Đến lúc này, không khí ăn mừng thắng lợi SEA Games 32 của Đoàn thể thao Việt Nam vẫn còn đó. Những lễ mừng công tại đóng góp VĐV giành huy chương cho Đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 32 đã và sẽ diễn ra. Nhưng rõ ràng, giai đoạn này cũng là khoảng lặng quý giá nhất để bình tâm nhìn lại một hành trình thi đấu. Từ đó, đúc rút những bài học cần thiết để có thể vươn xa hơn.
- Đội tuyển nữ Việt Nam nhận 5,8 tỷ đồng tiền thưởng sau SEA Games 32
- Hiện thực phũ phàng chờ U22 Việt Nam sau SEA Games 32
Chuyện cũ về tập huấn nước ngoài
Thành tích giành 13 HCV của đội vật, trong đó, hầu hết các tấm HCV đều ở những nội dung thi đấu tại Olympic, được xem là một những thành tích ấn tượng nhất của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Nhưng với người trong cuộc thì cũng còn không ít ưu tư và thích nhìn những điều chưa đạt được trong thành công.
Tại SEA Games 32, đội tuyển vật với 18 đô vật chia đều ở 3 nội dung là vật cổ điển, vật tự do nam, vật tự do nữ và chỉ đăng ký chỉ tiêu giành 9 - 10 HCV HCV. Thực tế, mức HCV này cũng chỉ là cách đăng ký theo hướng “ăn chắc” để giảm áp lực cho các tuyển thủ. Còn người trong cuộc tính toán, nếu có sơ sảy có lẽ cũng chỉ “tuột” độ 3 HCV.
Tuy nhiên, việc không thể giành ngôi vô địch ở 5 nội dung thi đấu (3 vật cổ điển nam, 2 vật tự do nam) đã đặt ra không ít vấn đề cho người trong cuộc. Rõ nhất là ở nội dung vật cổ điển khi cả 3 hạng cân mà VĐV Việt Nam không thể lên ngôi vô địch, để tấm HCV vào tay các đô vật Indonesia, đều được đánh giá là chuẩn xác.
Câu chuyện nằm ở việc sự thể hiện của các đô vật Indonesia từ Giải vô địch vật Đông Nam Á 2022 (tháng 12) đến SEA Games 32 (tháng 5). Hai giải đấu cách nhau 5 tháng nhưng phong độ của các đô vật Indonesia khác hẳn, gây bất ngờ cho chính Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam. Điều đó được lý giải bằng quãng thời gian tập huấn nước ngoài liên tục của các đô vật Indonesia từ sau Giải vô địch vật Đông Nam Á 2022.
Ngay cả các đô vật Thái Lan dù chỉ giành 1 HCV ở SEA Games 32 nhưng cũng tạo ra những lo ngại về việc các đô vật Việt Nam không thể giành thế áp đảo tại SEA Games 33 tới tại Thái Lan. Dàn đô vật Thái Lan còn trẻ, đang đà phát triển trong khi lại được tạo điều kiện liên tục đi thi đấu quốc tế, tập huấn quốc tế. Khoảng cách trình độ của đội tuyển vật Thái Lan đang ngày càng thu hẹp với các đô vật Việt Nam là điều thấy rõ, trong khi nhiều đô vật Việt Nam tại SEA Games 32 cũng lớn tuổi, không chắc sẽ cáng đáng được nhiệm vụ tại SEA Games 33. Đó lại là vấn đề đặt ra với vật Việt Nam.
Câu chuyện khác liên quan đến tập huấn quốc tế là trường hợp đội bi sắt Việt Nam. SEA Games 32 cũng là kỳ SEA Games hiếm hoi mà đội bi sắt Việt Nam không giành được HCV (thành tích chung là 2 HCB, 5 HCĐ). Đội được tập trung hơn 2 tháng trước SEA Games 32 và chỉ tập luyện tại Hà Nội rồi lên đường thi đấu.
Kết quả trên được xem là hệ quả của việc không đi tập huấn nước ngoài liên tục trong khoảng hơn 3 năm, kể từ khi xảy ra dịch COVID-19. Từ trước SEA Games 30 năm 2019, đội vẫn được đi tập huấn tại Thái Lan hay chính xác là thi đấu giao hữu liên tục tại đây để VĐV giữ cảm giác thi đấu, nâng cao trình độ. Đó là yêu cầu bắt buộc khi trình độ của VĐV Việt Nam không hơn VĐV các đội tuyển trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Myanmar… Vì thế chỉ có thể khỏa lấp thông qua việc được cọ xát liên tục ở trình độ cao.
