Để trở thành một tín đồ Hồi giáo, chỉ cần bạn long trọng tuyên bố: "Allah là Thượng đế duy nhất và Mohammed là sứ giả của Người".

Là người sống trong nghèo khó từ bé cho nên Mohamed rất hiểu tâm lý người Arập là luôn mơ ước một cuộc sống sung túc, được hưởng nhiều thú vui, chính vì vậy trong giáo lý của mình, Mohammed đề ra những điều hết sức giản dị.

Để trở thành một tín đồ Hồi giáo, chỉ cần bạn long trọng tuyên bố: "Allah là Thượng đế duy nhất và Mohammed là sứ giả của Người". Rồi cũng rất đơn giản, hàng ngày tín đồ phải cầu nguyện 5 lần vào lúc 5 giờ sáng, 9 giờ, 12 giờ, 3 giờ chiều và 9 giờ tối . Cầu nguyện ở chỗ nào cũng được, miễn là hướng mặt về Thánh địa Mécca, với tư thế quỳ, úp trán xuống đất. Nhà thờ Hồi giáo cũng cực kỳ đơn giản, không trang trí cầu kỳ như những nhà thờ Thiên Chúa giáo, cũng không lắm tượng, lắm ban bệ như chùa Phật giáo... Nhà thờ hay thánh đường Hồi giáo có hai loại : Đại thánh đường (Mosque) và tiểu thánh đường (Surao). Thánh đường Hồi giáo là ngôi nhà lớn có mái vòm hình củ hành, hình tròn hoặc xây cuốn. ở góc phía ngoài trên mái nhà có một chỗ dành cho người có một chức sắc nhỏ trong thánh đường gọi là Bilal đứng để kêu gọi mọi người biết đến giờ cầu nguyện. Thánh đưòng Hồi giáo phải quay cửa về hướng Mécca và phía trong bài trí đơn giản, không có bàn ghế, không có đồ thờ tự. Bức tường phía trong quay về Mécca có một bục nhỏ để Kinh Coran, phía ngoài thánh đường có một bể nước nhỏ để tín đò rửa tay trước khi vào lễ cầu nguyện.Trong thánh đường Hồi giáo chỉ có độc một dòng chữ: "Hằng ngày các ngươi làm gì, ăn gì, uống gì, suy nghĩ gì, Allah đều biết cả". Đối với Hồi giáo, trong một năm, thời gian quan trọng nhất là vào tháng 9 Hồi lịch tức là vào tháng 11- 12 Dương lịch. Đây là tháng Ramadan kỷ niệm sự kiện Thần Gabriel đem kinh Coran xuống dạy cho Mohammed. Trong tháng này, tín đồ phải sống chay tịnh từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Chay tịnh có nghĩa là không được ăn uống, hút thuốc, không được ngủ với phụ nữ... nhưng khi trời tối thì... thoải mái. ban ngày, tín đồ phải sống trong tĩnh lặng và suy nghĩ về những việc làm của mình... Ngoài ra còn có những lễ khác như lễ kỷ niệm ngày Mohamed đến Mê-di-a mở đầu cho kỷ nguyên Hồi giáo (ngày 6 tháng 1 Hồi lịch); lễ sinh nhật Mohamed vào ngày 12 tháng 3 Hồi lịch, lễ Cống sinh là lễ được tiến hành sau 70 ngày lễ Ramadan. Trong lễ này, mỗi người Hồi giáo chân tín phải giết một con cừu, dê hay lạc đà để dâng cống sinh mạng cho Thượng đế. Đây là một nghi lễ khá quan trọng vì các tín đồ Hồi giáo tin rằng nếu không có vật cống sinh thì sẽ không được lên thiên đàng. Và hàng tuần, vào ngày thứ Sáu tất cả các nam tín đồ phải đến thánh đường cầu nguyên, nghe đọc kinh Coran hoặc nhe giảng đạo. Ngoài những quy định trên thì đạo Hồi không có những lễ lạt, không có tu sĩ, không có điện thờ, không có tranh tượng và không có ca nhạc tôn giáo.

Cũng do bất bình với những tệ nạn xã hội, Mohammed đặt ra hàng loạt những quy định mới cho tín đồ được thể hiện trong kinh Coran như cấm giết trẻ gái sơ sinh, cấm uống rượu và cờ bạc, hạn chế ly dị vợ, cấm tiệt nạn mãi dâm... Như vậy có thể khẳng định rằng nếu so sánh với những tập tục lạc hậu truyền thống thì sự xuất hiện của đạo Hồi là một bước tiến bộ lớn .

Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 2)
Nhà báo Nguyễn Như Phong tại sứ quán Taliban ở Islamabad

Cũng nhằm để tập hợp lực lượng và động viện tín đồ hăng hái chiến đấu, Mohammed đã truyền cho họ niềm tin về những cuộc Thánh chiến, những người tử vì sự nghiệp bảo vệ chính đạo của Thánh Allah sẽ được lên Thiên đàng mà đó mới là nơi ở vĩnh viễn của con người. Nơi này, theo mô tả của Mohammed là những đồng cỏ xanh rờn và có những dòng suối trong chảy quanh, bên dòng suối là các nàng tiên nữ (Houri) đang sẵn sàng chờ đón. Tín đồ lên Thiên đàng sẽ được mặc quần áo màu xanh, nằm trên những đệm lông cừu, ăn hoa quả, uống rượu nho và dĩ nhiên bên cạnh là những cô gái. Tuy Thiên đàng mà Mohammed hứa dành cho người tham gia Thánh chiến chưa ai được chứng kiến, nhưng những gì mà các chiến binh Hồi giáo có được sau khi chinh phục những vùng đất giàu có khác thì cũng không khác gì Thiên đàng. Đó là những vùng đất trù phú, đầy hoa thơm quả ngọt và phụ nữ đẹp. Những chiến binh Hồi giáo khi chiến thắng thì tha hồ bắt những phụ nữ xinh đẹp về làm nô lệ.

Trái ngược với Thiên đàng là địa ngục. Nơi đây có những hố đầy lửa, kẻ ác, kẻ có tội sẽ bị đốt cháy, bị đổ dầu sôi... Địa ngục còn là nơi để dành cho những kẻ không có Đức tin.

