Có ngạc nhiên không khi các HLV bản địa không hề được nhắc tên trong cuộc đua tới vị trí dẫn dắt tuyển Việt Nam.
- Chọn HLV trưởng cho tuyển Việt Nam: Thầy nội liệu đã xứng tầm?
- Khi nào VFF công bố danh tính HLV trưởng đội tuyển Việt Nam?
Hướng về các HLV bản địa đang là xu thế của bóng đá châu Á thời gian qua. Đội tuyển số một châu lục Nhật Bản đã được dẫn dắt bởi Hajime Moriyasu suốt từ năm 2018, Hàn Quốc cũng có một HLV nội tạm quyền và đang hướng về một người bản địa khác cho vị trí chính thức.
Nhiều nền bóng đá lớn khác ở châu Á cũng hành động tương tự. Trong số ấy, không có Việt Nam.
Thực tế ấy cho thấy HLV Việt Nam hiện không đủ trình độ để dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Không tính người tạm quyền Mai Đức Chung hồi 2017, ba chiến lược gia bản địa gần nhất dẫn dắt tuyển quốc gia là Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Văn Phúc và Phan Thanh Hùng đều đã thất bại.
Họ đều thuộc nhóm HLV hàng đầu, đều từng vô địch V.League. Nhưng khi lên tuyển, thành tựu của họ đều thua kém khá xa nhóm thầy ngoại.
Bóng đá Việt Nam xoay vần quanh thầy ngoại.
Thất bại của họ cho thấy chất lượng hạn chế của V.League. Vì giải đấu chưa đủ tốt, V.League không nâng tầm được các HLV nội. Vì giải chưa đủ tốt, thành công ở đó không đồng nghĩa với thành công tại đội tuyển quốc gia. Thất bại của một hay hai HLV thì có thể bào chữa, nhưng cả ba thầy nội gần nhất của tuyển Việt Nam đều không thành công thì rõ ràng là vấn đề.
Đẳng cấp của V.League, chất lượng HLV nội là điều đã được các chuyên gia bóng đá phân tích từ nhiều năm qua. Thực tế là trong 5-7 năm gần nhất, bóng đá Việt Nam mới bắt đầu có các HLV bằng Pro của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC). Nhiều HLV nội ở các CLB khác nhau phải đăng ký dưới tư cách giám đốc kỹ thuật do thiếu bằng cấp.
Tấm bằng AFC không hẳn là đảm bảo cho đẳng cấp huấn luyện. Nhưng quá ít HLV nội sở hữu bằng cấp ấy cho thấy bóng đá Việt Nam chưa tiếp cận được các tri thức bóng đá hiện đại, chưa hội nhập được với kiến thức bóng đá thế giới đang ngày càng mở rộng.
Hạn chế của các HLV phản ánh hạn chế của CLB và V.League trên con đường hội nhập. Không phải tình cờ mà đội Hà Nội liên tục phải tìm thầy ngoại khi định hướng ra AFC Champions League. Không phải tình cờ mà bóng đá Hàn, Nhật có thể tự tin với các HLV nội. Moriyasu (Nhật Bản) hay Shin Tae-yong (Hàn Quốc) đều làm nên chuyện tại World Cup dù chỉ tới từ các CLB trong nước.
HLV Chu Đình Nghiêm là nhà cầm quân nội hàng đầu V.League.
Bởi thầy nội chưa đủ tốt, bóng đá Việt Nam mới cần hướng về thầy ngoại. Hai đời HLV thành công nhất của tuyển Việt Nam đều là người nước ngoài (Henrique Calisto và Park Hang Seo).
Sau thất bại dưới thời ông Philippe Troussier, bóng đá Việt Nam có lẽ đã nhận thấy vấn đề của riêng mình. Không thể có sự phát triển lành mạnh nếu một đội tuyển quốc gia cứ trao hết thành bại vào tay một HLV.
HLV tốt chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải tới từ cả nền bóng đá.
Tưởng tượng đội tuyển Việt Nam là một con lắc thì thời kỳ Park Hang Seo là điểm xa nhất mà con lắc ấy chạm tới trước khi về gần dưới thời Troussier. Điểm tựa không đủ lớn, sợi dây không đủ dài sẽ giới hạn thành tích của tuyển Việt Nam. Những điều đó, không HLV ngoại nào làm được dù đấy là Park hay Calisto.
Hiện tại vẫn thuộc về những ông thầy ngoại. Nhưng đường sáng sau này của tuyển Việt Nam phải thuộc về HLV nội.
https://vtcnews.vn/chon-hlv-truong-cho-tuyen-viet-nam-chua-toi-thoi-thay-noi-ar864458.html