Nhiệt độ trung bình trên thế giới có thể đạt mức kỷ lục vào năm 2023 hoặc 2024 do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino.

Nhiệt độ thế giới tiếp tục phá kỷ lục

Hôm 20/4, cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, sau 3 năm của kiểu thời tiết La Nina, thế giới sẽ chứng kiến sự quay trở lại của El Nino vào cuối năm nay.

Trong thời gian diễn ra hiện tượng El Nino, các luồng gió thổi về phía tây dọc theo đường xích đạo chậm lại và nước ấm hơn bị đẩy về phía đông, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương nóng hơn.

nag-nong-13092820
Theo các nhà khoa học, hiện tượng El Nino sẽ làm trầm trọng hơn các đợt nắng nóng, hạn hán và những vụ cháy rừng trên toàn cầu. (Ảnh: Reuters)

"Hiện tượng El Nino thường có liên hệ với những năm có nhiệt độ trung bình đạt mức cao kỷ lục. Mặc dù chưa biết chắc chắn hiện tượng này sẽ xuất hiện vào năm 2023 hay 2024, song tôi nghĩ tình trạng tăng nhiệt độ nhiều khả năng sẽ xảy ra", Carlo Buontempo, Giám đốc cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU cho hay.

Theo các mô hình khí hậu, hiện tượng El Nino quay trở lại vào cuối mùa hè ở phía bắc và khả năng El Nino mạnh sẽ phát triển vào cuối năm.

Đến nay, 2016 được xem là năm nóng nhất từng được ghi nhận, trùng với thời điểm hiện tượng El Nino đang diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù vậy, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến cho nhiệt độ tăng cao ngay cả trong những năm không có hiện tượng thời tiết này.

Theo Reuters, 8 năm qua là quảng thời gian nóng nhất được ghi nhận trên thế giới. Điều này phản ánh xu hướng nóng lên trong dài hạn do phát thải khí nhà kính.

Friederike Otto, giảng viên tại Viện nghiên cứu Grantham của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho rằng, hiện tượng El Nino có thể làm trầm trọng hơn những tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang phải đối mặt, trong đó sẽ có những đợt nóng và hạn hán kéo dài.

“Nếu hiện tượng El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 do thế giới vẫn nóng lên và con người tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch”, ông Friederike Otto cho hay.

Cũng theo báo cáo công bố của cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus, năm 2022 là năm nóng thứ 5 được ghi nhận trong lịch sử.

22
Lòng sông Yamuna khô hạn ở Ấn Độ. (Ảnh: AFP)

Mùa đông nóng ở châu Âu

Với nền nhiệt trung bình cao hơn từ 15-16 độ C, cả châu Âu trải qua một mùa đông nóng nhất từng được ghi nhận. Còn ở phía bên kia Đại Tây Dương - Bắc Mỹ lại hứng chịu những quả “bom bão tuyết” kéo dài và trải rộng kéo nhiệt độ xuống tới -79 độ C. Điều đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về một tương lai đầy bất ổn của nhân loại.     

Theo Washington Post, trong thời khắc chuyển giao giữa năm 2022 và năm 2023, hiện tượng “vòm nhiệt” mạnh bất thường giữa mùa đông đã ập đến phần lớn châu Âu, tạo ra nhiệt độ ấm chưa từng có trong tháng Giêng của cựu lục địa.

Trên diện tích trải dài từ vùng duyên hải nước Pháp đến biên giới phía tây nước Nga, nhiệt độ đã tăng vọt trong ngưỡng 10 đến 20 độ C trên mức trung bình, xô đổ hàng nghìn kỷ lục thời tiết.

Những chuyên gia theo dõi thời tiết trên toàn thế giới nhận định đây là đợt nắng nóng lịch sử. Các nước khu vực Đông Âu và Bắc Âu thường chỉ ghi nhận nhiệt độ trung bình trong ngưỡng 0 đến 10 độ C vào thời điểm này trong năm.

Dù vậy các chuyên gia khí tượng học cũng thống nhất quan điểm còn quá sớm để khẳng định hiện tượng thời tiết trái mùa ở châu Âu là do biển đổi khí hậu. Tuy nhiên giới khoa học vẫn đưa ra cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết như vừa qua có thể trở nên thường xuyên và dữ dội hơn nếu nền nhiệt của Trái Đất tiếp tục tăng.

Cảnh báo về cuộc đại tuyệt chủng mới

Trái Đất đã phải chịu đựng nhiều sự kiện đại tuyệt chủng trong suốt lịch sử 4,5 tỷ năm. Đầu tiên là sự kiện tuyệt chủng Ordovic-Silur vào khoảng 444 triệu năm trước. Nổi tiếng nhất là cách đây 66 triệu năm khi một tiểu hành tinh quét sạch loài khủng long. Giờ đây, các nhà khoa học lo sợ cuộc tuyệt chủng lần thứ sáu có thể xảy ra do biến đổi khí hậu.

Giả thuyết mới cho rằng trong suốt lịch sử loài người, con người đã gây ra sự tuyệt chủng trên quy mô lớn của các loài. Khi trở nên văn minh hơn, con người cũng bắt đầu thay đổi môi trường để phù hợp với nhu cầu của mình. Chúng ta thay đổi đất để canh tác nông nghiệp; phát minh các công cụ tiên tiến để săn bắn hiệu quả hơn trên cạn và dưới nước; xây dựng các thành phố và khai thác tài nguyên từ Trái Đất theo những cách chưa từng được thực hiện trước đây.

Những thay đổi và tương tác với môi trường này đã dẫn đến sự biến mất của các môi trường sống, khai thác quá mức động vật và gây ra sự mất mát không thể đảo ngược của các sinh vật trên Trái Đất.

Điều đặc biệt đáng báo động là tốc độ tuyệt chủng kể từ khi con người bắt đầu xuất hiện. Đáng chú ý nhất là kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp vào những năm 1870, những tiến bộ của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài lên mức chưa từng thấy trước đây.

Kông Anh / VTC News