Sau 45 ngày quan trắc, cơ quan chức năng ghi nhận cồn cát trên biển Cửa Đại có "tốc độ bồi xói diễn ra rất nhanh".
Ngày 13/5, theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), qua 5 lần khảo sát cồn cát nổi trên biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) cho thấy tốc độ bồi xói diễn biến rất nhanh, mỗi tuần có thể bồi xói từ 30 m đến 50 m.
Diễn biến cồn cát từ 31/3 đến 10/5. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Cụ thể ngày 31/3, Tổng cục Phòng chống thiên tai khảo sát lần một ghi nhận chiều dài điểm xa nhất của cồn cát là 1.043 m; chiều rộng nơi lớn nhất 200 m. Các lần khảo sát tiếp theo đều cho kết quả cồn cát dài ra. Tuy nhiên, đến ngày 10/5, đơn vị khảo sát lần 5 và ghi nhận chiều dài nơi xa nhất của cồn cát là 1.037 m, chiều rộng nơi lớn nhất 170 m (lần lượt giảm 6 m và 30 m so với lần một).
Theo cơ quan này, chưa thể nhận định được quy luật phát triển của cồn cát cũng như mối tương quan với diễn biến bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nhiều năm qua. "Để có đầy đủ cơ sở khoa học đưa ra những nhận định về diễn biến, cần quan trắc sự thay đổi hình học của cồn cát", Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị.
Ngoài ra, Tổng cục cũng cho rằng phải tiến hành đo đạc bổ sung các yếu tố thủy động lực như mực nước; sóng và bùn cát... nhằm phục vụ công tác mô phỏng bằng mô hình toán, kết hợp với phân tích ảnh vệ tinh khu vực trong những năm gần đây. "Cần sự vào cuộc của các chuyên gia trong và ngoài nước", báo cáo của Tổng cục nêu.
Trong lần khảo sát mới nhất, cồn cát thu hẹp so với các lần trước. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Là người trước đây từng chở khách lên cồn cát chơi, ông Trần Hai (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) cho hay "gần đây chính quyền cấm lên cồn cát nên tôi không chở khách nữa, song qua quan sát cho thấy cồn cát này thay đổi liên tục, phía nằm song song với bờ biển là nơi bị xói lở nhiều, một số cọc tre của cơ quan nghiên cứu đóng để quan trắc đã bị vùi lấp".
Ngư dân Nguyễn Văn Bình (phường Cửa Đại, TP Hội An) thông tin, từ ngày cồn cát nổi lên, tàu có công suất lớn qua khu vực này phải tìm lạch nước sâu để đi, tránh mắc cạn. "Chúng tôi lo ngại cồn cát thay đổi liên tục sẽ gây ảnh hưởng cho tàu thuyền ra vào", ông nói.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), việc cồn cát lớn dần ra hay nhỏ lại phụ thuộc vào lượng cát từ bên ngoài mang vào; khi bờ bị xói lở và gió đông nam tạo thành những đợt sóng mang cát từ phía Nam lên phía Bắc thì cồn cát lớn lên. Ngược lại, lượng cát từ bên ngoài bồi vào cồn cát sẽ giảm và khu vực này bị xói lở dần.
Cồn cát trên biển Cửa Đại. Ảnh: Minh Hải.
Cồn cát trên biển Cửa Đại nằm ngoài cửa sông Thu Bồn, xuất hiện từ năm 2017, sau đó nhô lên trên mặt nước và lớn dần. Ngày 5/4, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã tổ chức đoàn khảo sát khu vực này, tuy nhiên chưa đưa ra nguyên nhân hình thành. Hiện tỉnh Quảng Nam cắm biển cấm người dân lên cồn cát.
Tổng cục Phòng chống thiên tai cắm cọc quan trắc, mỗi tuần khảo sát một lần để ghi nhận nhận số liệu.
Cồn cát trên biển Cửa Đại dài ra hơn 80m Sau 20 ngày quan trắc, cơ quan chức năng ghi nhận cồn cát trên biển Cửa Đại dài thêm 83 m, chiều ngang nơi rộng ... |
Tìm nguyên nhân cồn cát lớn nổi trên biển Cửa Đại Cồn cát dài hơn 1 km, nơi rộng nhất 200 m nổi lên mặt biển Cửa Đại (Hội An), các cơ quan chuyên môn đang ... |