Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về một nhà hàng ở TP. Điện Biên bị "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới gây thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Được biết, nhà hàng này đã hỗ trợ hai bên gia đình dựng rạp ngoài đường, chuẩn bị mâm cỗ theo đúng kế hoạch. Do gia đình cô dâu, chú rể là người quen nên nhà hàng không yêu cầu đặt cọc trước, song đến thời điểm tổ chức tiệc theo kế hoạch vẫn không thấy ai đến ăn cỗ. Bất lực, nhà hàng đã đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, kêu gọi người dân giải cứu 150 mâm cỗ và giảm giá từ 1.5 triệu đồng xuống còn 500.000 đồng/mâm.
Chiều 30/9, Công an phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) nhận đơn trình báo của ông Vũ Thế Long (sinh năm 1988, Chủ nhà hàng T.P, địa chỉ tại tổ 9, phường Mường Thanh) liên quan việc bị hủy hợp đồng đặt cỗ cưới không có nguyên nhân.
Sau khi vào cuộc xác minh, đại diện Công an phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ cho biết, đã xác định được danh tính người đặt cỗ cưới với chủ nhà hàng bị "bom" 150 mâm cỗ gây xôn xao dư luận.
Danh tính 'cô dâu ma' này là Cà Thị Út (SN 1996, có hộ khẩu thường trú tại bản Co Hói, xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Theo Công an phường Mường Thanh, sau khi sự việc xảy ra, Thị Út đã bỏ đi khỏi địa bàn, số điện thoại Út cung cấp cho nhà hàng đã tắt máy, không liên lạc được.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc khách hàng đặt cỗ cưới nhưng không thực hiện hợp đồng làm cho chủ nhà hàng lâm vào tình trạng khốn đốn là sự việc hiếm gặp.
Do quen biết, tin tưởng với gia đình cô dâu, chú rể nên hai bên đã thỏa thuận miệng mà không xác lập hợp đồng bằng văn bản về việc tổ chức tiệc cưới, cũng không làm thủ tục đặt cọc tiền làm cỗ cưới.
Tuy vậy, theo Điều 119, Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Vì vậy, dù hợp đồng đặt cỗ cưới giữa hai bên chỉ là hợp đồng miệng nhưng vẫn có giá trị pháp lý nên hai bên phải thực hiện đúng nội dung hợp đồng.
Theo đó, nếu bên đặt hàng đã đặt hàng nhưng không thực hiện việc thanh toán và nhận hàng đã đặt thì theo pháp luật dân sự người đặt hàng đó đã vi phạm quy định về nghĩa vụ của hợp đồng - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Chia sẻ về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Trong vụ việc này, nếu có trình báo của chủ nhà hàng về hành vi của khách đặt hàng rồi không đến ăn cỗ, cũng không trả tiền thì cơ quan công an có thể vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ và những việc có liên quan để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Vụ việc hi hữu trên có 2 tình huống đặt ra, một là đám cưới gặp phải sự cố do nguyên nhân khách quan khiến việc tổ chức chưa thể thực hiện được.
Trong trường hợp này hoàn toàn là quan hệ dân sự thuần tuý, chủ nhà hàng có thể bắt đền người đặt hàng về thiệt hại từ việc thỏa thuận đặt cỗ đó.
Nếu hai bên không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trường hợp thứ hai xảy ra có thể là người đặt cỗ đã cố tình làm như vậy để "chơi khăm", chủ đích gây thiệt hại cho chủ nhà hàng.
Trường hợp này là lỗi cố ý và gây thiệt hại đến tài sản của chủ nhà hàng. Tuy nhiên đối chiếu với các quy định của pháp luật hình sự hiện hành thì rất khó có thể áp dụng chế tài nào đối với hành vi này.
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng VP Tinh thông luật cho biết: Điều 520 trong Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ.
Bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
“Bên sử dụng dịch vụ có quyền chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo trước cho bên cung ứng theo một thời gian hợp lý. Trường hợp này bên sử dụng dịch vụ (là cô dâu) đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng. Đây là quan hệ giao dịch dân sự thuần túy và sẽ được giải quyết, bồi thường thiệt hại bằng tố tụng dân sự” - Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
PV (th)