Đạo Hồi phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ VIII cho đến thế kỷ thứ XIII. Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian này thì cả Châu Âu chìm đắm trong thời kỳ đen tối của thời Trung Cổ, chính vì thế mà Hồi giáo đã làm mưa làm gió, xóa đi những đế quốc hùng mạnh như đế quốc La Mã, Bizance, Ba Tư...

Người duy nhất trong lịch sử đã góp phần làm suy yếu Hồi giáo chính là Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) - vị hoàng đế đầu tiên của Mông Cổ.

Vào thế kỷ thứ XIII, Thành Cát Tư Hãn đưa quân đi chinh phục toàn bộ vùng Trung á, Trung Đông ngày nay. Thành Cát Tư Hãn tàn sát không chút thương tiếc với những thành phố Hồi giáo. Ở thành Bukhara thuộc Iran ngày nay, Thành Cát Tư Hãn đã cho chém sạch 30.000 người, còn sau trận đánh chiếm thành Bagdad, Hãn đã giết hơn 800.000 người. Những đoàn kỵ binh Arập tan tác dưới làn mưa tên của quân Mông Cổ, nhiều tòa thành kiên cố và có những thành phố đông đúc lần lượt bị quân Mông Cổ tàn phá đến nỗi hàng trăm năm sau không có bóng người... Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết, các đời con cháu của Hãn như Hốt Tất Liệt... vẫn tiếp tục chinh phục vùng bán đảo A Rập và đạo Hồi suy yếu nhanh từ năm 1550, một phần do bị quân Nguyên - Mông tấn công, một phần do mất đoàn kết nội bộ.

Ngay sau khi Mohamed chết, vì không có con trai nên các đệ tử của ông đã tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau và cuộc tranh chấp quyền lực diễn ra gay gắt khiến Hồi giáo bị chia thành nhiều hệ phái mà chủ yếu là có 4 phái lớn là Su-nit; Si-it, Ismalis, Su-fit

Đạo Hồi truyền vào Đông Nam á từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ XII bằng con đường buôn bán qua những thương gia ấn độ và A Rập, nơi sớm nhất là Indonesia. Còn ở Việt Nam, đạo Hồi có từ thế kỷ thứ X mà chủ yếu là người Chăm. Hiện nay, tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam chỉ có khoảng hơn 80.000, tập trung chủ yếu ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh... Đạo Hồi ở Việt Nam là một trong 6 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động.Tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam chủ yếu theo dòng chính thống gọi là Chăm Islam và là dòng "hiền lành", ít mang những tư tưởng cực đoan.

***

Sau bốn tiếng rưỡi bay, chúng tôi tới Lahore lúc 22 giờ 30 phút giờ địa phương tức là 0 giờ 30 phút giờ Hà Nội. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là hình như cuộc chiến đã bắt đầu xảy ra. Trên sân bay, cảnh sát, nhân viên an ninh, lính cơ động nhiều gấp mấy lần hành khách. Người nào cũng súng tiểu liên kè kè hoặc bên hông đeo trễ những khẩu côn. Sau những thủ tục hết sức rườm rà và lại những cuộc kiểm tra mới, chúng tôi đã được nhập cảnh Pakistan, một đất nước có số dân theo đạo Hồi đứng thứ nhì thế giới - khoảng hơn 130 triệu. Nhà đón khách đến của sân bay Lahore nom như một nhà kho bỏ hoang với những chiếc ghế gãy hoặc long chân vứt lung tung, những chiếc bàn mục nát, những bức tường loang lổ, và khu vệ sinh thì hệt như những nhà vệ sinh công cộng của Việt Nam những năm 70. Thật kỳ lạ, một đất nước dám bỏ tiền ra làm bom nguyên tử, một thành phố còn lớn hơn cả thủ đô Islamabad và là nơi sản xuất nước nặng dành cho các lò phản ứng nguyên tử mà lại để một sân bay hằng ngày có hơn 50 chuyến đi và đến rách nát đến thảm hại như vậy. Gần đây, dư luận thế giới hết sức quan tâm trước một vấn đề xem ra không đùa được, đó là việc liệu bọn khủng bố có vũ khí nguyên tử hay không? Và câu hỏi này chủ yếu chĩa vào Pakistan, bởi lẽ quốc gia này đã thử thành công bom nguyên tử. Để trấn an dư luận, Tổng thống Musharraf đã phải tuyên bố là 7 cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Pakistan là Lahore, Multan,Khushab, Chagai Hills, Kahuta và Islamabad đã được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, không có cơ hội nào cho bọn khủng bố định lấy cắp vũ khí hạt nhân.

Nhà báo Nguyễn Như Phong và sản phẩm áo in hình Bin Laden

Cái ý định ngủ lại sân bay chờ sáng của chúng tôi biến mất và thay vào đó là một đêm ngủ tại khách sạn với giá 50 USD nhưng muỗi bay vù vù, chiếc điều hòa một cục cổ lỗ sĩ kêu như xay lúa. Vì một số đồ cá nhân chúng tôi gửi theo khoang hành lý nên cái gía phải trả là 6 USD cho hai chiếc bàn chải đánh răng và ống thuốc mặn đắng.

Chúng tôi lại ra sân bay đi Islamabad và rợn hết tóc gáy khi thấy ở sân bay không ít người bị cảnh sát chĩa súng tiểu liên Mỹ vào người rồi khám. Báo hại cho tôi là mang theo chiếc máy ảnh kỹ thuật số, mấy tay an ninh hàng không thấy lạ, cứ mang đi hỏi khắp nơi. Qua ba lần cổng tự soi đồ, hai lần bị khám người, chúng tôi mới được lên chiếc Boeing 707 già nua của hãng PIA.

Trước giờ khởi hành, bỗng trong loa vang lên tiéng ê a: "Ala...Ala...!”. Trời ơi, hóa ra phi hành đoàn cầu kinh Coran. Nghe họ đọc kinh, tôi bỗng liên tưởng đến quyển kinh Coran dày cộp mà tôi cố cõng theo. Trong quyển kinh được tồn tại từ thế kỷ thứ VII đến nay chưa sửa một chữ, có một điều như thể báo ứng trước vụ khủng bố ngày 11-9 vừa rồi. ở đoạn phần Surah 16,đoạn 4 điều 26 , đại ý như sau: "Chắc chắn những kẻ âm mưu phá hoại chính đạo của Allah, nhưng chính Allah đến phá nền móng kiến trúc của chúng cho nên nhà của chúng sụp đổ đè lên chúng và hình phạt đến bắt chúng từ những chỗ chúng không nhận thấy".

