Có những CLB quay cuồng chuyển nhượng cầu thủ trước mùa giải mới. Có những đội bóng long đong tránh khỏi chuyện nợ lương. Một số địa phương tái sinh bóng đá từ giải hạng Ba. Trong khi một vài tỉnh khác tính đến việc chấp nhận biến mất khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp.

Chóng mặt chuyện chuyển nhượng

V.League và giải hạng Nhất Quốc gia chuẩn bị bước vào guồng quay mùa giải 2024/25. Theo lẽ thường, các CLB sẽ rầm rộ tuyển quân nhằm có một bước chạy đà thuận lợi. Nhưng nhìn vào 1 tháng đã qua, những đội bóng mạnh vì gạo, bạo vì tiền thường tập trung vào một nhóm, với sự hậu thuẫn đến từ tiềm lực tài chính khổng lồ của một ông bầu ngành Ngân hàng.

anh 1.jpg -0
CLB Trẻ TP Hồ Chí Minh và CLB Bóng đá Công an Hà Nội chuyển nhượng nhiều cầu thủ chuẩn bị cho mùa giải mới.

Lấy ví dụ như CLB Bóng đá Công an Hà Nội. Sau mùa giải thất bại trên mọi mặt trận, đội bóng ngành Công an chi ra tới gần 30 tỷ đồng để giữ chân Quang Hải ít nhất đến hết năm 2024. Tiếp đó, một loạt các bản hợp đồng nặng đô được CLB Bóng đá Công an Hà Nội công bố. Đó là Jason Pendant Quang Vinh, Trần Đình Trọng, Alan, Nguyễn Đình Bắc và có thể là Leo Artur. Đây đều là những cầu thủ có “máu mặt” tại bản đồ V.League trong mùa giải vừa qua. Hoặc với trường hợp Quang Vinh, anh được xem như Việt kiều hay bậc nhất trong 5 năm trở lại.

Tại giải hạng Nhất, tất cả đều phải nể trước khả năng “thay máu” của đội bóng trẻ TP Hồ Chí Minh. Dù là trẻ nhưng CLB này chẳng hề non trẻ một chút nào khi đưa về hơn 1 tá cầu thủ trình độ từ V.League. Đó là Trung vệ Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Thanh Thịnh (Nam Định); thủ môn Trần Đình Minh Hoàng, trung vệ Lê Ngọc Bảo, Trịnh Đức Lợi, tiền vệ Đỗ Văn Thuận, Phạm Văn Thành (Bình Định); La Nguyễn Bảo Trung, Phạm Gia Hưng (CLB Bóng đá Công an Hà Nội); Nguyễn Văn Việt (SLNA), Trần Hoàng Sơn (Thể Công Viettel); tiền đạo Đinh Thanh Bình, Lê Minh Bình, Nguyễn Đức Việt (HAGL); Mạch Ngọc Hà (CLB Hà Nội). Đấy là chưa kể cách đây vài ngày, “siêu cò” Trần Tiến Đại cũng đã gia nhập hàng ngũ Ban huấn luyện của CLB phía Nam.

Hẳn nhiên với ngần ấy cầu thủ đẳng cấp tầm cỡ V.League, chẳng bất ngờ nếu như Trẻ TP Hồ Chí Minh trở thành ứng viên nặng ký cho tấm vé lên hạng. Hay CLB Bóng đá Công an Hà Nội xứng đáng là cái tên số 1 cho ngôi vô địch V.League năm nay. Điều đó khiến cho những đội bóng cũng cố gắng xây dựng lực lượng như Bình Dương (V.League) hay Bình Phước (hạng Nhất) khó lòng cạnh tranh nổi.

Dẫu sao, Bình Dương hay Bình Phước vẫn còn được coi là đội bóng hạnh phúc. Bởi ít nhất họ còn dư dả về tài chính để tham gia chiêu mộ cầu thủ. Trái ngược cho niềm vui ấy là nỗi buồn bi đát của không ít CLB V.League đến hạng Nhất. Bình Định sau mùa giải giành ngôi á quân bị vắt kiệt đội hình tới mức chẳng ai nghĩ tới nổi. Lần lượt Lê Xuân Tú, Đức Chinh, Văn Thành, Đức Lợi, Đình Trọng, Thiện Đức, Minh Hoàng, Minh Nghĩa, Mạnh Cường, Schmidt, Marlon, Alan, Artur Văn Đức, Văn Thuận, Ngọc Bảo rời đội bóng đất võ. Con số 16 cầu thủ ra đi cũng chưa phải là cuối cùng, khi tình hình CLB Bình Định vẫn chưa thể yên ổn chuyện hợp, tan.

Hay làm lại từ đầu?

Bình Định mất hơn 1 nửa đội hình chủ lực trước khi V.League diễn ra. Còn CLB Thanh Hoá thì lao đao với việc phải trả lương, thưởng, phí hợp đồng. Dù rằng Ban lãnh đạo đội bóng hứa sẽ giải quyết ngay trong tháng 8 này nhưng những sứt mẻ về mối quan hệ giữa cầu thủ và thành phần lãnh đạo khó lòng chữa lành trong một sớm, một chiều.

Ở một diễn biến khác tại giải hạng Nhất, CLB Khánh Hoà đứng giữa 2 dòng nước chọn lựa. Một, họ sẽ đăng ký tham dự giải hạng Nhất. Đồng nghĩa, CLB này phải giải quyết gãy gọn vấn đề tài chính, khi đã nợ lương, thưởng và phí hợp đồng của cầu thủ suốt từ mùa giải qua. Thêm vào đấy, Khánh Hoà cũng phải chuẩn bị kinh phí hơn 20 tỷ đồng cho việc vận hành hoạt động của cả mùa giải.

Nhưng nếu không thể đáp ứng được câu chuyện đấy, Khánh Hoà cũng đã nghĩ đến một bước lùi. Đó là xin quay xuống trở lại thi đấu giải hạng Ba, với một công ty quản lý hoàn toàn mới. Câu chuyện “tẩy trắng”, “thà bỏ đi hết ta làm lại từ đầu” cũng đã diễn ra với trường hợp bóng đá Quảng Ninh. 3 năm sau khi CLB Than Quảng Ninh không thể vận hành nổi vì nợ đầm đìa cầu thủ và thành viên Ban huấn luyện, một đội bóng có tên Quảng Ninh xuất hiện, với sự quản lý của công ty mới, đội ngũ mới và chẳng liên quan gì đến nợ đọng trước đấy từng tồn tại.

Ngoài trường hợp của Khánh Hoà, giải hạng Nhất cũng đang rơi vào cảnh loạn. Bởi còn đó Định Hướng Phú Nhuận và Đồng Nai chưa chịu đăng ký tham gia. Trong đó, tân binh Định Hướng Phú Nhuận ngay khi từ hạng Nhì lên sân chơi chuyên nghiệp hạng Nhất đã lập tức mất… định hướng. Để rồi, đội bóng này đang bỏ ngỏ việc góp mặt tại hạng Nhất vô thời hạn!

https://cand.com.vn/the-thao/cac-clb-bong-da-quay-cuong-truoc-mua-giai-moi-i740219/

An Khánh / CAND