Phát hiện kẻ đột nhập, gia chủ có quyền tấn công để ngăn chặn nhưng không được vượt quá phòng vệ chính đáng.
Rạng sáng 11/3, Nguyễn Thành Trung (31 tuổi) đột nhập vào nhà anh Võ Tấn Hội (38 tuổi) ở huyện Cần Giuộc, Long An. Khi hành vi bị phát giác, Trung cầm dao đâm anh Hội tử vong và khống chế chị Nguyễn Thúy Hằng (31 tuổi, vợ anh Hội) nhằm cướp tài sản. Bị Trung đuổi theo, chị Hằng quay lại giật con dao trên tay Trung và đâm trúng đầu khiến tên trộm chết tại chỗ.
Khi bắt quả tang đạo chích nhí đột nhập vào tháng 11/2017, một chủ tiệm tạp hóa ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã bị phạt 9 năm tù do cầm kiếm chém gây thương tật hơn 90%.
Nên vờ ngủ khi phát hiện kẻ đột nhập lúc nửa đêm. |
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho hay, theo điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 chủ sở hữu tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái pháp luật.
Trường hợp bị trộm đột nhập, gia chủ có quyền tấn công để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt hoặc hành vi tẩu thoát của kẻ trộm. Hành vi tấn công, ngăn chặn trong trường hợp này được coi là phòng vệ. Việc phòng vệ được mở rộng cho cả các chủ thể khác chứ không chỉ riêng gia chủ. Ví dụ người qua đường mà thấy trộm đang phá khóa hoặc có hành động khác để trộm cắp tài sản thì có quyền ngăn chặn, chống trả hành vi đó.
Tuy nhiên, việc chống trả, ngăn chặn phải trong giới hạn pháp luật cho phép. Cụ thể, điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 xác định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Trường hợp chống trả quá mức cần thiết, gia chủ sẽ bị quy kết vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và phải chịu trách nhiệm hình sự, chẳng hạn tội Giết người, Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, theo điều 126, 136 Bộ luật hình sự 2015.
"Lỗi" thường gặp về hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là khi hành vi xâm phạm không đe dọa đến tính mạng nhưng lại chống trả xâm phạm đến tính mạng người khác.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy nhiều trường hợp hành vi chống trả đã vượt quá mức cần thiết nhưng đặt trong hoàn cảnh cụ thể, xem xét nguyên nhân, tương quan lực lượng..., nhà chức trách vẫn coi là phòng vệ chính đáng.
Theo luật sư Vinh, hiện kẻ trộm rất manh động, liều lĩnh và sẵn sàng tấn công bằng mọi giá để tẩu thoát. Trong khi gia chủ bị động, không được trang bị các kỹ năng chống đỡ nên gia chủ thường rơi vào thế yếu ngay khi bị tấn công ngược trở lại. Do vậy, chủ nhà chỉ nên tấn công kẻ trộm khi bị "gây sự" trước và không còn cách nào khác.
Chuyên gia tội phạm học cho hay, tội phạm có tâm lý chung là sợ bị phát hiện, đa số chỉ có mục đích ban đầu lấy tài sản, chứ không phải gây án với chủ nhà. Tuy nhiên, chúng sẽ rất manh động nếu cảm thấy bị nguy hiểm. Nỗi sợ hãi bị lộ khiến kẻ gian trở nên tàn độc, quyết làm tất cả để thoát thân.
Để đảm bảo an toàn tính mạng khi có kẻ đột nhập, chuyên gia khuyên gia chủ cần xác định mạng sống của mình và những người trong nhà vào thời điểm đó là quan trọng nhất, không vì tâm lý tiếc tài sản mà giằng co lấy lại. Bạn hãy tảng lờ như ngủ say, không la hét hay xông vào bắt giữ. Khi bị khống chế, bạn phải tuyệt đối phục tùng không để chúng bị kích động, song cố gắng nhớ đặc điểm nhận dạng để báo cảnh sát.
Nghi can cướp tài sản bị người phụ nữ đâm tử vong Tên cướp ở Cần Giuộc (Long An) sát hại người chồng, tiếp tục khống chế người vợ cướp tài sản nhưng bị người này đoạt ... |