Từ trên máy bay nhìn xuống, đối núi cằn cỗi một màu vàng ệch. Cũng có những thửa ruộng bậc thang và những nếp nhà thấp lúp xúp, cũng có những đàn trâu đi lại nghênh ngang, nhưng vào gần thành phố lại là những rừng cây tuyệt đẹp.

Thành phố Islamabad như chìm trong rừng cây được giữ gìn rất cẩn thận. Nhà trong thành phố hầu hết là hai tầng và mái bằng, rất hiếm nhà cao tầng và nếu có thì chỉ là mấy nhà băng mới xây trên những đại lộ mới. Chim chóc nhiều vô kể. Quạ, sáo, chim sẻ dạn người đến mức đuổi không buồn bay. Thành phố đẹp, duyên dáng, rất sạch sẽ, nhưng không khí chiến tranh cũng nóng hầm hập. Cảnh sát, an ninh, quân đội với súng đạn đầy mình rải trên khắp các trục đường, thậm chí có nơi đứng giăng hàng, thi thoảng lại thấy có những lô cốt bằng bao cát mọc lên ở ngã tư. Các cửa hàng, cửa hiệu đặc biệt là nơi bán văn hóa phẩm thì chỗ nào cũng có ảnh Bin Laden.

Chúng tôi đến Đại sứ Afghanistan tại Islamabad và hết sức ngạc nhiên trước vẻ hiu quạnh ở đây. Ngoài cổng là một túp lều bạt rách nát làm nơi che mưa nắng cho ba người lính gác và mấy chiếc ghế nhựa với một chiếc bàn con dùng làm nơi... tiếp khách. Trong lều có hai người đang nằm cò queo ngủ, còn đứng gác là một người gầy gò mặc bộ quần áo đen, cầm khẩu súng K63 đã cũ rích đứng như tượng và nhìn chúng tôi chụp ảnh bằng con mắt vô hồn. Nhân viên an ninh sứ quán là một người đàn ông đứng tuổi, râu rậm than thở với chúng tôi rằng lắm nhà báo đến quá, ngày nào cũng vài chục người tới, khiến ông đại sứ phải trốn . "Người ta định dồn chúng tôi vào con đường chết thì họ phải chịu hậu quả bởi Thánh Allah dạy chúng tôi là đằng sau cái chết là sự sống vĩnh cửu" - Anh ta nói như vậy.

Trong những ngày này Islamabad trở thành một điểm nóng không kém gì Kabul - thủ đô của Afghanistan bởi nhiều lẽ. Trước hết là những cuộc biểu tình liên miên của những người Hồi giáo ủng hộ chính quyền Taliban. Trước đây, Pakistan đã sát cánh cùng quân của Mujahatdin và sau này là quân Taliban chống lại chính quyền cách mạng và quân đội Liên Xô cũ. Người Hồi giáo ở hai quốc gia này có mối quan hệ chặt chẽ, keo sơn từ thời Thành Cát Tư Hãn. Vào thế kỷ thứ XIII, khi Thành Cát Tư Hãn thôn tính toàn bộ vùng Trung Á, Trung Đông, một phần Châu Âu , đã bắt những người theo đạo Hồi ở TrungÁ lấy rương chạm trổ đựng kinh Coran làm máng cho ngựa ăn, lấy quyển kinh đem nhóm lửa. Thành Cát Tư Hãn bảo những người Hồi giáo là khi lên thiên đàng, thích theo Thánh nào thì theo, còn nếu sống, thì phải theo... lưỡi gươm của Hãn. Chính vì vậy mà những cuộc khởi nghĩa diễn ra liên miên của người dân Afghanistan và Pakistan không ngừng nổ ra. Bây giờ, không ít người Pakistan coi lời đe dọa của Mỹ và Đồng minh là đe dọa chính họ, vì vậy họ dứt khoát phải bảo vệ người anh em bên kia biên giới. Còn nếu Chính phủ Pakistan khước từ yêu cầu của Mỹ, thì hậu quả về kinh tế là vô cùng to lớn. Pakistan là nước nghèo nhưng mấy năm gần đây thêm kiệt quệ vì chính phủ đầu tư cho công nghiệp hạt nhân và nạn tham nhũng. Chính quyền Pakistan biết rõ hơn ai hết hậu quả của cuộc cấm vận do Mỹ áp đặt sau khi họ thử vụ nổ hạt nhân. Vừa rồi, để lôi kéo Pakistan vào cuộc, Mỹ đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận và tăng cường viện trợ. Việc này không làm cho người dân Pakistan vui mừng, bởi vì họ không muốn vì đồng tiền mà bán anh em, họ không giống như quốc gia nào đó đem bán cả tổng thống của mình để lấy tiền.

Không mất nhiều thời gian, chúng tôi biết ngay được hiện nay Pakistan đang nợ nước ngoài gần 60 tỉ, trong khi đó, thu nhập của quan chức cao hơn lương công nhân từ 20 đến 100 lần, cộng thêm vào đó là gánh nặng từ hơn 2 triệu người di tản từ Afghanistan tràn sang từ 10 năm nay.

Từ khi xảy ra vụ khủng bố 11-9, Islamabad vắng bặt khách du lịch nhưng bù vào đó là đội quân báo chí ùn ùn đổ tới.

Các nhà báo trước giờ... G

Giá các khách sạn tăng từ 2 đến 5 lần, giá thuê ô tô tăng 3 lần, giá thuê người hướng dẫn và biết thổ ngữ tăng gần... 5 lần; mạng thông tin liên lạc liên tục bị tắc ngẽn... Đó là "thành quả" đầu tiên của hơn 1.000 nhà báo từ khắp các châu lục xông tới "mỏ vàng" tin tức Islamabad.

Hùng hậu nhất phải kể tới là Hãng truyền hình CNN. Hãng đã thuê gần như sạch lầu 4 của khách sạn Marriot là khách sạn sang nhất Islamabad để cho đội quân 47 người, trong đó có những nhà báo mà cả thế giới biết tên như nữ phóng viên Ama Pour. Đi theo đội quân này là hai chục máy quay và gần... 20 tấn thiết bị. Để làm khu kỹ thuật có phòng hãng phải thuê với giá gần 2.000 USD/ngày. Hãng còn thuê cả 300 m2 sân thượng để làm trường quay.

