Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cho biết nếu thể hiện bản lĩnh và đoàn kết, EU sẽ giành được ưu thế trước Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
- Phương Tây tính cấp tiêm kích cho Ukraine sau màn phản công hiệu quả
- Điện Kremlin: Ông Putin và ông Tập Cận Bình sẽ thảo luận về Đài Loan, Ukraine
“Hãy để chúng tôi nói rất rõ ràng, nhiều thứ đang bị đe dọa. Không chỉ đối với Ukraine, mà đối với toàn bộ châu Âu và thế giới nói chung”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen nhấn mạnh trong thông điệp liên minh châu Âu năm 2022.
“Đây không chỉ là chiến dịch quân sự Nga tiến hành đối với Ukraine, đây còn là cuộc chiến về năng lượng. Đó là một cuộc chiến đối với nền kinh tế, và về các giá trị cũng như tương lai của chúng ta", bà Ursula Von der Leyen cho hay.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen. (Ảnh: Reuters)
Mặc dù phần lớn lãnh thổ miền Đông Ukraine vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga và cuộc khủng hoảng năng lượng đang bùng phát ở châu Âu do các lệnh trừng phạt của EU đối với Moskva, song người đứng đầu EC bày tỏ tin tưởng rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ có những diễn tiến tích cực đối với Brussels.
“Tình đoàn kết của châu Âu với Ukraine sẽ vẫn không thể lay chuyển", Chủ tịch EC cho biết.
Bà cũng ca ngợi về phản ứng của EU trước hoạt động quân sự của Nga, bao gồm hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine, cũng như "các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất với Nga".
Tuy nhiên, bà Ursula Von der Leyen thừa nhận để chiến thắng trước Nga sẽ đòi hỏi sự hy sinh nghiêm túc của các công dân châu Âu. “Tương lai phía trước của chúng ta sẽ không dễ dàng - nhiều gia đình đang phải vật lộn để kiếm sống, trong khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn", bà nói.
Nguồn cung dầu và khí đốt của Nga cho châu Âu đã giảm mạnh trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, do các lệnh trừng phạt của EU và các biện pháp đáp trả của Moskva. Người dân ở Áo, Cộng hòa Séc và các nước khác trong khối đã xuống đường biêu tình trong những tuần gần đây để phản đối chi phí năng lượng tăng cao.
Tuy nhiên, EU không đạt được đồng thuận về ý tưởng giới hạn giá khí đốt của Nga khi Đức, Hungary và Slovakia nằm trong số những nước phản đối kế hoạch này.