Cho dù đã lấp khá đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa đông năm nay cũng như áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm và cắt giảm khí đốt, song, sự khan hiếm cùng giá cả leo thang vẫn khiến mặt hàng nhiên liệu thiết yếu, sống còn cho cả sản xuất và tiêu dùng này là bài toán nan giải cho châu Âu.

Châu Âu loay hoay giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt ảnh 1

Các nhà lãnh đạo 27 thành viên EU đang họp Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí đốt

Một cuộc khủng hoảng “đáng sợ”

Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang nhóm họp Hội nghị Thượng đỉnh trong 2 ngày 20 và 21-10 tại Thủ đô Brussels (Bỉ) với chương trình nghị sự bao trùm là cuộc khủng hoảng khí đốt. Trước đó 2 tuần, các nhà lãnh đạo của EU cũng đã có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức (ngày 7-10) tại Thủ đô Praha (Cộng hòa Czech), nơi các nhà lãnh đạo EU đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như tác động đối với cuộc khủng hoảng năng lượng và nền kinh tế ở châu Âu. Đây cũng chính là 2 vấn đề chi phối hầu như mọi cuộc gặp của lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2-2022.

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và tiếp ngay sau đó là “cuộc chiến” trừng phạt giữa các quốc gia phương Tây và Nga đã làm gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu - khu vực vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Cho dù châu Âu đã và đang tìm mọi cách nhằm loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng tình trạng thiếu hụt của nguồn cung từ Nga đã khiến giá năng lượng leo thang trên thế giới và châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC - cơ quan hành pháp của EU) Ursula von der Leyen mới đây thông báo, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga hiện chỉ còn chiếm 7,5% nhu cầu tiêu thụ của các thành viên liên minh, giảm mạnh so với mức 40% trước khi xảy ra cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Cùng với đó, theo nữ Chủ tịch EC, các thành viên EU đã cố gắng giảm 1/10 tổng lượng tiêu thụ khí đốt và lấp đầy các bể chứa dự trữ ở mức gần 90%, cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại một số quốc gia như Bồ Đào Nha, tỷ lệ lấp đầy kho dự trữ khí đốt thậm chí đã ở mức 100%, hay 98% như Ba Lan. Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga nhưng cũng đã lấp đầy được 91% kho dự trữ khí đốt của mình, trong khi Pháp là hơn 95%. Đây có thể xem như một thành tựu đáng kể của EU trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga và khiến các thành viên không phải quá lo sợ về “một mùa đông lạnh giá” sắp tới. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng khí đốt không vì thế mà “buông tha” châu Âu. Trong báo cáo hàng quý mới nhất công bố đầu tháng 10 này, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt khí đốt chưa từng có nếu như các nước châu Âu không kiềm chế nhu cầu. Cơ quan này ước tính, cần phải cắt giảm 9% so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua, nếu như châu Âu muốn cầm cự được đến mùa xuân sang năm với nguồn cung phù hợp. IEA đánh giá, viễn cảnh của thị trường khí đốt vẫn ảm đạm cho dù châu Âu áp dụng nhiều biện pháp cấp bách để ứng phó. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy các thị trường sẽ đối mặt với khó khăn đến năm 2023. Theo IEA, việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng đã cho phép các cơ sở dự trữ khí đốt ở châu Âu lấp đầy tới 90% vào cuối tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, IEA cảnh báo, trong trường hợp Nga dừng hoàn toàn nguồn cung từ ngày 1-11 tới, châu Âu sẽ phải giảm 13% nhu cầu để duy trì mức dự trữ phù hợp.

Trong khi đó, ông Keisuke Sadamori - Giám đốc Thị trường và an ninh năng lượng của IEA cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine và xu hướng nguồn cung khí đốt sang châu Âu giảm mạnh đang gây tổn hại nghiêm trọng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và toàn bộ các nền kinh tế. Nhà phân tích cấp cao Fabian Ronningen tại hãng nghiên cứu năng lượng Rystad Energy nhận định, “đáng sợ” là một từ chính xác để mô tả cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu lúc này.

Còn nhiều việc cần phải làm

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, EU đã bàn tính và thực thi rất nhiều giải pháp, trong đó mới nhất là xem xét các biện pháp mà theo đó có thể giúp giảm giá khí đốt. Khi mà đòn cắt giảm khí đốt nhập từ Nga không hiệu quả (giúp không phụ thuộc khí đốt của Nga nhưng không ngăn được giá khí đốt thế giới leo thang chóng mặt), EU từ tháng 9 tới đầu tháng 10-2022 đã tính tới biện pháp áp trần giá khí đốt với Nga, nhưng không thể tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ngày 7-10 vừa qua ở Cộng hòa Czech, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đã bàn về phương án áp giá trần đối với khí đốt của Nga, vốn được coi là một trong những giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. EU đã thảo luận về các phương án gồm: Giới hạn giá đối với tất cả khí đốt, áp giá trần đối với khí đốt được sử dụng cho sản xuất điện, áp giá trần đối với khí đốt của Nga. Trong khi phần lớn các thành viên EU ủng hộ một số hình thức giới hạn giá để giải quyết lạm phát tăng vọt, song một số thành viên khác như Đức, Đan Mạch và Hà Lan lại phản đối với lý do lo ngại về an ninh của nguồn cung. Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết, rất khó để thiết kế một biện pháp phù hợp với thị trường năng lượng quốc gia của tất cả 27 thành viên EU.

Không chỉ chưa thể tìm được tiếng nói chung mà biện pháp áp giá trần với khí đốt của Nga cũng chứa đụng những rủi ro. Phát biểu trên truyền hình ngày 16-10 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga Alexei Miller cảnh báo, kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt xuất khẩu của Nga sẽ khiến nguồn cung bị gián đoạn. Hồi tháng 9-2022, khi EU thảo luận về việc áp giá trần với khí đốt của Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo, Matxcơva sẽ cắt nguồn cung năng lượng nếu bị áp giá trần. Việc cắt giảm nguồn cung từ Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia và nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới - sẽ làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu, khiến nền kinh tế thế giới phải đối mặt với giá năng lượng thậm chí còn cao hơn.

Thế nên, mới đây đã có sự chuyển hướng của châu Âu khi EC ngày 18-10 đã công bố gói giải pháp khẩn cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, theo đó thay vì áp giá trần khí đốt gây tranh cãi thời gian qua, cơ quan này đề xuất lập một mức “giá dao động tối đa” như một giá chuẩn. Về ngắn hạn, châu Âu sẽ lập cơ chế điều chỉnh giá để đặt ra mức giá giới hạn được điều chỉnh hằng ngày nhằm ngăn giá khí đốt tăng quá cao. Cùng với đó, các thành viên EU sẽ xây dựng một mức giá chuẩn cho giao dịch khí đốt với các thành viên liên minh.

Liệu giải pháp mới nhất nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí đốt có được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh EU trong ngày 20 và 21-10 hay không? Trong khi chưa biết đề xuất mới nhất này có được kết quả thế nào, giới quan sát cho rằng, vẫn còn “nhiều việc cần phải làm” trước khi đạt được một thỏa thuận chung của tất cả 27 thành viên về một gói giải pháp toàn diện hơn, gồm các biện pháp ngắn hạn nhằm giảm giá năng lượng và những giải pháp dài hạn để định hình lại thị trường khí đốt của liên minh.

https://www.anninhthudo.vn/chau-au-loay-hoay-giai-quyet-cuoc-khung-hoang-khi-dot-post520544.antd

Hoàng Hà / ANTD