Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là rất đau xót và đáng tiếc; qua đó cũng đặt ra vấn đề về việc cần ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai và các sự cố do thiên tai gây ra, để không xảy ra những sự việc không mong muốn vừa qua.

Cần hoàn chỉnh lại quy trình an toàn cho du lịch đường thủy- Ảnh 1.
Cần hoàn chỉnh lại quy trình an toàn cho du lịch đường thủy. Ảnh: VGP/DA

Tàu Vịnh Xanh 58 chở 46 hành khách và 3 thuyền viên rời bến cảng Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh lúc 12h55 ngày 19/7, đến 13h30 khi gần hang Đầu Gỗ thì gặp dông gió lớn khiến tàu bị lật, tất cả người trên tàu rơi xuống biển. Đến 14h05, tàu mất kết nối GPS.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cơn dông chiều 19/7 đã quét rất mạnh từ miền Bắc vào miền Trung là do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, không phải do ảnh hưởng của bão số 3. Đây là một siêu mây dông hiếm gặp trong khí tượng, rất khó dự báo. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh có cảnh báo dông lốc, tàu Vịnh Xanh 58 đã rời bến được hơn 30 phút.

Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là rất đau xót và đáng tiếc; qua đó cũng đặt ra vấn đề về việc cần ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai và các sự cố do thiên tai gây ra, để không xảy ra những sự việc không mong muốn vừa qua.

An toàn ngay từ khi ở bến

Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Lê Tuấn Anh cho biết, vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 là sự cố thiên tai hi hữu, bất khả kháng và không mong muốn.

"Chúng ta đau nỗi đau chung của đồng bào, buồn với nỗi buồn chung của nạn nhân và gia đình nạn nhân nhưng cũng cần có những đánh giá khách quan để không để ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành du lịch", ông Cao Lê Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Cao Lê Tuấn Anh cũng cho biết trên thế giới, du lịch bằng tàu biển là loại hình du lịch rất được ưa chuộng và an toàn. Giông lốc trên biển rất khó dự đoán và dự báo. Sự việc lật tàu Vịnh Xanh 58 là sự việc không may mắn. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ ràng đây không phải là yếu tố chủ quan mà là yếu tốt khách quan. Do đó, chúng ta cần ứng xử như thế nào để không làm ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Trước sự việc này, ông Cao Lê Tuấn Anh cũng lưu ý không chủ quan, lơ là; sự việc lật tàu Vịnh Xanh 58 là sự cảnh tỉnh để các cơ quan chức năng, những người làm trong lĩnh vực du lịch, các chủ tàu, các thuyền viên hoàn chỉnh lại quy trình an toàn. Trong đó, cần phải ban hành quy trình an toàn ngay từ khi xuống tàu. Để làm được điều này cần sự phối hợp của rất nhiều đơn vị liên quan.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, đối với sự việc này cần phải cảnh báo và khuyến nghị cho các cơ sở kinh doanh du lịch thường xuyên phải bảo đảm an toàn cho du khách. Còn đối với thiên tai, địch họa cần chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời. "Chủ động tại chỗ, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ" là một phần của phương châm "bốn tại chỗ" trong phòng chống thiên tai, có nghĩa là sẵn sàng và ứng phó ngay tại chỗ khi có tình huống xảy ra tại các địa phương đều thực hiện.

Ông Phạm Văn Thủy cho rằng, ngay khi sự việc xảy ra, tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc ngay lập tức. Cùng ngày 19/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kịp thời ban hành Công điện số 3550/CĐ-BVHTTDL chỉ đạo tập trung ứng phó quyết liệt và cùng phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khắc phục những hậu quả của vụ tật tàu Vịnh Xanh 58. Cục Du lịch Quốc gia đã tổ chức họp trực tuyến khẩn với các đơn vị liên quan, phân công cán bộ phụ trách từng đầu mối, trực tiếp xuống hiện trường phối hợp xử lý.

"Công tác cảnh báo, khuyến cáo về an toàn du lịch được ngành thực hiện thường xuyên. Công tác này không chỉ áp dụng riêng cho các nhóm hoạt động du lịch cụ thể, mà là yêu cầu thường xuyên đối với toàn ngành. Những nội dung này được lồng ghép trong các chương trình đào tạo, hướng dẫn ngay tại các cơ sở, trường học về du lịch", ông Phạm Văn Thủy nói.

