Chúng ta có ngạc nhiên không, khi sau đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ, hàng loạt tờ báo chính thống đăng tải bài viết đả kích những hành động phản cảm, quá trớn của những… YouTuber?

cau like o dam tang danh 1 sao cho resort phan cam va qua tron

Nhiều người còn chuẩn bị đầy đủ các phương tiện để "tác nghiệp" - ẢNH: MINH HY

Đừng ngạc nhiên với sự có mặt của những người livestream, quay phim để phát trên mạng xã hội như vậy nữa. Khi chúng ta ra rả nói đến cái gọi là “báo chí công dân”, việc gia nhập vào địa hạt thông tin của những người như vậy đã trở thành thường xuyên và rất bình thường. Nhất là càng đăng tải nhiều thông tin theo thị hiếu người xem, họ càng được trả nhiều tiền. Việc cười cợt, lố lăng, phản cảm của họ đáng được nhắc đến, đáng bị lên án. Nhưng sự có mặt của họ ở một điểm nóng thông tin như vậy không có gì ngạc nhiên cả. Họ không quan tâm đến chuẩn mực của một thông tin báo chí.

Tôi chỉ ngạc nhiên rằng, quyền lực của họ, thứ quyền lực từ đám đông trao cho họ, từ bao giờ lên ngôi một cách mạnh mẽ như thế?

Khi hàng loạt người trên mạng vào Facebook cá nhân của các trọng tài bắt những trận bóng đá có đội tuyển VN chửi rủa và mạt sát, đây chỉ là hành động đơn lẻ và bộc phát. Nhưng khi hàng trăm ngàn người nhất loạt lên mạng đánh 1 sao cho một resort, đánh 1 sao tất cả các resort, khách sạn khác trùng tên hay tên gần tương tự khắp cả nước sau video của một YouTuber trên mạng, họ đã tạo thành một đám đông.

Họ đã tạo nên một thứ quyền lực, và trao quyền lực ấy cho những cá nhân. Những cá nhân ấy không còn là người đại diện được bầu ra của đám đông nữa. Ngày nay, những cá nhân ấy còn là các YouTuber tạo ra sự kiện để cả đám đông trên mạng đi theo.

Ai tạo ra hiện tượng Khá BảnH, nếu không phải là đám đông như thế?

Bạn tôi vừa có bài viết khá hay phản bác cuốn Tâm lý học đám đông của Le Bon mà nhiều người mê mẩn để nói rằng đám đông không “ngu” và “ác”. Tôi bị ấn tượng mạnh với quan điểm của bạn. Nhưng tôi nghĩ rằng, có hai thứ trong cuốn sách này chúng ta có thể nói đến. Đó là “đám đông” trong thế kỷ XIX của Le Bon và “đám đông” thời đại mạng xã hội này có những điều gì giống nhau không? Thứ mà Le Bon gọi là “quyền lực đám đông” thời đó và thời này có gì tương đồng?

Tôi tin là có! Sự lan truyền mạnh mẽ của mạng xã hội đã nhanh chóng tạo ra một “đám đông cùng ý kiến”.

Tâm lý học hiện đại đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người giữ ý kiến đó, chứ không phải bản thân ý kiến đó như thế nào. Nghĩa là ý kiến đó dù đúng hay sai, nó sẽ nhanh chóng trở thành vũ khí nếu thuộc về đa số. Khi ý kiến đó thành cấp số nhân, nó tạo ra quyền lực. Quyền lực này tuy ảo nhưng dễ dàng gây ra tác động thật. Vụ ồn ào quanh một resort ở Phan Thiết vừa qua là một ví dụ.

Tôi cũng tin khi đám đông hình thành, sẽ có những cá nhân trong đám đông bị kích thích mãnh liệt, từ đó hành động mù quáng như vô thức. Việc treo quần lót đó trước nhà ông Nguyễn Hữu Linh, suy cho cùng là hành vi bị kích thích cao độ, phẫn nộ đỉnh điểm khi rơi vào giữa đám đông đang tuôn trào.

Nhưng cũng chính vì thế, quan điểm của Le Bon trở thành rất cực đoan và gây nhiều tranh cãi. Đám đông, ở đây là đám đông trên mạng xã hội ở thời đại này, dễ bị tác động và cả tin. Tuy nhiên, cũng chính họ thúc đẩy tiến trình đi đến kết quả nhanh chóng hơn. Kết quả ấy đôi khi rất bi đát, đáng buồn nhưng đôi khi lại là sự chiến thắng của chính nghĩa.

Không cần nói đâu xa, nếu clip sàm sỡ bé gái trong thang máy không được tung lên mạng, không khiến đám đông trên mạng nổi điên lên và lan truyền chóng mặt, liệu cơ quan công quyền có nhanh chóng đi đến thời điểm xử lý vụ việc như bây giờ?

Dẫu sao, đám đông trên mạng xã hội đang rất đáng sợ. Chỉ những người là nạn nhân, những người đứng ở trong vòng xoáy sự kiện mới thấm thía sự đáng sợ ấy.

Tôi nhớ chuyện chữ viết của ông Bùi Hiền, nhớ đám đông cuồng loạn trong chuyện “vuông - tròn - tam giác” của ông Hồ Ngọc Đại… Ý kiến của đám đông khi ấy là chửi rủa một cách cuồng loạn, dù họ không hiểu biết thấu đáo vấn đề. Nhưng hành động vô thức kiểu như xé sách của con rồi chửi tục, đăng clip đã xảy ra ngay giữa cơn cuồng phong ấy của đám đông.

Gọi đám đông trên mạng xã hội tỉnh táo lại chỉ để cho vui mà thôi. Nó chỉ thay đổi theo hướng tích cực hơn khi mỗi cá nhân trong đám đông tự ý thức được về văn hóa, về luật pháp, tự ý thức được sự vô minh của bản thân mình.

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân ở TP.HCM.

cau like o dam tang danh 1 sao cho resort phan cam va qua tron Vụ Lexus tông vào đám tang: Người lái xe bị cấm xuất cảnh

 Ông Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi; ngụ phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) - người lái xe Lexus BKS 49X – ...

cau like o dam tang danh 1 sao cho resort phan cam va qua tron Đám đông livestream ở đám tang Anh Vũ có vi phạm?

Theo luật sư, đám đông livestream ở đám tang Anh Vũ có thể vi phạm nếu gia đình nghệ sỹ không cho phép.

/ https://thanhnien.vn