Chúng tôi đến "đại bản doanh" của CNN tại khách sạn và được một vị trong ban chỉ huy rủ đi biên giới Pakistan vào ngày hôm sau. Phải công nhận rằng phóng viên của CNN là những người "có giá" nhất vì thế họ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất với chi phí "Mỹ" nhất để có thể có những thước phim giá trị nhất.

Đứng sau CNNBBC, hơn ba chục người và 12 tấn thiết bị. Cũng ở khách sạn Marriot còn có gần 200 phóng viên các hãng truyền hình CNBC, NHK và của các báo lớn như Le Mondial; L' Express, New York Time, The Sun, Bangkok Post... Nhà hàng và khu ăn nhẹ của khách không lúc nào ngớt người, con đường trước khách sạn, ôtô của nhà báo đỗ dài cả gần cây số. Báo lớn nhiều tiền thì thuê khách sạn sang, nhưng cũng có hàng trăm nhà báo tỏa vào các xóm nghèo thuê nhà với giá bằng một bữa ăn bình dân: 5 USD/ngày.

Cứ hai ngày một lần, vị đại diện Cao ủy LHQ về người tị nạn và Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Pakistan lại tổ chức họp báo vào lúc 5 giờ chiều để thông báo tình hình, mỗi buổi thường kéo dài nửa tiếng.

Pakistan là đất nước mà Hồi giáo là quốc đạo, trong cuộc sống của người dân phải tuân theo vô số điều trong luật Sariat, ấy vậy mà hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình lại phát triển rất mạnh và... khá thoáng. Cả nước có 170 tờ báo ra hằng ngày trong đó có những tờ rất mạnh như tờ Daiwn, có gần 300 phóng viên và số lượng phát hành gần 1 triệu bản; có 2.000 tờ báo tuần, tạp chí, báo địa phương; đài truyền hình phát trên 25 kênh, trong đó ngoài 16 kênh nước ngoài, còn lại 4 kênh Nhà nước và 5 kênh tư nhân. Bên cạnh những kênh suốt ngày chỉ nói về giáo lý của đạo Hồi thì có kênh chiếu phim “mát đến một nửa".

Nhiều báo, tạp chí "ném" quân đi có tổ, có đoàn nhưng cũng không ít nhà báo đến đây một mình. Cái cảnh "xểnh nhà ra thất nghiệp" và những chuyện lạ ở xứ người khiến các nhà báo phải "đoàn kết" và có vẻ "thương yêu" nhau hơn, đặc biệt là trong chuyện chia sẻ thông tin.

Ngay khách sạn của tôi và Quang Thiều ở, cách trung tâm đến 5 km cũng chỉ toàn nhà báo. Trong đó có một phụ nữ người Anh tên là Elizabet phóng viên của tờ Người New York đi "cô độc". Chị là người giỏi tiếng Trung Quốc, thông thạo tiếng Pháp và chúng tôi làm quen với nhau khi chị thấy tôi cứ loay hoay không biết làm cách nào mà chuyển những bức ảnh về tòa soạn qua đường Internet. Cũng phải nói thêm là tôi rất dốt về Internet, vì vậy, trước khi đi, tôi đã phải nhờ các nhân viên kỹ thuật viết ra cho một bản hướng dẫn cách truyền và nhận tin cực kỳ tỷ mỷ. Vậy mà theo sự hướng dẫn đó, cũng có lúc không truyền được. Elizabet giúp tôi truyền ảnh về rồi qua nói chuyện chị than thở với chúng tôi rằng không biết làm thế nào để đi đến các trại tị nạn. Không nỡ để người phụ nữ gầy yếu thất vọng, tôi mời chị sáng hôm sau đi. Chị mừng quá, còn người dẫn đường của chúng tôi là một ông già tuổi ngoài 60 giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng thổ ngữ cũng mừng cuống lên. Dù sao, trên chặng đường hàng trăm km, có một người phụ nữ cũng làm cho xe bớt nóng.

Hôm trên máy bay, khi nghe tiếng cơ trưởng cầu kinh, Quang Thiều hỏi rằng nếu Thánh Ala cho một điều ước thì tôi sẽ ước gì? "Tôi muốn Thánh biến ngay gã râu rậm, béo ục ịch bên cạnh tôi thành một cô gái đẹp như các cô gái vùng Trung Á trong suốt chuyến đi này" - Tôi bảo Thiều như vậy.

11 giờ 30 phút ngày chủ nhật, sau hơn ba giờ đồng hồ đi ôtô vượt qua quãng đường khoảng 250 km, chúng tôi đã tới cửa khẩu Torkham thuộc tỉnh Peshawar (Pakistan). Thực ra, nơi mà chúng tôi bị chặn lại còn cách cửa khẩu chính hơn 3km và barie chỉ là mấy hàng rào dây thép gai hình mái nhà thấp lè tè và đặc biệt những mảnh thùng phuy uốn phẳng treo trên một cây gỗ dài. Tuy nhiên, hiệu quả hơn hàng rào là lính biên phòng, công an cửa khẩu, cảnh sát chống ma túy lăm lăm súng AK, RPD, rồi M16... dòm vào từng xe ôtô.

Nếu là người Pakistan hay Afghanistan thì đi thoải mái, còn người nước ngoài... quay lại ngay!. Điều đó thể hiện rõ nhất tình cảm của nhân dân hai nước bất chấp mọi sự thay đổi của các nền chính trị. Lệnh cấm người nước ngoài qua biên giới hai nước được Chính phủ Pakistan ban hành từ ngày 14 tháng 9. Tại các cửa khẩu, một vùng trắng khoảng 3km được quân đội cai quản. Người nước ngoài phải có giấy phép đặc biệt do chính phủ cấp mới được đi qua khu vực này. Và cho đến nay, trừ có cô phóng viên người Anh dám mạo hiểm trùm kín mặt vào đất Afghnistan để rồi phải trả giá đắt, còn không có nhà báo nào dám đùa với quân Taliban cả. Hai quốc gia vùng Trung á này có đường biên dài đến gần 2000 km và tất cả đều là rừng núi hiểm trở. Không ai tính nổi có bao nhiêu con đường tiểu ngạch ở đường biên, nhưng cơ bản cũng giống như ở Việt Nam, người bên này lấy vợ lấy chồng bên kia. Từ Afghanistan đưa sang có hoa quả mà chủ yếu là táo, hồng, dưa hấu, cà tím, nho; còn từ Pakistan đưa sang các loại thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng. Hoa quả của Afghanistan khá ngon, nhất là hồng và dưa hấu. Hồng Apghanistan quả dẹt, màu đỏ nhạt, không có hột và ăn dẻo như khoai sấy Đà Lạt và ngọt lạ kỳ, còn táo thì xoàng.

