Con tàu, có mặt tại Trường Sa tháng 3/1988 ở thời khắc cực kỳ căng thẳng, từng tham gia các chuyến cứu nạn gian nan, nguy hiểm, nay ra sao?

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên VTC News mới đây, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVTND kể, năm 1999, khi ông đang là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, miền Trung có lũ lụt cực lớn.

Báo chí thời điểm đó mô tả trận lụt này là “trăm năm mới có một lần”. Ông Hiệu trên tàu cứu hộ Đại Lãnh đi mở đường cứu nạn đồng bào Quảng Nam thì bị mất liên lạc.

Trong cơn “đại hồng thủy”

Thượng tướng, viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu kể lại: “Tôi giữ chức phó trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương và phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn trong vòng 7 năm. Ký ức mà tôi nhớ mãi là năm 1999, sự kiện lũ lụt diễn ra ở miền Trung từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đến Quảng Ngãi. Thời điểm đó tôi đang giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng”.

Chuyện về tàu cứu hộ Đại Lãnh trong thảm sát Gạc Ma 1988 - 1
Hình ảnh tàu Đại Lãnh trên trang web của Tổng công ty bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam, công ty mẹ của Visal
Chuyện về tàu cứu hộ Đại Lãnh trong thảm sát Gạc Ma 1988 - 2
Hình ảnh tàu Đại Lãnh tháng 3/1988 và chú thích ảnh trên Soha

Vì là phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn nên tướng Hiệu phải vào đặt sở chỉ huy chống thiên tai ở Đà Nẵng. Lúc này sự cố xảy ra, vùng Quảng Nam bị chia cắt, điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt. “Trực thăng nếu có gió từ cấp 5 trở lên là không thể bay được, đường bộ thì bị ngập nặng, xe lội nước cũng không đi được, đường biển thì sóng to gió lớn. Ba yếu tố mưa, gió và bão gặp nhau tạo nên đại hồng thuỷ gây chia cắt huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn…”, ông Hiệu nói.

Lúc đó, ông cùng Bộ tư lệnh Quân khu 5 họp ở sân bay Đà Nẵng và quyết định phải đi bằng tàu. Mà tàu của hải quân hay biên phòng là tàu chiến đấu, không đi được nên đoàn quyết định đi bằng tàu cứu hộ Đại Lãnh.

Đoàn đi gồm đại diện Bộ tư lệnh Quân khu 5, hải quân, lực lượng cứu hộ của nhà nước, Bộ Quốc phòng và địa phương. “Chúng tôi đi từ cảng Đà Nẵng vào Quảng Nam nhưng sóng to, gió lớn, bão cấp 9 nên con tàu bị trôi dạt ra biển. Chỉ duy nhất người lái không bị say sóng, còn toàn bộ người trên tàu nôn ra mật xanh, mật vàng”.

Lực lượng trong bờ tìm cách ra cứu tàu nhưng bất thành. Đất liền mất liên lạc với con tàu trong nhiều giờ, không rõ tung tích cũng như sự an nguy của những người trên tàu.

Theo lời tướng Hiệu, sau khi bàn bạc, đoàn quyết định cho tàu cập vào Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Tàu ở ngoài xa, đồng bào phải dùng thuyền thúng bơi ra, mỗi thuyền thúng chở hai người. Vào đến bờ, phải nằm úp trên mặt đất khoảng mấy chục phút mới tỉnh dậy được. Lúc này, chúng tôi tiếp tục đi xe lội nước ra cứu đồng bào Quảng Nam”.

Tướng Hiệu bảo năm đó lụt to lắm. Ông còn nhớ, khi đài truyền hình phỏng vấn, ông đứng trả lời mà nước ngập nửa người.

Câu chuyện của thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và tàu Đại Lãnh khiến chúng tôi nhớ đến một câu chuyện khác, với một con tàu cũng mang tên Đại Lãnh nhưng diễn ra từ năm 1988: sự kiện Gạc Ma.

Ngày 14/3/1988, tại khu vực đá Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, quân Trung Quốc đã bắn cháy, bắn chìm một số tàu của Việt Nam, thảm sát 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam, chiếm đóng trái phép 6 bãi đá ngầm của Việt Nam.

Trong những tấm hình tư liệu vào thời điểm tháng 3/1988 mà phóng viên VTV (nhà báo Nguyễn Văn Vinh) lưu lại có một tấm ảnh đặc biệt, mặt sau tấm ảnh có dòng chữ “Tàu Mỹ Á cập tàu Đại Lãnh tại đảo Cô Lin, tặng anh Nguyễn Văn Vinh". (báo Tuổi trẻ 20/4/2018).

"Tàu Đại Lãnh ngày đó là tàu cứu hộ lớn nhất của Xí nghiệp Liên hiệp trục vớt cứu hộ. Chỉ ba ngày sau khi xảy ra vụ Gạc Ma, một nhóm thợ lặn bảy người cùng một nhóm đặc công nước từ Thủy Nguyên (Hải Phòng) vào được lệnh lên đường", ông Nguyễn Trọng Tâm, thợ lặn trên tàu cứu hộ Đại Lãnh kể với báo Tuổi trẻ. "Tàu Đại Lãnh nằm đó hỗ trợ anh em gần ba tuần thì tàu Mỹ Á ra. Đó là con tàu chở đoàn nhà báo đầu tiên ra Trường Sa sau sự kiện Gạc Ma”. Và đó là lý do có tấm ảnh "Tàu Mỹ Á cập tàu Đại Lãnh tại đảo Cô Lin” nói trên.

