Chúng tôi đến Karachi khi mà nơi đây bắt đầu "nguội". Trời chỉ còn đổ nắng có... 38 độ, lác đác có mưa và đã... một ngày rồi thành phố được "yên tĩnh" vì... vắng biểu tình !

"Lò lửa" Karachi và những điều tai nghe mắt thấy

Chúng tôi đến Karachi khi mà nơi đây bắt đầu "nguội". Trời chỉ còn đổ nắng có... 38 độ, lác đác có mưa và đã... một ngày rồi thành phố được "yên tĩnh" vì... vắng biểu tình !

Từ Islamabad đến Karachi, cảm giác không khác gì từ Buôn Ma Thuột về TP Hồ Chí Minh và nếu so sánh sân bay Islamabad với sân bay Karachi thì không khác gì so sân bay Playku so với sân bay Nội Bài.

Nếu như Islamabad yên tĩnh, trầm lặng đến buồn tẻ thì Karachi lại suốt ngày sôi sùng sục bởi tiếng động cơ ôtô, xe máy, xe lam và nhịp sống gấp gáp ở đây mang đôi chút phong cách, lối sống của một thành phố Phương Tây.

Ngoài bãi biển, đã có những đôi thanh niên nam nữ dám vượt lên mọi quy định khắt khe của đạo Hồi để yêu nhau. Chàng áo chùng mũ trắng, nàng áo váy đen, khăn trùm kín mặt nhưng vẫn lấy áo che nhau và hôn đắm đuối...

Karachi là thành phố có kinh tế phát triển bậc nhất Pakistan, tổng sản phẩm của thành phố 12 triệu dân này chiếm 1/3 toàn quốc, nhưng lại là một thành phố hổ lốn nhất về trật tự an toàn xã hội và có tỉ lệ tội phạm với mức độ như sau: Mỗi ngày có khoảng 1.700 vụ án như móc túi trộm cắp, đâm chém nhau thành thương, 3 đến 5 vụ mất cắp ô tô; 2 vụ giết người; ngày nào cũng có khoảng 120 vụ tai nạn giao thông được sự giải quyết của cảnh sát và tháng nào cũng có các nhà băng bị cướp . Chưa hết, 85% các vụ án liên quan đến tài sản, tiền bạc là do các đối tượng nghiện hút gây ra và 90% trong số đó là thanh niên.

Trước khi chúng tôi rời Islamabad, ông phiên dịch của nhắc đi nhắc lại việc không được mang nhiều tiền khi đi ra đường, không nên xách máy ảnh lủng liểng và đi đâu thì nên thuê người của khách sạn đi theo. Nghe ông nói với vẻ mặt nghiêm túc, chúng tôi cũng lo nhưng chưa sợ. Nhưng tới khách sạn, đọc lời khuyến cáo của khách sạn: "Không nên đi ra ngoài đường một mình vào lúc trời tối và đi vào những đoạn đường vắng!”, thì chúng tôi thấy chán hẳn.

Mới hơn 5 giờ sáng, tiếng quạ kêu và tiếng động cơ xe đã náo loạn thành phố. Trong ánh nắng ban mai nhờ nhờ, bầu trời thành phố đã đen ngòm những cánh quạ bay và ánh nắng mặt trời trở nên bỏng rát khi đồng hồ mới 8 giờ, còn một giờ nữa mới đến giờ làm việc của Pakistan. Chúng tôi đi trong thành phố và thấy ngột ngạt không thể tưởng tượng nổi. Trừ một số ít đường phố có cây và sạch còn hầu hết là bụi khủng khiếp... Những con đường 3 làn, 4 làn xe chạy chật cứng các loại xe ôtô khói phun mù mịt. Đã thế, kiến trúc mới của thành phố cũng xấu lạ lùng. Người ta xây nhà cứ như xếp các lôcốt chồng lên nhau và thường chỉ màu xám của xi măng hoặc màu vàng nhạt, đã thế rất nhiều nhà cao tầng lại không làm ôvăng cửa sổ, thành ra trông cứ như những cô gái bị cạo hết lông mày, lông mi. Đường phố bẩn thỉu hết chỗ nói, nhiều nơi rác đổ tràn ra đường và ô tô phải trèo lên rác mà đi. Tôi không dám nói đây là thành phố bẩn nhất thế giới nhưng quả thật tôi chưa thấy đâu bẩn đến thế.