Khu vực cửa khẩu "dành để cấm người nước ngoài" nằm cạnh chợ. Gió thổi lồng lộn cuốn bụi cát bay mù mịt mang theo mùi hoi nồng nặc của thịt cừu treo lủng lẳng ngoài các gian hàng thịt. Thịt bày bán ở đây chủ yếu là thịt cừu và có ít thịt bò.

Từ bên kia biên giới, dòng người chạy trốn cuộc chiến tranh sắp nổ ra ùn ùn kéo vào Pakistan. Trẻ con, người già thì đi xe tải, còn thanh niên thì đi bộ. Người dẫn đường của chúng tôi cho hay, cứ nhìn người là biết ngay họ ở đâu. Nếu là người già, ăn mặc rách rưới hoặc trùm đủ mọi thứ vải hoặc giẻ rách lên người, nếu là phụ nữ, áo choàng lụng thụng trùm kín từ đầu đến chân chỉ để mỗi cái mạng to bằng lòng bàn tay... thì ắt đó là người Afghanistan. Càng về trưa, khu vực cửa khẩu càng trở nên hỗn loạn bởi vì chả hiểu từ đâu, tung ra cái tin khoảng 200 lính đặc nhiệm của Mỹ - Anh đã đến tỉnh Peshawar và nơi này sẽ là khu vực tập kết của các đội đặc nhiệm. Tin đó cộng với chuyện chiều ngày 6-9, lính Taliban đã thử tên lửa phòng không và trên hết là không biết bao nhiêu nhà báo đang tỏa vào mọi ngõ ngách, những rừng ăng ten các loại mọc trên nóc các nhà cao tầng... khiến cho không riêng gì người dân mà ngay cả chúng tôi cũng thấy cuộc chiến tranh sẽ nổ ra có lẽ chỉ vài giờ nữa. Nhiều người dân từ phía Afghanistan hớt hải chạy sang bên này bằng đi bộ, cưỡi ngựa, hoặc cưỡi trên những con la gày còm nom chỉ nhỉnh hơn chú cừu một tí. Có gã thanh niên cưỡi la còn đạp hai chân xuống đất cho la chạy nhanh hơn. Chúng tôi bắt chuyện với một toán cảnh cảnh sát chống ma túy, họ cười và bảo, mấy ngày nay rồi, trưa nào chả vậy, nhưng đến chiều, thấy chưa đánh nhau, nhiều người trong số họ lại trở về.

Trên suốt chặng đường từ Islamabad đến biên giới, chúng tôi thấy không biết là bao nhiêu các khu trại tị nạn của những người Afghanistan rời bỏ quê hương (Refugees Afghanistan Camp). Khu vực nhỏ thì vài chục lều còn khu lớn đã có từ lâu thì rộng cả chục cây số vuông. Tờ quảng cáo du lịch của tỉnh Peshawar cũng giới thiệu một số mặt hàng của người Afghanistan tị nạn.

Cảnh sát chống ma túy của Pakistan mặc quân phục cực kỳ lạ mắt. Đó là bộ quần áo chùng đen kịt và mũ kêpi cũng đen. Người đi giày, kẻ đi dép, người khoác AK, người súng ngắn... Họ có thể khám bất cứ xe nào, lục lọi thân thể bất cứ ai chỉ sau một cú ngoắc ngón tay.

Người dẫn đường cho chúng tôi biết Cảnh sát Pakistan lương rất thấp (trung bình khoảng 50 USD/tháng), cho nên họ rất chịu khó "kiếm ngoài" và sẵn sàng nhận từ 20 rupi (1 USD đổi được 60 rupi), để gọi là "thông cảm". Từ lâu, mảnh đất cằn cỗi bên kia biên giới được chính quyền Taliban khuyến khích trồng cây thuốc phiện và coi đó là nguồn sống chính với sản lượng hằng năm trên 2.000 tấn, vì thế, Pakistan trở thành khu trung chuyển cũng không có gì lạ.

Với người lần đầu đến Pakistan như chúng tôi, nơi đây quả chứa đựng nhiều điều huyền bí như trong truyện "Ngàn lẻ một đêm" và cái mới, cái cũ đan xen nhau, tương phản rất mạnh. Trên con đường khá rộng và xe cộ chạy cực kỳ có luật lệ thì vẫn thấy những đàn cừu, đàn dê nghênh ngang, những người đàn ông cưỡi những con la nhỏ bé chạy lũn cũn; những người phụ nữ trùm kín mặt đi vội vã và hơi tý là quay mặt đi hoặc kéo khăn che mặt chỉ để lại một kẽ hở đủ cho ánh mắt nhìn.

Xe ôtô ở Pakistan không nhiều lắm và xe con thì hầu hết là xe cũ từ những năm của thập niên 80. Lạ mắt nhất là nhìn xe tải, xe ca chở khách chạy trên đường. Mỗi chiếc xe được trang trí như một món lẩu thập cẩm hội họa. Nào là rồng, rắn, chim muông, nào là hổ báo, ngựa dê, nào là tranh vẽ các diễn viên chàng thì máu me đầy mặt, tay giơ dao găm, nàng thì phưỡn bụng, phơi rốn ra múa. Chưa hết, các xe tải còn có những "đăng ten" quanh thành bằng dây xích sắt nhỏ, treo đủ các loại cờ, phướn mà chủ yếu là màu đen, cũng không ít xe dán cả ảnh Bin Laden giữa đám chim muông sặc sỡ kia.

Càng gần đến thành phố Peshawar, càng có nhiều những khu thành cổ mang nặng kiến trúc kiểu Anh, những nhà thờ Hồi giáo nguy nga và sừng sững bên những nhà mái bằng thấp lúp xúp của người dân. Doanh trại quân đội là nơi dễ nhận ra nhất bởi vì hầu như đơn vị nào đóng quân cũng đều bày ra ngoài cổng hoặc là xe tăng, hoặc đại bác, súng thần công cổ, thậm chí cả tên lửa phòng không đời mới. Mỗi khi thấy tôi muốn đưa máy ảnh lên chụp, người dẫn đường lại run lên, vội vã ngăn cản... Cấm chụp ảnh các khu vực có lính, dù chỉ là ngoài đường, cấm chụp ảnh phụ nữ, cấm uống bia rượu... Đó là những điều cần biết khi đến đất nước Hồi giáo này.