"Lấy danh nghĩa tìm kiếm vết xác tàu HQ 605. Nhưng khi ấy Đại Lãnh ở lại suốt 23 ngày là vì còn nhiệm vụ lớn hơn, thay thế tàu bị bắn chìm, đồng đội đã mất để tiếp tục giữ đảo", thợ lặn Nguyễn Trọng Tâm chia sẻ với Soha.

Tàu Đại Lãnh ở Gạc Ma 1988 và tàu Đại Lãnh ở Đà Nẵng 1999 là một?

Phóng viên VTC News đem thắc mắc này hỏi thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Ông không chắc chắn tàu Đại Lãnh cứu hộ ở Gạc Ma năm 1988 với tàu Đại Lãnh năm 1999 ở Đà Nẵng có phải là một con tàu không. Nhưng tướng Hiệu khẳng định: “Chỉ có một con tàu trục vớt cứu hộ mang tên Đại Lãnh”.

Tiếp tục đi tìm câu trả lời, phóng viên tìm thấy một bài trên báo Người lao động điện tử, đăng ngày 18/12/2011 với tựa đề “Visal vững tay chèo giữa biển lớn”, có đoạn viết: “…ngày 30/6/1976, Công ty Trục vớt thuộc Phân cục Đường biển Miền Nam đã được thành lập (nay là Công ty TNHH MTV Trục vớt Cứu hộ Việt Nam - Visal) thuộc Bộ GTVT”.

“…Đặc biệt, trong những ngày nóng bỏng ở Trường Sa năm 1988, cán bộ thuyền viên tàu Mỹ Á, tàu Đại Lãnh và các cán bộ của công ty đã tình nguyện, kiên cường cùng lực lượng hải quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam giữ gìn, bảo vệ biển đảo quê hương thân yêu của Tổ quốc”.

Theo trangvangtructuyen.vn, năm 1982, Visal lúc đó là Xí nghiệp Liên hợp trục vớt cứu hộ Việt Nam. Năm 2006 đổi thành Công ty Trục vớt cứu hộ Việt Nam. Năm 2010 đổi tên thành Công ty TNHH MTV Trục vớt cứu hộ Việt Nam và nay chuyển đổi thành Công ty cổ phần Trục vớt cứu hộ Việt Nam.

Như vậy Visal chính là Xí nghiệp Liên hiệp trục vớt cứu hộ có tàu Đại Lãnh ra Gạc Ma năm xưa.

Phóng viên VTC News liên hệ với Visal và được cho biết, theo thông tin lưu trữ, tàu Đại Lãnh được đóng vào năm 1969. Đại diện Visal cho biết thêm, tàu Đại Lãnh đã tham gia nhiều đợt cứu hộ cứu nạn, nổi bật là sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988, lũ lụt miền Trung tháng 11/1999…

Qua giới thiệu của Visal, phóng viên liên lạc được với ông Đào Ngọc Cẩn, từng là thuyền trưởng tàu cứu hộ Đại Lãnh. Ông Cẩn nói mình bắt đầu làm việc tại Công ty cổ phần Trục vớt cứu hộ Việt Nam từ năm 1983. Trước đó, ông Cẩn có thời gian công tác trong lực lượng hải quân, là một trong những thành viên của Đoàn tàu Không số, đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, với nhiệm vụ mở con đường vận tải biển chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 1992, tôi tiếp nhận chức vụ thuyền trưởng tàu Đại Lãnh. Trong sự kiện lũ lụt miền Trung Việt Nam tháng 11/1999, máy bay không bay được, đường bộ không đi được, nên lựa chọn đường thuỷ, tàu Đại Lãnh được điều động tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Tàu chúng tôi chở phái đoàn của ông Nguyễn Huy Hiệu, lúc bấy giờ đang giữ chức phó trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương và phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Tàu chở đoàn đến khu vực Dung Quất, sau đó ghe ra đón đoàn.

Khi tiếp nhận tàu Đại Lãnh, tôi cũng được biết con tàu này đã từng tham gia cứu hộ sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988”, ông Cẩn nói.

Như vậy, có thể nói tàu Đại Lãnh là một vật chứng lịch sử quan trọng. Vậy bây giờ nó đang ở đâu?

Đại diện Visal cho biết: sau 50 năm hoạt động, tàu Đại Lãnh được công ty thanh lý cho một đơn vị khác và họ đã cắt ra bán phế liệu.

XUÂN THỦY - ANH VĂN

Kỷ niệm 34 năm sự kiện Gạc Ma (14-3-1988/14-3-2022): Bản anh hùng ca về lòng yêu nước Kỷ niệm 34 năm sự kiện Gạc Ma (14-3-1988/14-3-2022): Bản anh hùng ca về lòng yêu nước
Gạc Ma - Tổ quốc nhìn từ biển: Những vần thơ từ tâm khảm Gạc Ma - Tổ quốc nhìn từ biển: Những vần thơ từ tâm khảm

/ vtc.vn