Nhà báo Nguyễn Như Phong tác nghiệp tại Trung Á

Quạ ở Karachi không còn là "những cánh chim chao mình trong nắng sớm" nữa mà là mối tai họa thực sự đối với thành phố. Không ai đoán được có bao nhiêu con quạ chỉ biết rằng chúng có mặt khắp mọi nơi sống bằng "nghề" ăn cắp hoặc táo tợn hơn là xông vào tranh cướp thức ăn thừa ở những thùng rác với những người vô gia cư. Người đi trên đường, nếu có bị dính phân quạ thì cũng không lấy gì làm lạ. Tất cả các nhà ở chung cư, nếu có ô ban công nhỏ làm nơi phơi phóng thì đều phải có lưới che, đề phòng quạ vào ăn trộm! Quạ ở Islamabad cũng nhiều nhưng vì lắm rừng nên chúng có chỗ trú, cho nên có cảm giác "vắng", còn Karachi chúng ùa vào chen lấn sống với dân nên chỗ nào, nơi nào, nóc nhà nào, bãi rác nào, vòi nước bị hở nào cũng có mặt chúng. Bên cạnh quạ là lũ chim bồ câu. Tuy nhiên, chim bồ câu không nhiều lắm vì bị lũ chim ưng trong thành phố bắt làm thức ăn.

Thảo nào, thành phố thương mại lớn như vậy nhưng khách du lịch tới đây rất ít.

Do sự bùng nổ dân số (người Pakistan cũng như Afghanistan không có khái niệm sinh đẻ có kế hoạch. Với phụ nữ, đẻ càng nhiều càng tốt và đàn ông được lấy tối đa là 4 vợ). Do sự quản lý kém của chính quyền cũng như sự nhập cư ồ ạt của dân các tỉnh khác và dân tị nạn nên thành phố trở nên quá tải. Rất nhiều khu phố cổ đã tàn tạ đến mức người dân phải bỏ đi vì sợ sập bất cứ lúc nào. Để giải quyết nhà ở, thành phố cho xây hàng trăm khu chung cư từ 10 tầng trở xuống với một lối kiến trúc rất lạc hậu và được xây cất cẩu thả. Nhà cửa ở Karachi nhếch nhác lạ lùng, bẩn thỉu đến thật không tưởng tượng nổi và thật khó tả.

Thành phố bị ô nhiễm và chật chội quá mức nên những nhà giàu kéo ra bãi biển và chính quyền bán đất cho họ mỗi ô khoảng 300 đến 600m2. Nhà ở đây khá đẹp và chỉ được xây hai tầng.

Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (Kỳ cuối)
Nhà báo Nguyễn Như Phong mặc thử bộ quân áo Hồi giáo phức tạp

Chúng tôi tới khu chợ cổ nhất của thành phố là Empyress Market, đây là chợ có từ hơn 100 năm do người Anh xây dựng. Cổng chợ là một tháp cao hơn 40 m mô phỏng theo tháp đồng hồ Lớn ở Luân Đôn. Thời gian gần đây, chợ Empyess là "trung tâm" diễn ra các cuộc biểu tình. Chợ khá lớn , diện tích cỡ gấp hai lần chợ Bến Thành và là trung tâm buôn bán hàng nông sản thực phẩm của thành phố. Các hàng quán trong chợ rất tồi tàn và bố trí không ra đâu vào đâu cả.

Một vị quan chức chính quyền thành phố cho chúng tôi biết một số tổ chức Hồi giáo hay dùng khu vực sân trước cổng chợ này làm nơi mít tinh bởi lẽ dễ tập hợp quần chúng và đặc biệt là những người tứ xứ đến chợ làm đủ thứ nghề để sinh sống, trong đó không ít thanh niên. Có nhiều thanh niên trong đám biểu tình là một lợi thế lớn bởi lẽ số này dễ kích động và hung hăng nhất trong việc đập phá hoặc đánh lại cảnh sát.

Có thể nói từ khi Mỹ tấn công Afghanistan, Karachi là thành phố “ đi đầu “ trong việc tổ chức các hoạt động phản đối Mỹ. Ngoài biểu tình, người dân còn hò nhau tẩy chay uống nước ngọt Côca-Cola, và thức ăn nhanh Măc Đonan, khiến nhiều cửa hàng đình đốn. Hình ảnh Bin Laden trở nên phổ biến trên khắp các đường phố, trên kính hậu xe ôtô người dân mặc nhiên coi đó mới là thủ lĩnh của Hồi giáo, mặc dù trước kia, Bin Laden không có chỗ đứng trong tâm trí của họ.

