Cho nên cứu người nhiều khi lại là cứu mình. Ông hãy làm thế nào để công an họ loại ông ra khỏi trí nhớ của họ, đó mới là cao tay. Còn nếu muốn làm người quân tử thì ông nên có những lời tử tế về nó.

\\"chay Chạy án (Kỳ 140)

Khi thấy không còn ai, một trinh sát gọi điện thoại cho Công. Vài phút sau, hai chiếc ôtô lại quay về và Lâm được nhanh ...

\\"chay Chạy án (Kỳ 139)

Bọn điều tra nó đọc được suy nghĩ của Giám đốc, cho nên nó sẽ \\"giả vờ như thật\\" là \\"báo cáo thủ trưởng, chúng ...

Xe vừa đi khuất, bà Dung gọi điện thoại cho Trần Đức:

- Anh Đức đấy à, người ta bắt được thằng Lâm rồi.

Trần Đức:

- Bắt được lúc nào?

- Trưa nay, họ bắt được ở Quảng Ninh... Thế mới biết cái lão Hòa tệ thật. Thằng bé nó đã trốn đi thì lẽ ra cứ để nó đi, coi như không bắt được là xong. Đằng này lão ấy cho quân đuổi theo... Anh gọi tay Nam và Trần Ngọc đến đây, có mấy việc các ông phải giúp ngay cho.

Trần Đức hỏi với vẻ cảnh giác:

- Có tiện không? Sếp mà biết đến bàn chạy án thì không khéo còn khổ với ông ấy.

Bà Dung ngẫm nghĩ, rồi nói:

- Các anh ngồi ở đâu rồi tôi đến?

***

Trong lúc này, Nam vẫn cùng Trần Ngọc ngồi nhậu với Thanh. Cái tin Lâm bị bắt làm cho Thanh rất khoái chí.

Hắn hùng hồn tuyên bố:

- Tội của thằng Lâm, có giời cứu khỏi thoát án tử hình.

Ông Nam

- Làm gì đến mức ấy. Nó là con một, bố lại là thương binh, là cán bộ cao cấp... cùng lắm là chung thân.

Trần Ngọc:

- Các ông chẳng hiểu gì pháp luật Việt Nam cả. Pháp luật của ta nhiều khi được hiểu và được thực hiện theo ý muốn của từng người, từng quan niệm. Người Việt Nam mình vốn sống duy tình. Trăm cái lý không bằng một tý cái tình... Việc xét xử, nếu tử tế thì xử theo tình, còn không thì cứ lý mà nói.

Thanh nghiến răng nói:

- Tôi thề với các ông là tôi sẽ cho thằng Lâm ra dựa cột.

Trần Ngọc:

- Ông đừng quá như thế. Tôi lại nghĩ khác. Lúc này ông nên nằm im thở khẽ. Ai dám đảm bảo là thằng Lâm nó không khai khẩu chuyện gì đó về ông. Ông tưởng ông trong sạch à? Nhiều người đã chết lây khi công an mở rộng điều tra...

Thanh ngẩn người ra không biết nói thế nào.

Trần Ngọc thủng thẳng:

- Cho nên cứu người nhiều khi lại là cứu mình. Ông hãy làm thế nào để công an họ loại ông ra khỏi trí nhớ của họ, đó mới là cao tay. Còn nếu muốn làm người quân tử thì ông nên có những lời tử tế về nó.

Thanh rót một ly rượu cho mình:

- Ông anh sáng suốt. Thằng em này nghĩ cạn... Xin tự phạt.

Nói xong, Thanh ngửa cổ uống hết lý rượu.

Ông Nam có chuông điện thoại di động. Nam nhìn số máy và biết đó là Trần Đức.

Nam giơ tay ra hiệu cho hai người im lặng:

- Alô, anh Đức à, em nghe đây.

Trần Đức:

- Công an bắt thằng Lâm và đưa về khám nhà rồi. Chị Dung nói cần gặp mấy anh em mình gấp. Các ông đang ngồi ở đâu đấy?

- Em đang uống rượu với anh Ngọc. Anh nói chuyện với anh Ngọc nhé.

Nói xong, Nam đưa máy cho Trần Ngọc.

Ngọc nói giọng kẻ cả:

- Có việc gì đấy anh Đức?

- Chị Dung muốn mấy anh em mình giúp một tay lo việc cho thằng Lâm.

