Giám thị cần chú ý thí sinh tóc dài trùm tai, gáy; hay để tay lên mặt, tai vì thiết bị gian lận trong tai có thể gây khó chịu.
Trước kỳ thi THPT quốc gia, Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03- Công an TP Hà Nội) đã hướng dẫn cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi cách nhận biết các thiết bị gian lận. Cơ quan này đã xử lý không ít trường hợp sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong quá trình thi; phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng rao bán những loại thiết bị này.
Thiết bị công nghệ cao được thí sinh sử dụng chủ yếu gồm hai bộ phận là tai nghe bé bằng hạt đậu và bộ thu phát có gắn thẻ sim điện thoại, có chức năng ghi âm, thu hình, phát sóng.
Tai nghe hạt đậu dùng để gian lận thi cử. Ảnh: PA03 Công an TP Hà Nội |
Riêng thiết bị thu phát, có hai dạng chủ yếu: có dây và không dây. Với loại có dây, thí sinh thường giấu trong trang phục (quấn quanh cổ áo hoặc khâu chìm phía bên trong lớp áo). Sim điện thoại được lắp đặt trong thiết bị, thí sinh chỉ cần gắn tai nghe hạt đậu vào lỗ tai sát màng nhĩ trước khi vào phòng thi, đọc đề qua thiết bị thu phát để chuyển ra ngoài. Đối tượng bên ngoài sẽ sử dụng điện thoại gọi vào để kết nối.
Loại không dây tinh vi hơn, thường ở dạng cúc áo, chiếc bút, USB, dạng chìa khóa ôtô, đồng hồ hay thẻ ATM. Thí sinh có thể dễ dàng cất giấu trong người hoặc ngụy trang để công khai tại vị trí ngồi. Các thiết bị này cũng được lắp kèm sim và tai nghe hạt đậu. Người ngoài gọi điện vào số sim là có thể tương tác với thí sinh trong phòng thi.
Thiết bị thu phát dùng trong gian lận. Ảnh: PA03 Công an TP Hà Nội |
Để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng thiết bị công cao, PA03 đề nghị cán bộ coi thi nghiêm cấm thí sinh mang thiết bị vào phòng thi; nêu rõ hậu quả nếu cố tình vi phạm để răn đe trước.
Trong quá trình thi, giám thị cần chú ý những thí sinh có biểu hiện như miệng lẩm bẩm đọc đề hoặc phát ra tiếng rõ sau khi nhận đề thi; không tập trung làm bài, biểu hiện lén lút; hay quan sát, nhìn cán bộ coi thi; thời tiết nóng bức nhưng lại mặc áo dài tay, nhiều lớp áo, cổ áo, túi áo cộm đồ vật.
Ngoài ra, cán bộ coi thi cũng cần để ý những thí sinh để tóc dài trùm tai, trùm gáy; hay để tay lên mặt, vị trí tai vì thiết bị trong tai có thể gây ngứa, khó chịu.
Khi xác định được thí sinh vi phạm, cán bộ coi thi cần thông báo cho giám thị giám sát, báo cáo trưởng điểm thi; đồng thời yêu cầu thí sinh dừng làm bài, lập biên bản thu hết thiết bị và niêm phong.
Trưởng điểm thi sau khi tiếp nhận thông tin phải báo ngay với công an để xử lý kịp thời, tránh trường hợp kết thúc giờ thi mới thông báo bởi khi đó đề thi hoặc thông tin đã lan truyền rộng rãi trên mạng, dẫn đến khó khăn trong xử lý.
Lịch thi THPT quốc gia năm 2019. |
Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, trong đó số thí sinh Hà Nội cao nhất - hơn 74.000. Hà Nội đã huy động gần 9.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Kỳ thi năm 2018, ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình xảy ra gian lận điểm thi, 20 cán bộ giáo dục, công an đã bị khởi tố. Trong 222 thí sinh được nâng điểm, 51 em đang học ở các trường đại học, số còn lại bị buộc thôi học, hoặc chủ động không xét tuyển.
Phát hiện nhiều thiết bị công nghệ cao siêu tinh vi để gian lận thi cử Nhiều thiết bị công nghệ cao có chức năng thu, phát tín hiệu nhằm gian lận thi cử được trá hình cúc áo, gọng kính, ... |
Hai nghi can bán thiết bị gian lận thi cử bị bắt Bão và Mạnh nhập các thiết bị siêu nhỏ như tai nghe, camera phục vụ cho việc gian lận thi cử để bán kiếm lời. |