Trong những ngày ở Pakistan, qua tìm hiểu, chúng tôi cảm nhận được một điều để lý giải câu hỏi: Tại sao rất nhiều người Hồi giáo, nhất là những người tầng lớp trên lại ghét Mỹ nói riêng và ghét Phương Tây nói chung. Thực ra, không phải người Hồi giáo muốn tranh giành quyền, cướp đất gì; cũng không phải họ bị o ép đến mức độ "con giun xéo lắm cũng quằn"... Nguyên nhân chính khiến họ "thù" Mỹ chính là những người lãnh đạo Hồi giáo không chịu nổi lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ, tự do kiểu Mỹ. Bản thân họ đã sống trong một môi trường văn hóa Hồi giáo, chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của giáo lý trong Kinh Coran vì thế họ không muốn các thế hệ sau họ bị tiêm nhiễm lối sống Mỹ mà quên đi những điều Thánh Allah đã dạy. Người Hồi giáo có tính cộng đồng rất cao. Thánh Allah dạy rằng đã là tín đồ Hồi giáo thì dù ở bất cứ đâu cũng là anh em, phải thương yêu, bảo vệ lẫn nhau và không trả thù cho bạn, không chịu trừng phạt kẻ có tội (vì bất cứ lý do gì) tức là đã mang tội với Thánh. Từ tư tưỏng đó cho nên họ không chịu nổi việc những người anh em của họ bị người khác áp bức, bắt nạt, vì vậy đến 87% số người Hồi giáo ở Pakistan tỏ thái độ chống Mỹ. Trong chuyến đi công tác ở Pakistan lần này, tất cả những người mà tôi đã gặp trong đó có những người giữ các cương vị quan trọng trong quân đội, chính phủ, không một ai ủng hộ việc Mỹ tấn công Afghanistan cả, nhiều người còn tuyên bố coi Mỹ không ra cái gì cả. Cho nên rất có khả năng Pakistan trở thành "hậu phương lớn" của Taliban, nếu như Mỹ vẫn cứ dùng sức mạnh quân sự.Cách Karachi khoảng 20 km về phía bắc có một trại tị nạn khá lớn và đây là trại có “thâm niên” từ hơn 10 năm nay, đó là Trại Sawan Goth có chừng hơn 100.000 người tị nạn. Trại cơ bản cũng giống nhiều trại khác chúng tôi đã đến ở Islamabad, Peshawwa, đều là những địa ngục trần gian cả. Trại nằm trên khu đất rộng mênh mông nhưng điều quái quỷ là đất ở đây chỉ thấy mọc mỗi loại cây giống như cây xấu hổ ở Việt Nam. Xe chúng chúng tôi đi qua những bãi đất phẳng lỳ dài hàng cây số và bạt ngàn cây xấu hổ. Chỗ nào không có cây thì chỉ có màu trắng bạc phếch. Chúng tôi hỏi mấy cụ già ở trại và cũng rất lấy làm ngạc nhiên khi người dân không có ý định khai hoang cải tạo đất để trồng trọt. Có lẽ do đã ở lâu, khá nhiều người trong số họ đã kiếm được công ăn việc làm trong thành phố hoặc buôn bán nông sản thực phẩm nên có tiền và bỏ mặc đất hoang. Người dẫn đường cho chúng tôi ở Karachi là người rất am hiểu tình hình địa phương cho chúng tôi biết , đất ở đây nếu chia cho người tị nạn, đảm bảo không dưới 500m2 cho một nhân khẩu.Với diện tích đất khá lớn như vậy, nếu chăm chỉ lao động và có trình độ canh tác và được đầu tư về thủy lợi, giàu thì chưa biết nhưng đủ ăn là cái chắc. Thế mới biết cái nghèo đói kéo đến đâu phải là do chiến tranh mà con do dân trí thấp, do ý thức lao động của người dân. Nước sinh hoạt ở đây thiếu thốn vô cùng. Chính quyền cũng cho xe téc chở nước tới nhưng không đủ nên nhiều gia đình phải đi lấy nước cách đó cả chục cây số. Gia đình nào có phương tiện thì chở nước về bán với giá 10 rupi một thùng 200 lít. Nếu như các trại tị nạn ở các tỉnh khác rất ít tệ nạn xã hội thì trại Sawan Goth lại khác hẳn. ở đây cũng trộm cắp, nghiện hút, đĩ điếm và cũng có những băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (Kỳ cuối)
Trẻ em tại một trại tị nạn

Các băng nhóm tội phạm xuyên lục địa ở Karachi là mối lo thường trực của cảnh sát. Nếu như tại Islamabad, chỗ nào cũng thấy cảnh sát giao thông thì ở Karachi, hiếm thấy có cảnh sát trên đường. Chỉ những giao lộ quan trọng mới có cảnh sát giao thông còn hầu hết bỏ mặc vì vậy không ai lạ khi thấy cảnh một "ông con" chiếm lòng đường bày quần áo, thắt lưng da ra bán, bất chấp xe tải chạy rầm rầm bên cạnh . Hơn nữa, đường phố ở Karachi rất hiếm nơi có vỉa hè cho nên hàng quán bày xuống đường, xe máy, ô tô cũng để dưới đường, các bãi xe ngựa, xe lạc đà, xe lừa kéo... cũng dưới lòng đường. Đó là nguyên nhân chính gây ra nạn tắc xe triền miên ở Karachi. Đi trong thành phố vào lúc nắng quái khi trời chiều thì đúng là một sự tra tấn bởi phải nhích dần từng mét đường trong cái nóng ngột ngạt và bụi mù mịt. Chả thế mà nhiều nhà báo sẵn sàng bỏ tiền ra bay từ Islamabad xuống làm việc rồi lại biến về... ngủ.

Thế mới biết năm 1961, quyết định chuyển thủ đô từ Karachi về I slamabad của Tổng thống Sayin Musat sáng suốt biết chừng nào./.

(2001)

Nguyễn Như Phong

Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 5) Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 5)
Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 4) Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 4)
Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á

/ An ninh thế giới