Đến SEA Games 31, đã có những dấu hiệu về việc VĐV của đội thiếu cảm giác thi đấu quốc tế. Tuy nhiên, tấm HCV đôi nữ kỳ SEA Games ấy đã khỏa lấp bớt hạn chế trong quá trình chuẩn bị. Từ trước SEA Games 32, vấn đề tập huấn quốc tế cho đội đã được đặt ra song không thể thực hiện. Hệ quả là các tuyển thủ không thể hiện được bản lĩnh trong những thời điểm cân não, điều có thể được giải quyết nếu được thi đấu tập huấn ở nước ngoài, trong đó có Thái Lan, khi liên tục được cọ xát với những đối thủ có đẳng cấp bằng hoặc nhỉnh hơn.
Tìm hướng giải quyết
Cũng liên quan đến việc tập huấn quốc tế, đội bơi dù chỉ giành 7 HCV nhưng nếu không có chuyến tập huấn ở Hungary cũng khó đạt được thành tích này. Nếu nhìn xa hơn, điền kinh Campuchia là ví dụ điển hình.
Tại SEA Games 32, điền kinh Campuchia đã gây sốc khi sở hữu chân chạy Chhun Bunthorn, người đã lên ngôi vô địch nội dung 800m nam. Để có thể tạo nên cú sốc này, như Chhun Bunthorn chia sẻ rằng, anh đã có 7 tháng tập huấn liên tục, khổ luyện tại Trung Quốc. Việt Nam từng có nhiều trường hợp tương tự Chhun Bunthorn nên rõ ràng đó là bài học không mới nhưng thực sự đáng để các nhà quản lý phải suy ngẫm.
Với trường hợp đội tuyển vật, từng có ý kiến rằng với trình độ của mình, các đô vật Việt Nam không cần đi tập huấn thì vẫn hoàn thành nhiệm vụ tại SEA Games. Và có lẽ cũng vì đánh giá quá cao khả năng của các đô vật Việt Nam nên trong thời gian thi đấu tại SEA Games 32, đội tuyển cũng chỉ được một bác sĩ nữ hỗ trợ, chủ yếu cho các đô vật nữ. Cũng vì vậy, khâu hồi phục cho đội lại chủ yếu phải trông vào các HLV và chính VĐV trong đội khi người này thực hiện vật lý trị liệu cho người khác và ngược lại.
Có lẽ, sau những gì diễn ra ở SEA Games 32, chính các nhà quản lý sẽ phải nghĩ khác, tìm giải pháp khác cho đội vật và nhiều đội khác để giữ vị thế ở cấp độ Đông Nam Á, nơi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Còn chính các HLV của đội tuyển vật quốc gia cũng đã phải chú trọng hơn đến các bài tập khi nhận thấy trình độ các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á đang đà đi lên nhanh chóng.
Như nhận định của HLV trưởng đội tuyển bi sắt Việt Nam tại SEA Games 32 Đặng Xuân Vui thì việc giải quyết vấn đề tập huấn quốc tế không quá khó nhưng phải có chủ trương rõ ràng về việc này. Bên cạnh đó, cũng cần tính thêm đến việc thúc đẩy quan hệ quốc tế để có thể đưa một số VĐV chủ lực đi tập huấn quốc tế với chi phí thấp nhất như được miễn chi phí ăn, ở, tập và chỉ phải chi tiền di chuyển từ Việt Nam sang và ngược lại…
Tất nhiên tập huấn nước ngoài không hẳn chắc chắn 100% giúp các đội tuyển, tuyển thủ hoàn thành mục tiêu tại các sân chơi quốc tế. Bởi để có được một chuyến tập huấn nước ngoài thành công lại phụ thuộc nhiều yếu tố khác trong đó có điều kiện cơ sở vật chất, dinh dưỡng tại địa điểm tập huấn, các đối thủ để cọ xát trong quá trình tập huấn. Nhưng rõ ràng, khi nhiều đội tuyển của Việt Nam không có trình độ vượt trội đối thủ thì đây là giải pháp tốt nhằm nâng thành tích cho VĐV, giúp VĐV vượt qua được nhiều thời điểm khó khăn trong một cuộc đấu cụ thể.
Còn nếu chỉ lấy các chỉ số của quá khứ làm thước đo chuyên môn đối thủ, dựa vào hệ thống cơ sở vật chất tại Việt Nam mà quên đi yếu tố thực chiến của VĐV thì chắc chắn sẽ còn nhiều bài học cho các đội tuyển. Thế để thấy một kỳ SEA Games 32 dù thành công về mặt số lượng huy chương nhưng đọng lại vẫn còn những bài học cơ bản trong cách làm thể thao thành tích cao. Quan trọng là nhiều người trong nghề đều rõ những bài học đó nhưng lại chưa thể hóa giải.
https://cand.com.vn/the-thao/binh-tam-de-thay-khoang-trong-sea-games-32-i694498/