Đề xuất xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam có quá nhiều "điểm mù", chưa minh bạch.
Chưa vì lợi ích của dân?
LS Trương Thanh Đức cho biết, trong báo cáo của Chính phủ liên quan tới chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có nhiều "điểm mù", chưa minh bạch.
Đề xuất làm cao tốc đường bộ Bắc - Nam: Làm rõ nhiều điểm mù |
Điểm ra hai vấn đề nổi cộm, ông Đức cho hay, việc chia nhỏ nhiều đoạn BOT để thu phí sẽ khiến chi phí đầu tư của dự án bị đội lên rất nhiều. Vấn đề nữa là nhà nước bỏ tiền ngân sách đầu tư 3 dự án thành phần rồi đứng ra thu phí như BOT là không hợp lý.
Cụ thể ông phân tích:
Thứ nhất, việc Bộ GTVT đề xuất tách 8/11 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT, đây là "điểm mù" rõ nhất.
Cho tới thời điểm này, hoàn toàn không có một thông tin nào rõ ràng như: lựa chọn đoạn nào làm BOT? Đặt BOT theo tiêu chí nào? Có đặt BOT trên đường độc đạo hay không? Khoảng cách BOT tối thiểu là bao nhiêu...?... Tất cả không có được thuyết minh nào rõ ràng.
"Tôi chỉ hình dung rằng Bộ GTVT đang muốn chia nhỏ khoảng cách đặt trạm BOT để thu tiền. Đây là cái lý để chia nhỏ dự án, để chia sẻ lợi ích cho nhiều nhóm người chứ không phải cái lý vì quyền lợi của người dân", ông Đức nói.
Theo ông Đức, nếu lập luận của ông là đúng thì cao tốc Bắc - Nam khi hoàn thành sẽ có khoảng vài chục trạm BOT. Việc chia nhỏ đường cao tốc đặt trạm BOT sẽ xé nhỏ dự án, đẩy chi phí của toàn dự án tăng lên khủng khiếp. Việc này phải làm rõ vì nó còn liên quan tới nhiều vấn đề khác trong quá trình thẩm định, phê duyệt, thực hiện dự án.
Thứ hai, trong báo cáo của Bộ GTVT có nói, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư vào 3 dự án thành phần còn lại là: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2, sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này.
"Đây là đề xuất lạ lùng, bất hợp lý đi ngược lại hoàn toàn với vai trò của nhà nước.
Đặc biệt, trong số những đoạn trên, có đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài 15 km, lưu lượng 25.556 xe con quy đổi/ngày/đêm - là lưu lượng cao nhất toàn tuyến, có khả năng huy động vốn xã hội cao nhất, nhưng lại được lựa chọn hình thức đầu tư là đầu tư công. Vai trò của nhà nước lại đặt ngang như BOT, như vậy thì phải hiểu thế nào? Tiền thuế người dân đóng góp phải giải thích ra sao?", vị chuyên gia băn khoăn.
Đảo lộn mọi nguyên tắc
Ngoài hai vấn đề trên, LS Trương Thanh Đức còn chỉ rõ, việc đề xuất tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 118.716 tỉ đồng, theo mặt bằng giá quý 2-2017. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỉ đồng cũng là con số khó hiểu.
"Tôi cho rằng cần phải cân nhắc, tránh tình trạng chia nhỏ tổng đầu tư để dễ dàng thông qua dự án rồi sau đó lại tăng lên gấp 10 lần. Việc này hoàn toàn không lạ, chúng ta đã có rất nhiều dự án bị điều chỉnh vốn một cách vô tội vạ, nhưng vẫn rất bài bản, rất nghệ thuật...", ông Đức nói.
Cũng có chung băn khoăn trước đề xuất của Bộ GTVT, khi đề xuất cơ chế áp dụng định mức lợi nhuận trên phần vốn góp của nhà đầu tư ở mức 14%. LS Trương Thanh Đức cho rằng, với đề xuất này thì không thể coi là BOT nữa.
"Đây là điểm bất hợp lý. Thông thường sẽ dựa trên kế hoạch để đưa ra con số sau đó tổ chức đấu thầu. Khi tổ chức đấu thầu có thể con số trên sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu con số đó giảm nhiều thì cũng có nghĩa là nhà đầu tư đầu tư với lợi nhuận 0 đồng? Điều này là vô lý.
Không thể có chuyện đề xuất một con số cố định rồi duy trì, bảo đảm chắc chắn con số đó trong suốt quá trình thực hiện dự án được? Nếu như vậy thì không còn gọi là đầu tư BOT nữa, nó không khác nào nhà nước đang đi vay vốn nhà đầu tư. Việc này có thể hiểu là nhà nước đứng ra thuê chủ đầu tư lập dự án, thuê xây dựng công trình rồi thuê luôn cả thu tiền cuối cùng trả lại nhà nước một khoản cố định. Như thế là đảo ngược hết mọi nguyên tắc quản lý kinh tế", ông Đức nói rõ.
Về yêu cầu đề nghị điều chỉnh quy mô thực hiện 8 - 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn. Ông Đức cho rằng, đây cũng là vấn đề phải được tính toán trong kế hoạch của Bộ GTVT.
\'\'Bộ GTVT có thể đề xuất xây dựng 4-6 làn xe, nhưng cũng có thể mở rộng lên tới 8-10 làn xe tùy thuộc vào yêu cầu mật độ, tốc độ phát triển. Việc này cũng giống như Sân bay Long Thành vậy\'\' - vị chuyên gia nhấn mạnh.
Huyết mạch giao thông Hệ thống giao thông được ví như mạch máu trong cơ thể. Đầu tư cho giao thông cũng có nghĩa là đầu tư cho hạ ... |
Cao tốc Bắc - Nam: Cần tính tới phương án 10 làn xe Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết có ý kiến đề xuất triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam cần giải ... |
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cao-toc-bac-nam-nhieu-diem-mu-kho-hieu-3346554/