Ở ngay khu vực cửa khẩu này, do một sự tình cờ mà chúng tôi đã suýt vào được một ngôi trường của chính quyền Taliban dành để đào tạo những "phần tử trung thành nhất của Thánh Ala". Số là khi đang đứng xem một cách tò mò khu nhà kiến trúc mang đậm bản sắc Hồi giáo, chúng tôi thấy cổng mở, và từ bên trong, một chiếc xe Toyota màu đen từ từ chạy ra, bên cạnh có đám trẻ bám xúm xít. Tôi nhận ra ngay người mặc áo trắng, khuôn mặt béo tốt phương phi, có bộ râu rậm đen nhánh chính là ông đại sứ của Chính quyền Taliban tại Pakistan. Thấy tôi giờ máy ảnh lên, ông vội vã lấy tay che mặt và quay kính xe xuống, hét lên câu gì đó... Trong lúc còn đang nhốn nháo, tôi và Quang Thiều chạy vào phía trong cổng nhưng ngay lập tức, có mấy người đàn ông đứng tuổi lao ra và đẩy bắn chúng tôi ra ngoài rồi đóng sập cửa lại. Mấy cậu học sinh ăn mặc sạch sẽ vừa nói chuyện với chúng tôi trong sân bị ăn đòn ngay lập tức.

Bà Elizabet, thì vội vàng lấy máy ghi âm ra hỏi chuyện một số học sinh vây quanh. Sau khi vừa chụp lén được mấy tấm ảnh ngôi trường bằng máy kỹ thuật số thì phát hiện ra có ba gã thanh niên nhưng râu cũng đã để dài từ phía ngoài đường lớn xông tới, tôi vội vàng chuồn thẳng nhưng không kịp. Họ giữ lấy tôi và đòi thu mảy ảnh. Tôi bắt đầu thấy lạnh buốt sống lưng khi họ sờ nắn khắp người cứ gào lên "Photo... photo !". Họ quát tôi bằng tiếng Anh, còn tôi thì cứ ra sức "thanh minh" bằng tiếng Pháp khiến ai nói người đó nghe. Rất may người dẫn đường của tôi cũng đang bị vây cùng Quang Thiều và bà Elizabet nhìn thấy và đến kịp. Bằng tiếng thổ ngữ, ông đã ngăn họ lại và sau một hồi giải thích mà tôi cũng chẳng hiểu họ nói với nhau những gì, tôi được cho đi, kèm theo những câu tiếng Anh giận dữ: "Go... go !". Tôi thoát được ra ngoài và yên trí với một số bức ảnh chụp được thì bà Elidabet cũng suýt bị thu máy ghi âm.

Hóa ra đây chỉ là một trong bảy ngôi trường lớn nằm trên đất Pakistan nhằm chỉ đào tạo cho học sinh người Afghanistan. Đã từ lâu, người ta coi những ngôi trường này là nơi dạy dỗ, nhồi nhét vào đầu bọn trẻ những điều cực đoan nhất, khiến chúng trở thành những tín đồ Hồi giáo cuồng tín. Không một ai được biết nội dung trong trường dạy bọn trẻ cái gì, chỉ biết rằng thứ mà chúng học duy nhất là Kinh Coran.Thời gian học văn hóa của chúng chỉ bằng 1 phần 3 thời gian học quân sự. Dĩ nhiên, khi đã đến tuổi trưởng thành, chúng lại được đưa đi nơi khác, vào những "ngôi trường" khác.

Nhà trường mà nơi tôi được biết này có khoảng 500 học sinh chủ yếu là ở lứa tuổi 15 trở lên. Từ năm ngoái đến nay, số lượng học sinh có tăng hơn và kỷ luật nhà trường cũng chặt chẽ hơn. Học sinh hầu như không còn được ra đường, không được về quê. Chẳng hiểu đây có phải là cái "nôi" đào tạo ra những kẻ "khủng bố" tương lai hay không, như lời nhận xét của nhiều người phương Tây, nhưng tôi cũng cảm thấy sau bức tường cao đến 5 mét này có điều gì bí ẩn. Việc vị đại sứ của chính quyền Taliban đến đây trong lúc nước sôi lửa bỏng hẳn là có chuyện không bình thường. Khi đã lên ôtô và chạy đi được một quãng xa, tôi mới hoàn hồn và chẳng riêng gì tôi, bà Elizabet cũng như Quang Thiều đều thấy hú vía. Sau phút hí hửng ban đầu, Quang Thiều bỗng phát hiện ra từ sáng đến giờ, mình chụp bao nhiêu ảnh đều là công cốc. Hóa ra là lúc lắp phim, do sử dụng máy ảnh đi mượn nên không quen, Quang Thiều đã lắp phim không đúng cho nên máy cứ bấm, màn hình vẫn chập, số báo kiểu phim vẫn cứ hiện nhưng phim thì nằm im, không chạy. Làm báo có chuyện quái quỷ thế đấy. Chả trách, có anh ác mồm bảo chớ có đi mượn máy ảnh và chớ có cho ai mượn máy ảnh hành nghề của mình. Cho bạn mượn... vợ thì chả chắc đã hỏng nhưng cho mượn máy ảnh, đến lúc mình cần chụp mà máy trục trặc thì cái cơ hội chỉ là 1/125 giây qua mất, sẽ ân hận mãi.

Những địa ngục trên trái đất

Chúng tôi đến trại tị nạn của người Afghanistan (RAC - Refugees Afghanist Camp) ở gần cửa khẩu Torkham thuộc tỉnh Peshawar khi trời đã về chiều. ánh nắng chiều đỏ quái và bỏng rát làm cho bầu không khí ở khu trại khổng lồ này như đặc lại, oi ả, ngột ngạt vô cùng.

Xe vừa dừng, bọn trẻ con từ trong các ngôi nhà đắp bằng đất thấp lè tè ùa ra vây lấy chúng tôi. Trước khi vào trại , người dẫn đường yêu cầu chúng tôi kiểm tra lại nơi "cất giấu" tiền, hộ chiếu và tất cả những gì có thể mất, kể cả đồng hồ đeo tay.

