sáng chủ nhật vừa rồi, giá mở bán chặng TP.HCM - Hà Nội của hầu hết các hãng đều dao động trong khoảng từ 6,5-7 triệu đồng/vé khứ hồi. Mức giá này khá cao so với ngày thường. Tuy nhiên, sợ càng để lâu càng đắt nên tôi đành bấm bụng mua luôn", chị Vân nói.

12
Hành khách làm thủ tục tại nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tạ Hải

Tương tự, chị Thùy Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nào cũng canh vé rẻ nhưng canh mãi tôi cũng "thấm" là đừng mong vé rẻ dịp Tết. Đắt rẻ gì cũng mua, cứ mua từ sớm cho yên tâm".

Chị Nguyễn Thị Tam - nhân viên một đại lý vé máy bay lâu năm cho hay, đặc thù của cao điểm Tết là "lệch đầu". Trước Tết, nhu cầu bay từ TP.HCM ra Hà Nội rất lớn, chuyến bay nào cũng kín chỗ. Ở chiều ngược lại có nhu cầu rất thấp. Ra Tết thì lại ngược lại.

Cũng từ đây, giá vé máy bay theo chiều Nam - Bắc ngày giáp Tết và Bắc - Nam ngày sau Tết sẽ tăng rất cao. Chọn mua vé trên những chuyến bay lệch đầu (chiều từ Bắc vào Nam ngày giáp Tết và Nam ra Bắc những ngày sau Tết) thì kiểu gì cũng mua được vé rẻ.

"Nếu không thể bay lệch đầu, chấp nhận bay vào những ngày cao điểm do thời gian nghỉ Tết hạn hẹp, hành khách nên nhanh chóng xác định thời điểm cần mua vé máy bay để chủ động đặt vé càng sớm càng tốt. Sẽ không thể nào có vé rẻ vào dịp Tết", chị Tam khuyến cáo.

Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn, năm nay các hãng mở bán vé Tết từ khá sớm.

Giai đoạn cao điểm tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 25/1/2024 đến ngày 24/2/2024, tức ngày 15 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch), các hãng bay dự kiến cung ứng 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% so với dịp Tết năm trước. Trên mạng bay quốc tế, các hãng dự kiến cung ứng 2,1 triệu ghế, tăng 36,8% so với thời điểm Tết năm trước.

13
Hành khách lên máy bay tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Tạ Hải

Được biết, năm nay, Vietnam Airlines mở bán vé máy bay Tết khá sớm, từ trung tuần tháng 9. Hãng mở bán 3 triệu vé cho ngày bay từ 25/1 đến 24/2/2024, trong đó có 2 triệu vé nội địa (10.300 chuyến bay).

Tương tự, Vietjet cũng cung cấp khoảng 2,5 triệu ghế mạng bay nội địa. Con số này của Bamboo Airways, Vietravel Airlines dao động trong khoảng từ 700 nghìn đến 1 triệu chỗ trên toàn mạng bay.

Vé tàu hỏa nhiều chặng đã kín chỗ

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để thu hút khách đi tàu, đường sắt đẩy mạnh chạy tàu khách các cung chặng ngắn như Hà Nội đi Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng và ngược lại, Sài Gòn đi Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng và ngược lại…

Điểm mới là tuy chất lượng, các dịch vụ được đổi mới nhưng giá vé tàu không tăng nhiều, từ 5-20% so với thấp điểm và chủ yếu tăng vào ngày cao điểm, cung chặng "hot", giờ tàu "hot", nhưng ngược lại giảm mạnh vào chiều rỗng, thời gian chạy tàu không cao điểm.

Riêng vận tải Tết, ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đường sắt cung ứng khoảng 390 chuyến với hơn 200.000 chỗ gồm các tàu chiều TP.HCM đi Hà Nội giai đoạn 10 ngày trước Tết và chiều Hà Nội đi TP.HCM giai đoạn 15 ngày sau Tết.

Giá vé tuyến Sài Gòn - Hà Nội cao nhất khoảng 2.950.000 đồng/vé và thấp nhất là 1.950.000 đồng/vé.

Trong giai đoạn chạy tàu Tết, đường sắt vẫn áp dụng các chính sách giảm giá vé tùy theo ngày đi tàu, ga xuất phát, loại chỗ, số lượng khách tập thể...

Thời gian thấp điểm chiều từ Hà Nội đi TP.HCM trước Tết, chiều TP.HCM đi Hà Nội sau Tết, áp dụng khuyến mãi giảm từ 5-30% giá vé cho hành khách mua vé xa ngày, mua tập thể, khứ hồi.

Giá vé tương đối ổn định và linh hoạt đã thu hút được đông khách mua vé tàu Tết. Mở bán chính thức từ 20/10, đến nay sau gần một tháng, đường sắt đã bán thành công được khoảng 74.000 vé, nhiều chặng cao điểm gần như đã kín chỗ.

