Tại Việt Nam, chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo, tài sản ảo, mọi giao dịch đều qua sàn thương mại quốc tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, người dân cần cảnh giác kẻo dính “bẫy lừa”.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội hiện đang điều tra vụ việc một bị hại bị chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo dạng Bitcoin.
Theo trình báo của bị hại, qua giới thiệu của bạn cũ, chỉ trong vòng 2 ngày, người này đã nạp tiền vào hệ thống ACO dold và thắng 226.000 USD.
Khi muốn rút tiền ra, các đối tượng yêu cầu bị hại nạp thêm tiền vào tài khoản với các lý do “nộp tiền xác thực”, “nâng cấp tài khoản VIP”, “tiền rủi ro an toàn”… Tổng cộng, bị hại đã thực hiện 15 giao dịch và bị chiếm đoạt mất hơn 2 tỷ đồng.
Giao dịch, đầu tư tiền ảo thực hiện thông qua các sàn giao dịch quốc tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro |
Cụ thể, ngày 12-3, chị H lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm. Thấy một tài khoản đăng bài viết có nội dung “việc nhẹ, lương cao”, chị H đã liên hệ. Sau đó, chị H được hướng dẫn đăng ký tài khoản tham gia đầu tư sàn giao dịch tiền ảo. Nghe đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, chị H đóng 100 triệu đồng để đặt lệnh, ngay lập tức tài khoản báo nhận được 3,2 tỷ đồng nhưng hệ thống báo lỗi không cho rút tiền.
Được các đối tượng “nhiệt tình” hướng dẫn chị H đóng thuế, phí bảo hiểm… thì mới được rút tiền ra. Đến ngày 17-3, khi chị H đã chuyển hơn 750 triệu đồng cho các đối tượng. Tuy nhiên chị H vẫn không nhận lại được số tiền 3,2 tỷ đồng “trên sàn giao dịch”.
Thực tế tại Việt Nam hiện xuất hiện không ít sàn giao dịch tiền ảo thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Các sàn được giới thiệu là dự án với lãi suất cao, cam kết trả lợi nhuận với người chơi.
Thời gian đầu, các sàn này sẽ để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, chúng sẽ tư vấn để “con mồi” nạp tiền nhiều hơn rồi không cho rút tiền để chiếm đoạt.
Theo ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, thế giới vẫn còn nhiều khái niệm khác nhau về tài sản ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa. Do đó, các nước cũng cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này. Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến nhưng tại Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo, tài sản ảo; chưa có quy định cụ thể cũng như chưa coi tiền mã hóa là một loại tài sản. Việc giao dịch, đầu tư tiền ảo hiện nay tại Việt Nam được thực hiện thông qua các sàn giao dịch quốc tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro dễ bị lợi dụng, chiếm đoạt.
Ông Vinh cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tài sản ảo, tiền ảo cũng như có quy định cấm các hành vi mang tính rủi ro hoặc lợi dụng chiếm đoạt tiền ảo, tài sản ảo.
Để phòng, tránh bị lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư tài chính qua các ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để tự bảo vệ mình, tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
https://www.anninhthudo.vn/choi-tien-ao-mat-tien-that-post574905.antd