Theo như ông nói thì bọn trẻ ở trại tị nạn biết móc túi như làm ảo thuật trước khi biết chữ. Rồi ông giải thích rằng nói là biết chữ cho có vẻ "đời sống cao" chứ chúng thì không có khái niệm trường học. Tôi đã một lần bị mất cắp ở Paris năm 1998 nên cũng không đến nỗi ngờ nghệch lắm, còn Quang Thiều thì khỏi phải nói, đã đi nước ngoài như đi chợ nên kinh nghiệm đầy mình.

22 năm chiến tranh liên miên và dưới chế độ cai quản của chính quyền Taliban hà khắc nhất trong lịch sử nhân loại, đất nước Afghanistan rộng hơn 600.000 km2 đã trở nên điêu tàn đến mức không có một cơ sở kinh tế nào đáng giá vài triệu USD.

Tại thủ đô Islamabad chúng tôi đã gặp một vị trong văn phòng của Cao ủy những người tị nạn của LHQ (UNHCR) và được cung cấp những thông tin mà theo ông là còn "cách sự thật khá xa", tuy thế những thông tin cũng làm chúng tôi sửng sốt.

Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 2)
Trẻ em ở một trại tị nạn

Theo báo cáo của UNHCR, hiện nay đã có gần 30% dân số chạy khỏi Kabul; 1,6 triệu người trên đất Afghanistan không có nhà cửa, 30 % số dân không biết đến y tế là gì, hàng tháng có 300 người chết vì vấp phải đủ các loại mìn còn lại từ các cuộc chiến tranh; 25% trẻ em dưới 5 tuổi bị chết. Người dân Afghanistan vượt rừng núi chạy sang các nước láng giềng là Pakistan, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan... cho đến nay đã ượt quá con số 5 triệu, trong đó riêng Pakistan là khoảng 2,5 triệu.

Nhưng từ sau cuộc khủng bố ngày 11-9 vừa qua, lo sợ Mỹ tấn công trả đũa, gần 300.000 người đã tràn sang Pakistan trên khắp các nẻo đường biên có thể đi được. Tại Iran có 1,5 triệu , còn lại rải rác ở các quốc gia khác. Tuy vậy, con số khó chính xác vì ngoài những trại tập trung có quản lý thì còn hàng nghìn trại với quy mô từ vài chục đến vài trăm lều nằm ở Pakistan, Iran...

Trong những năm qua, các cơ quan hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tuy cũng đã làm việc cật lực nhưng sự giúp đỡ cho những người khốn cùng ở Afghanistan xem ra chỉ là muối bỏ bể. Xin đơn cử vài con số khô khan để bạn đọc thấy: Năm 2001, các quốc gia và các tổ chức quốc tế góp được 322 triệu nhưng cho đến tháng 9, mới được khoảng 160 triệu; có những quốc gia láng giềng giàu nứt đố đổ vách như Arập Xêút chỉ cho... 500.000 USD.

Nhiều dự án tuy có nhiều tiền nhưng chả giúp được gì cho người dân đang dở sống dở chết như "Dự án nghiên cứu nhân quyền ở Afghanistan".

Ngay người phụ trách văn phòng cứu trợ khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc tại Islamabad cũng phải lắc đầu, tỏ ý không hiểu nổi người ta còn nghiên cứu về "nhân quyền" ở đây làm gì. Một quốc gia mà chỉ có vài ba nước công nhận thì chắc chắn trong "từ điển" của họ không có từ "nhân quyền". Của đáng tội, vào thế kỷ này mà còn tồn tại một chính quyền quái dị như Taliban thì không thể hiểu nổi. Vừa rồi, xe chở thuốc men cứu trợ của LHQ bị chúng bắn tan ở gần Kabul, rồi từ 22-9, toàn bộ hệ thống liên lạc của Văn phòng LHQ tại Kabul bị cắt. Nhưng thế chưa đủ, đoàn xe chở 200 tấn lương thực đã bị lính Taliban chặn lại ở cửa khẩu Torkham và từ đây, toàn bộ số gạo, hàng hóa được chất lên lưng 4.000 con lừa để đi một quãng đường dài... 4.500m và sau đó mất hút. Không một nhân viên nào của LHQ đi theo thì chỉ có Thánh Allah mới biết chúng được chở đi cho ai.

Dọc đường đi lên cửa khẩu Torkham, chúng tôi thấy vô vàn những chiếc lều được dựng bằng đủ thứ vải linh tinh mọc trong những cánh rừng thưa ven đường. Chính vì thế, nói không hề sai chút nào thì Afghanistan là quốc gia có số người đi tị nạn lớn nhất thế giới, Pakistan là nơi chứa nhiều người tị nạn nhất thế giới và trại tị nạn Torkham mà chúng tôi đến cũng là trại lớn nhất thế giới.

Trên mảnh đất rộng khoảng 5km2 có gần... 500.000 con người đang chen chúc trong những ngôi nhà tường đất, mái đắp bằng đất và cao không quá 2,5 m. Quả thật, nếu đứng trên cao nhìn xuống, khó có thể nghĩ rằng đây là khu vực có nhà cửa, bởi chúng chỉ có chiều cao như nhau, một màu đất vàng nhạt như nhau, và dĩ nhiên là cung tồi tàn như nhau. Có lẽ nó giống một cánh đồng đã mấy mùa hạn hán, trên đó ngang dọc những vệt nứt nẻ.

Chúng tôi chui vào một căn nhà thực sự cảm thấy kinh hoàng trước tình cảnh thê thảm đến mức khó có thể tưởng tượng nổi. Căn nhà rộng chừng 12 m2 này tối như hũ nút vì không có cửa sổ. Từ trên nhà, những cọng lá chuối, những mảnh vải đã mục bốc mùi thum thủm thò xuống lòng thòng. ở đây người RAC làm nhà đơn giản vô cùng. Mái nhà tường chỉ là ít cây gác ngang rồi họ rải cành cây, hoặc lá chuối, quần áo rách v.v... lên đó và trát bùn phía ngoài, thế là xong. Trời mưa lớn thì dĩ nhiên trong nhà như ngoài sân, nền nhà thành ruộng bùn ngập đến mắt cá chân. Trời nắng, ngột ngạt quá, họ phải chui ra khỏi nhà như chuột rời hang và chỉ dám trở về khi Mặt Trời lặn.

