Shunsaku Sagami đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cách mạng hóa hoạt động mua bán và sáp nhập, cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ khỏi tương lai đóng cửa vĩnh viễn, nhất là khi Nhật Bản đang đối mặt với “cơn bão” dân số già.
Ngọn hải đăng của quốc gia "già cỗi"
Nhật Bản hiện đang vật lộn với một mô hình nhân khẩu học được các chuyên gia đánh giá "rất cam go", đặc biệt là trong nhiều năm tới. Tính đến năm 2023, gần một phần ba dân số của Nhật sẽ có số tuổi lớn hơn 65, và con số này được dự đoán sẽ không ngừng tăng lên vào năm 2065.
Vấn đề liên quan đến tuổi tác này đã đặt ra một thách thức đáng kể cho nền kinh tế quốc gia, khi số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với nguy cơ đóng cửa ngày càng tăng, với lý do chính là chủ sở hữu lớn tuổi nhưng vẫn chưa tìm được người kế nhiệm.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 99% các công ty ở Nhật Bản là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và đáng ngạc nhiên hơn là khoảng 2/3 trong số đó không có người kế nhiệm, đối mặt với nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản nếu nhà sáng lập không còn khả năng quản lý.
Giữa cơn khủng hoảng về tuổi tác và kinh tế, doanh nhân trẻ Shunsaku Sagami đã nổi lên như một ngọn hải đăng hy vọng cho cả quốc gia. Ở tuổi 32, Sagami là tỷ phú trẻ nhất Nhật Bản, đồng thời là người sáng lập của M&A Research Institute Holdings (Viện nghiên cứu M&A), một công ty môi giới tập trung vào các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có trụ sở tại Tokyo.
Công ty của Sagami chuyên phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vật lộn với vấn đề kế nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch M&A thành công, giúp doanh nghiệp chuyển giao một cách hoàn hảo nhất cho thế hệ quản lý tiếp theo.
Công nghệ tạo nên khác biệt
"Dân số già" và "Doanh nghiệp thiếu người kế nhiệm" không phải là những vấn đề xa lạ đối với nền kinh tế Nhật Bản, nhất là khi hàng loạt chuyên gia đã viết về vấn đề trên hàng chục năm qua và không ít doanh nghiệp được thành lập để giải quyết chúng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kobe, Sagami bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo trước khi thành lập Alpaca vào năm 2016. Sagami phát hiện ra sứ mệnh của cuộc đời mình khi trải nghiệm quá trình bán lại Alpaca, cũng như hỗ trợ ông nội đóng cửa doanh nghiệp do không có người kế thừa.
Những kinh nghiệm trên đã thôi thúc Sagami thành lập Viện nghiên cứu M&A vào năm 2018, đơn vị đầu tiên tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích và hoạt động, giúp giảm thời gian hoàn tất thương vụ từ 12 tháng xuống chỉ còn 2 đến 6 tháng.
Hệ thống hỗ trợ AI của công ty sẽ kết nối những người mua tiềm năng với các doanh nghiệp đang tìm đối tác chuyển nhượng. Hơn nữa, mô hình dịch vụ của M&A cam kết chỉ thật sự tính phí khi hai bên ký kết thỏa thuận thành công, mang lại một lợi thế khác biệt trên thị trường.
Tỷ phú trẻ nhất Nhật Bản
Kể từ khi niêm yết, cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 340% , với việc sở hữu 73% cổ phần, Sagami đã trở thành tỷ phú trẻ nhất Nhật Bản với giá trị tài sản hơn 1 tỷ USD.
Viện Nghiên cứu M&A đã chứng tỏ sự phát triển vượt bậc kể từ khi thành lập. Đến cuối tháng 12 năm 2022, số lượng thương vụ M&A thành công trong công ty đã tăng gấp đôi lên 90. Cũng trong quý đó, Viện Nghiên cứu M&A báo cáo lợi nhuận ròng 7,1 triệu USD trên doanh thu 15,7 triệu USD.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9 năm 2022, doanh thu hàng năm của công ty tăng gần gấp đôi lên 28,8 triệu đô la, trong khi lợi nhuận của công ty tăng gần gấp 4 lần lên 9,8 triệu đô la. Tính đến tháng 12 năm 2022, công ty đã hoàn tất 33 giao dịch và 426 giao dịch khác vẫn đang được tiến hành.
Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Sagami còn cung cấp thêm dịch vụ "quản lý tài sản" cho các nhà sáng lập có nhu cầu, những người sau khi bán công ty của họ, đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư số tiền kiếm được một cách bền vững hơn.
Ở một đất nước đang vật lộn với những thách thức của dân số già, Shunsaku Sagami và Viện Nghiên cứu M&A đã trở thành "ngọn hải đăng" hy vọng của thị trường, cung cấp các giải pháp sáng tạo giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng đóng cửa và đóng góp vào tương lai của nền kinh tế quốc gia. Câu chuyện của Sagami sẽ còn nhiều chương mới khi công ty này công bố "620.000 doanh nghiệp đang sinh lời tại Nhật Bản đang không có người kế nhiệm."