Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Brasilia hôm 9/1 (giờ Việt Nam) sau khi nhóm người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro xông vào chiếm giữ các tòa nhà chính phủ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ quan biểu tượng của quyền lực nhà nước Brazil.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Brasilia, nhấn mạnh "đó là sắc lệnh liên bang can thiệp vào thủ đô nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trật tự công cộng quy mô lớn, có hiệu lực tới ngày 31/1".

Bất ổn hiện diện trong lòng Brazil -0
Các đối tượng quá khích xông vào trụ sở Quốc hội, Tòa án Tối cao và Dinh Tổng thống Brazil. Ảnh: Reuters.

Trước đó, trong ngày 8/1 (giờ địa phương), các đối tượng ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro đã xông vào trụ sở Quốc hội, Tòa án Tối cao và Dinh Tổng thống, gây ra những cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có tại những cơ quan quyền lực nhất của Brazil. Truyền thông Brazil ước tính, có tới gần 5.000 người đã tham gia các cuộc bạo loạn, với hàng trăm người mặc trang phục màu vàng và xanh lá cây tràn lên các bậc thang của tòa nhà Quốc hội ở thủ đô.

Các vụ việc trên xảy ra khoảng một tuần sau lễ nhậm chức của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người trở lại nắm quyền sau 12 năm gián đoạn sau khi ông đánh bại cựu Tổng thống Bolsonaro trong cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 30/10/2022. Những người ủng hộ ông Bolsonaro - người đã rời Brazil trước lễ nhậm chức của Tổng thống đương nhiệm và hiện đang ở Mỹ - đã cắm trại ở thủ đô Brasilia kể từ đó. Nhóm người biểu tình đề nghị giới chức “xem xét lại cuộc bầu cử gian lận”, đồng thời yêu cầu ông Lula da Silva từ chức.

Ngay khi cuộc biểu tình xảy ra, tân Tổng thống Lula, lúc này đang ở thành phố Araraquara thị sát các vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt, đã lập tức trở về thủ đô và đến các tòa nhà của chính phủ giám sát nỗ lực xử lý bạo loạn. Tổng thống Lula da Silva cũng tuyên bố can thiệp an ninh liên bang tại Brasilia và nhấn mạnh rằng tất cả những đối tượng gây bạo loạn sẽ bị phát hiện và trừng phạt theo quy định của pháp luật, đồng thời cam kết sẽ loại trừ tận gốc các thế lực “bơm tiền” cho những đối tượng này. Không chỉ vậy, ông Lula da Silva đã quy trách nhiệm cho ông Bolsonaro về vụ việc đồng thời chỉ trích về tình trạng thiếu an ninh ở thủ đô của quốc gia Nam Mỹ này, dẫn đến tình trạng “những phần tử phát xít” và “cuồng tín” tàn phá Brasilia.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Jair Bolsonaro cũng lên án hành động phá hoại và xâm nhập các tòa nhà chính phủ đồng thời khẳng định không kích động biểu tình bạo lực mà ủng hộ biểu tình trong hòa bình. Tính đến sáng 9/1, lực lượng an ninh và cảnh sát liên bang Brazil đã giải tán các nhóm biểu tình bạo lực và lập lại trật tự tại thủ đô. Lực lượng chức năng đã điều động máy bay trực thăng và xe bọc thép của cảnh sát liên bang và quân đội, sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông quá khích. Cơ quan chức năng Brazil cho biết ít nhất 300 đối tượng đã bị bắt giữ và không loại trừ khả năng con số này sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới khi cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra.

Cuộc biểu tình dẫn đến bạo loạn tại Brazil không chỉ “tạo sóng” trong lòng Brazil mà còn làm rung chuyển dư luận quốc tế. Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã ra thông cáo lên án cuộc biểu tình bạo động, trong đó Tổng thư ký OAS Luis Almagro cho rằng việc người biểu tình xâm nhập, phá phách các tòa nhà công quyền là hành động "mang tính phát xít". Tổng thống Colombia Gustavo Petro trong một tuyên bố trên Twitter cũng lên án việc “chủ nghĩa phát xít có ý định đảo chính”, đồng thời kêu gọi áp dụng Hiến chương Dân chủ của OAS. Trong khi đó, Tổng thống Chile Gabriel Boric cho rằng các hành động tấn công vào ba cơ quan quyền lực nhà nước tại Brazil là “không thể chấp nhận được” và vi phạm những nguyên tắc dân chủ, còn Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso coi đây là những hành động thiếu tôn trọng và phá hoại các thể chế dân chủ nhà nước, chống lại trật tự dân chủ và sự an toàn của người dân.

Tổng thống Argentina  Alberto Fernandez lại bày tỏ sự ủng hộ vô điều kiện đối với Tổng thống Lula da Silva trước “âm mưu đảo chính” đồng thời hy vọng tình đoàn kết ở khu vực Mỹ Latinh cần phải được phát huy vào thời điểm quan trọng này. Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng lên án hành động tấn công các thể chế dân chủ tại Brazil, đồng thời nhấn mạnh ông Lula da Silva đã được bầu một cách dân chủ thông qua một cuộc bỏ phiếu công bằng và tự do.

Trong diễn biến mới nhất, Thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil Alexandre de Moraes ngày 9/1 đã ra phán quyết tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu chính quyền thủ đô Brasilia Ibaneis Rocha trong 90 ngày do để xảy ra các sai sót an ninh dẫn tới việc người biểu tình tràn vào phá phách các tòa nhà chính quyền. Trong khi đó, nhà chức trách Brazil đã mở rộng điều tra để bắt đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, nguy cơ biểu tình bạo loạn vẫn còn tồn tại, đòi hỏi chính phủ của tân Tổng thống Brazil cần nhanh chóng trấn an tình hình, thực hiện sứ mệnh củng cố đoàn kết Brazil mà ông từng khẳng định.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/bat-on-hien-dien-trong-long-brazil-i680577/

An Nhiên / Công an nhân dân