Không chỉ tập trung cho miền Bắc, ngành du lịch cũng đã đưa ra khuyến cáo ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp ở khu vực phía Nam. 12 địa phương cũng chủ động ra văn bản chỉ đạo triển khai cụ thể tới tận các cơ sở.

Cần một cuộc cách mạng về đăng kiểm, quản lý, cứu hộ thời 4.0

Tuy nhiên, vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 cũng đặt ra vấn đề về việc cần ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai và các sự cố do thiên tai gây ra. Theo TS Phạm Hà-Chủ tịch LuxGroup, chủ của những con tàu và du thuyền lớn đang hoạt động ở Hạ Long và Nha Trang cho rằng, vụ lật tàu lần này là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đó là cần một cuộc cách mạng về đăng kiểm, quản lý, cứu hộ thời 4.0. "Tức là cần phải số hóa, giám sát theo thời gian thực. Cứu hộ thời 4.0 là: Nhanh, chính xác, cứu người là trên hết", TS Phạm Hà nhấn mạnh.

TS. Phạm Hà cho rằng, mọi tàu đều cần được giám sát qua GPS, AIS kết nối trực tiếp với Trung tâm điều khiển như sân bay. TS Phạm Hà đưa ra gợi ý, trên màn hình lớn, mỗi tàu hiện thành một chấm xanh. Khi mất tín hiệu, chấm xanh đó biến mất, hệ thống tự động báo động. Nhân viên lập tức liên lạc thuyền trưởng, nếu không được, kích hoạt quy trình khẩn cấp. Đội cứu hộ sẽ triển khai xuồng cao tốc trong 5 phút, mang theo đầy đủ thiết bị như bè cứu sinh, đồ lặn, y tế, cần cẩu, thậm chí cả trực thăng sẵn sàng cất cánh.

Theo TS. Phạm Hà, công nghệ 4.0 không chỉ là quản lý - mà là bảo vệ tính mạng cho du khách. Với điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế, hệ thống cứu hộ hiện đại là điều bắt buộc, không thể chậm trễ. Một phút cũng có thể là sinh tử.

Một vấn đề nữa TS. Phạm Hà lưu ý, đó là kiểu tàu vỏ đồng, thiết kế đáy phẳng, lại sử dụng vật liệu nhẹ dễ chìm, kiểu lật úp - nếu tiếp tục đưa vào khai thác sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Bởi loại tàu này có phần đáy quá nông, thân tàu nhẹ và dễ bị nung nóng dưới trời nắng gay gắt. Khi đỗ neo lâu ở vị trí cao trên boong để ăn trưa, nếu gặp mưa lớn kèm gió mạnh, tàu rất dễ bị lật. Thiết kế này chỉ phù hợp với tàu cứu hộ nhỏ, vùng nước ấm, biển lặng, ít gió, hoàn toàn không thích hợp với điều kiện phức tạp như vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, có nhiều tàu đóng cùng kiểu với tàu Vịnh Xanh 58, có phần mũi vát nhọn nhằm dễ dàng cập cảng. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết ngày càng bất thường do biến đổi khí hậu, cần mạnh dạn loại bỏ những mẫu tàu lỗi thời, không còn phù hợp, tránh để những tai nạn đau lòng tiếp tục xảy ra.

Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Cao Lê Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm trong đó có Quảng Ninh và với mục tiêu đặt ra đón khoảng 25 triệu khách du lịch quốc tế đòi hỏi chúng ta cần hành động như thế nào để sự cố không mong muốn này không ảnh hưởng đến toàn diện của ngành du lịch.

Còn rất nhiều sự cố gắng của những người làm du lịch hằng ngày, hằng giờ; vẫn có hàng triệu chuyến tàu, hàng triệu giờ ra khơi an toàn. Chúng ta cần chia sẻ với nạn nhân và gia đình nạn nhân, cùng hỗ trợ ngành du, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đã gần như sụp đổ sau dịch COVID-19 để hoàn thành những mục tiêu lớn đã đặt ra.

Theo Báo điện tử Chính phủ