Không có trợ giúp của khoa học kỹ thuật hiện đại, cảnh sát các nước phương Tây chủ yếu dựa vào bộ số đo cơ thể của hệ thống Bertillon.

Trong quá khứ, khi kỹ thuật lấy dấu vân tay và chứng cứ ADN chưa được phát triển, việc nhận diện nghi phạm và phá án gặp nhiều khó khăn. Để nhận diện tội phạm, lực lượng chức năng sử dụng hệ thống Bertillon, do cảnh sát viên và nhà nghiên cứu người Pháp tên Alphonse Bertillon phát triển vào cuối thế kỷ 19.

cach nhan dien toi pham khi chua co ky thuat van tay
Alphonse Bertillon, ông tổ của ảnh chân dung tội phạm.

Năm 1879, khi đang phụ trách việc văn thư lưu trữ cho sở cảnh sát Paris, Alphonse thấy cách lưu trữ, phân loại và sắp xếp hồ sơ tội phạm tại đây quá lộn xộn, cách cảnh sát mô tả nghi phạm còn chung chung và mơ hồ. Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống khoa học, Alphonse bắt tay xây dựng hệ thống nhân trắc học nhằm giúp nhận diện nghi phạm.

Bertillon cho rằng tỉ lệ giữa các bộ phận cơ thể của mỗi người là khác nhau, ví dụ như xác suất hai người có cùng chiều cao là 25%. Nếu vậy, chỉ cần đo càng nhiều bộ phận, xác suất hai người khác nhau có bộ số đo trùng nhau sẽ càng nhỏ và có thể được sử dụng nhằm mục đích nhận diện.

Trên căn cứ này, với mỗi cá nhân, Alphonse sẽ lấy 5 số đo chính của cơ thể là độ dài phần đầu, độ rộng phần đầu, độ dài ngón tay giữa bên trái, độ dài bàn chân trái, khoảng cách từ cùi chỏ tới đầu ngón tay giữa. 6 số đo phụ cũng được lấy là chiều cao khi đứng và khi ngồi, chiều dài tay duỗi thẳng sang ngang, đường kính gò má, độ dài tai phải, độ dài ngón tay út bên trái. Alphonse chọn bên trái vì cho rằng ít bị ảnh hưởng bởi công việc.

Theo Alphonse, xác suất để 11 số đo này của hai người khác nhau trùng nhau là 1/268.435.456. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, nghi phạm sẽ bị chụp ảnh chân dung theo quy chuẩn nhất định về ánh sáng, phông nền, khoảng cách,... gồm ảnh chính diện và ngang thân. Màu mắt, tóc, và da của nghi phạm cũng được ghi chép lại.

cach nhan dien toi pham khi chua co ky thuat van tay
Cách lấy số đo trong hệ thống Bertillon.

Sau khi được cảnh sát Paris chính thức áp dụng vào năm 1882, hệ thống này dần được áp dụng khắp nước Pháp. Năm 1884, hệ thống Bertillon đã giúp cảnh sát Pháp xác định được 241 kẻ tái phạm nhiều lần. Đây được công nhận là phương pháp khoa học đầu tiên được cảnh sát sử dụng để nhận diện tội phạm.

Với thành công ở Pháp, hệ thống Bertillon lan tỏa khắp châu Âu rồi ra khắp thế giới. Năm 1887, hệ thống Bertillon du nhập vào Mỹ và cũng dần được nhiều bang áp dụng. Tuy vậy, sau gần 30 năm sử dụng, hệ thống Bertillon dần bộc lộ một số khuyết điểm, nhất là khi so sánh với phương pháp nhận diện đáng tin cậy hơn bằng vân tay.

Đầu tiên, Bertillon giả định rằng càng lấy nhiều số đo, xác suất trùng nhau sẽ càng nhỏ. Nhưng ông không biết rằng nhiều số đo mà ông lựa chọn trong hệ thống Bertillon lại có liên hệ trực tiếp với chiều cao của một người. Ngoài ra, khi con người già đi, nhiều đặc điểm cơ thể cũng thay đổi, đặc biệt nếu số đo ban đầu được lấy lúc nghi phạm chưa thành niên.

Hơn nữa, bộ số đo này là thống nhất nhưng cách mỗi cảnh sát viên đo đạc lại không được quy định rõ. Đôi khi chỉ cần thước đo được nới lỏng, thay vì kẹp sát vào bộ phận cơ thể, cũng sẽ khiến con số bị sai lệch. Chi phí đào tạo kỹ thuật viên đo đạc (gồm chi phí ban đầu và chi phí rèn luyện thường xuyên) cũng rất cao, trong khi chi phí xây dựng cơ sở dữ liệu dấu vân tay lại không quá tốn kém.

cach nhan dien toi pham khi chua co ky thuat van tay
Việc đo sát hay nới lỏng thước đo không có tiêu chuẩn thống nhất.

Sự kiện đặt dấu chấm hết cho hệ thống Bertillon được cho là khi người đàn ông tên Will West bị tuyên phạt tù tại nhà tù Leavenworth, bang Kansas, Mỹ vào năm 1903. Khi cán bộ quản ngục kiểm tra hồ sơ, họ phát hiện có một người đàn ông khác với số đo Bertillon và cái tên tương tự với người này là William West.

Qua xem xét, họ xác nhận hai người này là anh em sinh đôi có ngoại hình giống nhau, dẫn tới số đo Bertillon và ảnh chụp chân dung cũng gần tương tự nhau. Phương pháp duy nhất có thể nhận diện hai người này là qua dấu vân tay. Sau chuyện này, hệ thống Bertillon hứng chịu nhiều phê bình và cuối cùng bị bỏ mặc, nhường chỗ cho phương pháp nhận diện vân tay.

Dù rơi vào quên lãng, hệ thống Bertillon của Alphonse cũng để lại một số dấu ấn trong lĩnh vực tư pháp. Trong số đó, quy chuẩn ảnh chân dung nghi phạm (còn được gọi là ảnh "mugshot") mà Alphonse đặt ra vẫn được cảnh sát các nước sử dụng tới bây giờ.

Quốc Đạt (Theo Mental Floss, The New York Times, Criminal Historian, Erenow)

cach nhan dien toi pham khi chua co ky thuat van tay Francis Galton - người đặt nền móng lưu dấu vân tay của tội phạm

Từ năm 1892, Francis Galton đã công bố dấu vân tay cả đời không thay đổi, có thể phân biệt, có thể phân loại.

cach nhan dien toi pham khi chua co ky thuat van tay Mặt nạ giết người - Vụ án đầu tiên được phá nhờ dấu vân tay

Năm 1905, nước Anh rúng động bởi vụ án mạng có bí danh là “Chiếc mặt nạ giết người”. Đây là một câu chuyện ly ...

/ vnexpress.net