Giai đoạn trước Tết, vé còn nhiều từ ngày 2/2/2024 (tức từ 23 tháng Chạp Âm lịch) trở về trước và từ ngày 7-9/2 (tức từ ngày 28-30 tháng Chạp Âm lịch). Từ ngày 3-6/2 (tức từ ngày 24-27 tháng Chạp Âm lịch) còn chủ yếu ghế phụ và các vé từ TP.HCM đi Phan Thiết, Nha Trang. Giai đoạn sau Tết, còn vé tất cả các chặng.

Đường bộ sẵn sàng "chia lửa"

Cũng như đường sắt, vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ cũng đã sẵn sàng cho mùa cao điểm. Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, đến thời điểm này, nhiều hãng xe đã có kế hoạch tăng cường phương tiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân về thăm thân, du lịch.

Đại diện nhà xe Vân Anh (chuyên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa) cho biết, trên app và website đặt vé online của hãng đã bắt đầu nhận được lịch đặt của hành khách. Do đó, từ tuần trước, đơn vị đã lên phương án tăng 30% tần suất hoạt động. Giá vé dự kiến không tăng, vẫn giữ mức 250.000 đồng/vé.

14
Hành khách lên xe tại bến xe Giáp Bát - Hà Nội. Ảnh Tạ Hải

Tương tự, ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc chi nhánh Công ty liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân cho biết, dự kiến dịp nghỉ Tết, đơn vị sẽ tăng tần suất hoạt động các chuyến từ 30-40%.

Trong đó, đối với tuyến Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên dù số phương tiện dự phòng lớn song lại gặp khó trong việc tuyển tài xế có kinh nghiệm đi đường đèo núi nên chỉ đáp ứng được tần suất tăng tối đa 30%, từ 30 lượt xe mỗi ngày lên 40 lượt. Đến nay, đã có 50% khách đặt vé online.

Với tuyến TP.HCM đi Vũng Tàu, tần suất tăng khoảng 40%, từ 150 lên 200 lượt xe. Giá vé không tăng, ở mức 190-250.000 đồng/vé.

Về giá vé, các doanh nghiệp cho biết, dù nhu cầu dịp Tết tăng cao song không vì thế mà tăng giá vé hay nhồi nhét hành khách.

Riêng tại TP.HCM, các hãng xe hiện chưa bán vé Tết, chỉ nhà xe Phương Trang mới cho hành khách đặt chỗ online. Theo đó, từ 9h sáng 17/11 Công ty Phương Trang đã chính thức mở đăng ký giữ chỗ online vé tết Giáp Thìn 2024 trên ứng dụng app FUTA. Việc đặt giữ chỗ này không áp dụng qua kênh tổng đài điện thoại và website của công ty.

Tại bến xe Miền Đông mới, lãnh đạo bến xe cho biết chưa nhà xe nào có kế hoạch phục vụ Tết 2024 bởi thời gian còn khá dài, ít nhất phải đầu tháng 12 các nhà xe mới có kế hoạch cụ thể. Do đó, cũng chưa rõ giá vé năm nay so với năm ngoái ra sao.

Đối với tuyến TP.HCM - Đà Lạt năm nay do nhà xe Thành Bưởi đã ngưng hoạt động, trường hợp khách tăng cao, sở sẽ điều động thêm phương tiện, đảm bảo người dân không thiếu xe về quê đón Tết.

Tại khu vực Đà Nẵng, với dự báo tình hình kinh tế khó khăn, giá vé máy bay, tàu có xu hướng tăng dịp cao điểm, nhiều hành khách đang chuyển sang lựa chọn ô tô trên hành trình di chuyển về quê.

Lãnh đạo Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho hay, hiện nay còn khá sớm để xây dựng kế hoạch phục vụ Tết. Tuy nhiên, như mọi năm, bến xe yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải sẵn sàng các phương án phục vụ, sẵn sàng "chia lửa" với hàng không, đường sắt.

Ông Đoàn Kim Tuấn, Đội trưởng Đội Khách vận - Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng (Công ty CP Đường sắt Sài Gòn) cho hay, công ty mở bán vé tàu Tết từ 20/10 vừa qua. Hiện tại, lượng vé mới bán ra được khoảng 50%, nhưng lượng vé các ngày cao điểm gần như đã hết.

Theo ông Tuấn, giá vé tàu Tết năm nay tăng khoảng 1-4% so với cùng kỳ năm 2022. Khảo sát chặng TP.HCM - Đà Nẵng vào các ngày cao điểm, giá vé ghế ngồi khoảng 2,2 triệu đồng/ghế, giường nằm khoảng 2,6 triệu đồng/giường.

Theo khảo sát, hiện nay giá vé xe khách của nhà xe Phương Trang chặng bến xe Miền Đông mới (TP.HCM) - Bến xe trung tâm Đà Nẵng được công bố là 400.000 đồng. Dịp Tết, các nhà xe tăng giá vé 40-60%, nên vé xe chặng này cao nhất trong dịp Tết là 640.000 đồng/giường nằm.

Theo Báo Giao thông