Phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025 và trong năm 2024 đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc.
- Phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc ven biển Nam Định- Thái Bình gần 20.000 tỉ đồng
- Phê duyệt dự án đường cao tốc trên cao - Vành đai 4 vùng Thủ đô với 56.000 tỷ đồng
Mục tiêu này được Chính phủ nêu rõ tại Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Chính phủ xác định 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
"Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững" là chủ đề được Chính phủ xác định trong năm nay, với nhiều trọng tâm chỉ đạo điều hành.
Một nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đề cập là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục…
Công nhân lắp tấm giải phân cách tại cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. (Ảnh: Trí Anh)
Chính phủ yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như: các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh đó, sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn; đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.
"Phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025; trong năm 2024, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc", Chính phủ đặt mục tiêu.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng các chính sách, định hướng về phát triển, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian ngầm đô thị. Đánh giá, rà soát thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Trong nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ nêu rõ sẽ triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Chính phủ lưu ý đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Các đơn vị triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án xử lý 4/12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại.
Tại Nghị quyết 01, nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng được cũng được đề cập. Theo đó, Chính phủ quán triệt hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào Quý III/2024 để đầu năm 2025 tập trung cho đại hội Đảng các cấp, nhất là cấp xã.
Đồng thời, Chính phủ nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
"Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính Nhà nước trước ngày 31/3/2024; đồng thời xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024", nghị quyết nêu.