Nhà có 7 người, hai ông bà già đã gần 80 tuổi, hai vợ chồng và ba đưa trẻ, lớn nhất mới 15 tuổi. Trong nhà chỉ một chiếc giường cỡ 1,4m và một chiếc 80cm, trên đó chất chồng chất đống đủ loại chăn, màn, quần áo mà tất cả đều rách nát. Có một gian nhỏ làm bếp. Bà cụ già đang nặn những chiếc bánh "nan" bằng bột mỳ. Bánh "nan" là loại bánh ăn chính bữa phổ biến ở vùng Trung á làm bằng bột mỳ nhào kỹ, đem dát mỏng rồi nướng trong những bếp lò đốt bằng phân cừu, ngựa trộn bùn rồi phơi khô. Một chảo nhỏ ninh xương cừu đang sôi ngùn ngụt, bốc mùi hoi đến tức ngực.

Nhà văn Quang Thiều rỉ tai bảo tôi: "Không khéo sau chuyến đi này, mùi thịt cừu ám đến cả năm". Bà cụ gầy quắt queo nhìn chúng tôi bằng ánh mắt cầu khẩn. Không cầm lòng được, tôi đưa cho cụ tờ 500 rupi, ngay lập tức, người dẫn đường vội lôi tôi chạy. Ông ta bảo, người ta mà thấy anh cho tiền, bọn trẻ con ùa đến thì nguy đấy.

Ở các trại tị nạn, người dân sống bằng đủ mọi thứ nghề, từ đi vào thành phố làm cửu vạn, làm thuê cho các xí nghiệp, các cửa hàng, đi buôn bán và dĩ nhiên cả trộm cắp, lừa đảo, và con gái không ít đứa đi làm điếm từ 13 tuổi. Trong các trại tị nạn cũng có những băng nhóm lưu manh nhưng chủ yếu chúng ra bên ngoài hoạt động và thường là buôn thuốc phiện từ Afghanistan về. Tuy vậy, ở đây không có người nghiện hút. Tại RAC Torkham, cũng có một xưởng nhỏ dệt những tấm thảm theo kiểu Aghanistan và cũng được giới thiệu trong catalô của Cục Du lịch tỉnh Peshawar. Trẻ em ở trại và người già là khổ nhất, họ không được hưởng bất cứ một chế độ chăm sóc thuốc men nào và với người già, những ngày sống ở trại là những ngày họ phải chịu hình phạt của Thánh Allah. Hẳn họ đã làm điều gì tội lỗi nên Thánh không cho họ chết để chấm dứt cuộc sống ngắn ngủi nhưng đầy cơ cực ở trên Trái Đất để đi tới một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía bên kia. Trong kinh Coran, nhà tiên tri Mohamed cũng nói Thánh sẽ ban thưởng cho những ai sẵn sàng chết vì Thánh Allah bằng cuộc sống mới ở Thiên đàng.

Tuy vậy RAC ở Torkham còn được coi là "Thiên đường" so với nhiều trại tị nạn khác. Chúng tôi tới một trại cách Islamabad khoảng 30km và nằm ngay bên đường quốc lộ đi Karachi. Khoảng hai ngàn con người ở trong hơn ba trăm chiếc lều dựng theo hình chữ A. Muốn chui vào lều phải cúi gập người xuống và khi đứng dậy cũng phải cẩn thận nếu không sẽ làm rách mái lều được làm bằng mảnh vải các loại hoặc nilon, thậm chí bằng những loại lá cây bó lại và xếp lên. Cả khu trại là một bãi rác thải kể cả chất thải của con người. Phải cẩn thận lắm chúng tôi mới không giẫm phải những bãi phân mà chỗ nào cũng thấy. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Hỏi ra mới biết tất cả khu này không có nhà vệ sinh. Người lớn thì chạy vào cánh rừng phía bên kia đường còn trẻ con, chúng “giải quyết” ngay tại đó.

Một người phụ trách trại cho chúng tôi hay, từ ngày lập trại đến nay đã được gần một tháng, mặc dù họ đã nhiều lần đề nghị với chính quyền giúp đỡ nhưng mới được cứu trợ mỗi người 3 kg bột mỳ. Nước ăn thì cứ vài ngày lại có xe chở tới, còn nước sinh hoạt, phải ra sông cách đó gần cây số. Nhưng đã ba tháng trời không có mưa, nước sông cũng bắt đầu cạn kiệt. Hiện Pakistan đang phải đối phó với nạn hạn hán mà xem chừng đã ở mức nguy hiểm. Đã có 25 đứa trẻ bị chết vì bệnh tật hoặc vì không có phương tiện cấp cứu.

Những đứa trẻ lại ùa đến vây quanh chúng tôi. Có đứa giơ cao những con sóc mà chúng bẫy được trong rừng gạ bán, có đứa lại chìa cho chúng tôi những quả mà chả ai biết là thứ quả gì. Cũng giống như ở trại Torkham, người dẫn đường nhắc chúng tôi giữ túi cho chặt.

"Tôi biết chính quyền Pakistan đang rất khổ vì những người tị nạn và cũng khó có thể giúp chúng tôi nhiều. Nhưng dù sao với tấm lòng là những người anh em, họ cũng giúp chúng tôi sống được qua những ngày khốn khó này" - Ông phụ trách trại nói như vậy.

Chúng tôi chỉ đến được 3 khu trại tị nạn nhưng ở Pakistan, trại nào cũng giống trại nào, đều là những địa ngục trên trần gian cả.

Bỗng nhiên tôi thầm nghĩ, giá những người có trách nhiệm trong chính quyền Mỹ đến các trại tị nạn này, tận mắt nhìn thấy những khu địa ngục này, hẳn họ sẽ cân nhắc kỹ hơn khi ra lệnh phóng tên lửa hành trình vào mảnh đất đã không còn sức sống./.

(Còn nữa)

Nguyễn Như Phong

Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á
"Tàn quân" Afghanistan chạy trốn sự săn đuổi của Taliban "Tàn quân" Afghanistan chạy trốn sự săn đuổi của Taliban
Di sản "thoả thuận Doha" với Taliban của Trump tạo thảm bại cho Afghanistan? Di sản "thoả thuận Doha" với Taliban của Trump tạo thảm bại cho Afghanistan?

/ An ninh thế giới