Ngọc suy nghĩ giây lát, rồi nói:

- Ông bảo bà ấy đừng có cuống lên như thế. Gặp nhau lúc này, nhỡ công an cho trinh sát theo dõi thì khổ cả bọn. Để sau vài ngày nữa rồi tính. Ông nói với bà ấy là cứ yên tâm. Chuẩn bị \\"đạn dược\\" cho đầy đủ. Ngần này thằng mình cộng với cái oai của ông Cẩm, cộng với túi tiền của bà Dung mà lại không cứu được thằng bé thì còn ra cái gì nữa. Trong lúc này, bà ấy cuống, ông phải bên cạnh bà ấy, có gì trao đổi riêng từng người.

***

Tại nhà Minh Phương. Cô và Giáng Hương ngồi trong phòng riêng.

Phương lấy ra một chiếc hộp khảm trai rất đẹp mở cho Giáng Hương xem. Hương kinh ngạc khi thấy trong đó có khá nhiều vòng vàng, dây chuyền, nhẫn kim cương...

Minh Phương vốc một vốc đưa lên ngắm nghía:

- Tất cả chỗ này là của Lâm mua cho tao. Mày đoán xem khoảng bao nhiêu?

Giáng Hương:

- Có đến một trăm ngàn đô không?

- Hình như hơn... Một chiếc nhẫn này đã là gần hai chục ngàn rồi.

Phương đưa cho Giáng Hương xem một chiếc nhẫn kim cương.

Hương xem hờ hững, rồi nói:

- Mày có biết hắn trốn ở đâu không?

- Tao chỉ nghe chú Hòa nói là rất có thể đi Quảng Ninh.

Giáng Hương thở dài:

- Cầu mong cho hắn trốn thoát.

Minh Phương nói:

- Mấy ngày nay, tao đến công ty mà cứ phải cắm đầu đi, không dám nhìn ai, không dám cả đi ôtô nữa. Cũng may là mình sống với mọi người không đến nỗi nào cho nên họ cũng thông cảm.

Giáng Hương:

- Nó mà trốn được thì may cho mày.

Phương ngạc nhiên:

- Sao lại may?

- Mày được giải thoát khỏi nó. Vừa khỏi phải dính vào thằng nghiện, vừa khỏi mang tiếng lấy thằng tù... Thế chẳng tốt ư?

Điện thoại di động của Phương đổ chuông. Cô nhìn máy và biết đó là Giám đốc Hòa gọi.

Minh Phương:

- Cháu chào chú.

Giám đốc Hòa:

- Chào cháu! Thằng Lâm đã bị bắt lại rồi. Giờ này anh em đang làm thủ tục khám xét tại nhà và ở cơ quan. Cháu có muốn gặp nó trước khi nó vào trại giam không?

Phương bật khóc:

- Chú ơi, cho cháu gặp đi!

- Cháu đến Ngân hàng Phú Tài. Chú sẽ bảo anh em cho cháu gặp. Cháu phải nhớ lời chú hôm qua đấy nhé.

- Vâng ạ. Cháu rất nhớ!

***

Lâm được đưa về ngân hàng để tiến hành thủ tục khám phòng làm việc.

Tại phòng khách của ngân hàng, ông Trác, ông Ngân và một vài người trong Ban Giám đốc chờ đợi cảnh sát điều tra đưa Lâm đến để khám phòng làm việc. Một bầu không khi im lặng, nặng nề bao trùm tất cả.

Như đã được báo trước cho nên cánh cổng đã mở sẵn và khi chiếc xe chở Lâm vừa lọt qua thì hai nhân viên bảo vệ đóng lại ngay. Tất cả ánh sáng ngoài cổng ngân hàng bị tắt luôn.

Lâm vào phòng và nhìn mọi người bằng ánh mắt ân hận.

Lâm đến bên ông Trác, cúi đầu:

- Cháu xin lỗi chú. Chú cho cháu xin lỗi tất cả mọi người.

Ông Trác nao lòng trước thái độ của Lâm.

Ông ôm lấy vai Lâm, an ủi:

- Cháu đã sai lầm một lần rồi, hãy cố gắng đừng để mắc thêm sai lầm nữa. Cháu hãy nghĩ đến những người trong nhà. Cháu là đứa con duy nhất của dòng họ Cao đấy.

Lâm tự nhiên thấy lo sợ.

Lâm hỏi nhỏ:

- Chú ơi, liệu tội của cháu có bị tử hình không?

Ông Trác cười buồn:

- Cháu ơi, sao cả nghĩ thế.

- Lúc trên ôtô, có một anh công an bảo cháu là tội của cháu phải tử hình.

Ông Trác nói:

- Họ dọa đấy, nhưng cháu phải thành khẩn. Các cụ có câu đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ lại. Mất cháu, chú đau hơn mất tiền nhiều…

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong